Một ngân hàng được chọn thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Theo Bộ Tài chính, hiện đã hoàn tất giai đoạn kiểm thử cuối cùng và sẵn sàng đưa hệ thống giao dịch, hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đi vào vận hành. Vietcombank được chọn là ngân hàng kết nối thanh toán...
Cập nhật tiến độ chuẩn bị khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính cho biết về hoàn thiện khung pháp lý, Thông tư số 30/2023/TT-BTC được ban hành ngày 17/5/2023 hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước.
Về các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp cùng các Sở Giao dịch Chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) rà soát, chấp thuận các Quy chế hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của VSDC, Quy chế thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và Quy chế giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và VSDC đã hoàn tất giai đoạn kiểm thử cuối cùng và sẵn sàng đưa hệ thống giao dịch, hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đi vào vận hành.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ trình Bộ Tài chính trước khi chấp thuận đưa hệ thống giao dịch, hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vào vận hành chính thức.
Bộ Tài chính thông tin thêm ngày 14/6 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Công văn số 3638/UBCK-PTTT chấp thuận về mặt nguyên tắc đối với việc lựa chọn Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) là ngân hàng thanh toán để tiến hành kết nối thử nghiệm hệ thống với VSDC và một số thành viên lưu ký.
Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang thực hiện thủ tục chấp thuận Vietcombank làm ngân hàng thanh toán cho giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, sau khi VSDC có công văn xác nhận về việc hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật của Vietcombank đảm bảo thực hiện việc thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Đồng thời, xác nhận việc kiểm thử thành công đối với hệ thống kết nối thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của Vietcombank.
Giới phân tích cho rằng việc khai trương sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với cơ chế giao dịch tức thì T+0 sẽ giúp tăng thanh khoản trái phiếu trên thị trường và tạo dựng lại niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc vận hành sàn giao dịch mới cũng sẽ giúp minh bạch hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp hơn so với trước đây.
Về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX cho thấy, trong tháng 6 vừa qua có 13 đợt phát hành riêng lẻ của 10 doanh nghiệp với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng. Giá trị này tăng mạnh so với tháng trước đó, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.
Xét theo nhóm ngành, xây dựng - bất động sản là nhóm dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6, chiếm 47,5% giá trị phát hành. Mức lãi suất trái phiếu cao nhất trong tháng 6 được ghi nhận lên đến 14%. Các doanh nghiệp còn lại ghi nhận mức lãi suất 12%/năm; 6-7% với chủ yếu là các ngân hàng.
Nhóm tài chính ngân hàng sau nhiều tháng im ắng cũng phát hành trở lại, chiếm 39% tổng giá trị phát hành tháng vừa qua.
Theo tính toán, sẽ có khoảng 150,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào nửa cuối năm 2023. Trong đó, lượng trái phiếu đáo hạn tập trung vào quý 3 với 91,8 nghìn tỷ, tăng 26% so với quý liền trước. Áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30,6 nghìn tỷ vào tháng cuối năm 2023.
Nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63,3 nghìn tỷ đồng và chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm. Điểm đáng chú ý, ước tính có khoảng 13 doanh nghiệp phi ngân hàng có giá trị trái phiếu đáo hạn lớn, trên 3.000 tỷ trong nửa cuối năm 2023. Trong số đó, có đến 12 doanh nghiệp bất động sản và 11 doanh nghiệp chưa niêm yết đáo hạn, điều này cho thấy rủi ro gia tăng trong giai đoạn này.
Trong đó, Tập đoàn An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát dẫn đầu giá trị trái phiếu đáo hạn với gần 15 nghìn tỷ. Do đây là những lô trái phiếu liên quan đến vi phạm bị phát hiện vào năm ngoái.