Một nguyên nhân ít ai ngờ phía sau sự mất giá của đồng yên Nhật
Khi nói về tình trạng mất giá kéo dài của đồng yên Nhật Bản, có một yếu tố thường bị xem nhẹ...
Đó là việc bán đồng yên và dòng tiền chảy khỏi Nhật Bản vì những lý do liên quan đến thương mại và đầu tư - theo tờ báo Nikkei Asia.
Số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố mới đây cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của nước này vượt 25 nghìn tỷ yên, tương đương 160 tỷ USD, trong tài khoá 2023, mức cao chưa từng thấy. Tài khoản vãng lai ghi chép các giao dịch giữa một quốc gia với phần còn lại của thế giới - bao gồm giá trị ròng thương mại hàng hoá và dịch vụ, lợi nhuận/lỗ ròng của các khoản đầu tư xuyên biên giới, và giá trị chuyển khoản ròng - trong khoảng thời gian nhất định thường là 1 năm.
Tuy nhiên, tài khoản vãng lai của Nhật Bản không phản ánh dòng tiền có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá hối đoái, và phía sau con số thặng dư khổng lồ nói trên là một câu chuyện khác.
Các công ty của Nhật Bản thường dùng lợi nhuận mà họ kiếm được ở nước ngoài để tái đầu tư vào nước sở tại. Bởi vậy, số lợi nhuận đó không phải lúc nào cũng được chuyển về nước, đồng nghĩa không phải lúc nào cũng dẫn tới việc mua vào đồng yên.
Nhà kinh tế Daisuke Karakama của ngân hàng Mizuho lấy thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trừ đi phần lợi nhuận mà doanh nghiệp Nhật tái đầu tư ở nước ngoài, cũng như lãi suất và cổ tức được cho là được giữ bằng ngoại tệ. Kết quả cho thấy mức thặng dư chỉ còn hơn 1,9 nghìn tỷ yên.
Điều này có nghĩa là dòng vốn thực sự dẫn tới việc mua đồng yên chỉ bằng chưa đầy 10% con số thống kê về thặng dư tài khoản vãng lai. Trong quý 1 năm nay, khi tốc độ mất giá của đồng yên tăng lên, tài khoản vãng lai của Nhật Bản thậm chí thâm hụt 300 tỷ yên nếu áp dụng cách tính toán như trên.
Tỷ giá đồng yên gần đây dao động quanh ngưỡng khoảng 156 yên đổi 1 USD, giảm gần 10% so với đầu năm. Nguyên nhân chính khiến đồng yên mất giá là khoảng cách chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản. Hồi cuối tháng 4, có lúc đồng yên rớt giá còn 160 yên/USD, mức thấp nhất 34 năm, khi các nhà đầu cơ đua nhau bán khống đồng yên.
Về mặt lý thuyết, mức thặng dư tài khoản vãng lai lớn sẽ giữ vai trò hãm bớt đà giảm giá của đồng yên. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản thực chất không lớn, nên vai trò hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ cũng không còn đáng kể.
Khi nhìn vào giao dịch hàng hoá và dịch vụ, ảnh hưởng của yếu tố cung-cầu càng trở nên rõ nét. Cán cân thương mại hàng hoá và dịch vụ - một thành phần trong cán cân vãng lai - của Nhật Bản thâm hụt 6 nghìn tỷ yên trong tài khoá 2023.
Về hàng hoá, giá trị nhập khẩu năng lượng và các nguyên vật liệu thô của Nhật Bản đã vượt xa giá trị xuất khẩu hàng hoá của nước này kể từ năm 2021. Điều này làm gia tăng áp lực mất giá đối với đồng yên. Về dịch vụ, cán cân thương mại cũng gây ra tác động tương tự.
Nhật Bản thu hút được lượng du khách quốc tế lớn, dẫn tới mức thặng dư 4,2 nghìn tỷ yên, đóng góp vào việc mua đồng yên. Nhưng các dịch vụ khác - bao gồm việc các công ty công nghệ Mỹ bán tiền yên kiếm được từ các dịch vụ số ở Nhật Bản, để mua ngoại tệ chuyển về nước - đã dẫn tới khoản thâm hụt hơn 6 nghìn tỷ yên.
“Cho dù nhu cầu của du khách nước ngoài tới Nhật Bản du lịch tiếp tục lớn tới đâu, nguồn nhân lực của ngành du lịch nước này là có giới hạn. Trong khi đó, các dịch vụ phát trực tiếp và dịch vụ số của các công ty Mỹ tiếp tục mở rộng ở Nhật”, ông Karakama nói.
Nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, áp lực mất giá đối với đồng yên có thể giảm bớt. Tuy nhiên, các yếu tố khác ảnh hưởng tới tỷ giá yên có thể sẽ không giảm xuống một cách dễ dàng như vậy.
Sau thảm hoạ động đất và sóng thần đổ vào bờ biển Thái Bình Dương ở khu vực Đông Bắc của Nhật Bản vào năm 2011, tàn phá các cơ sở sản xuất ở khu vực này, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á và các địa chỉ khác trên thế giới. Sự dịch chuyển đó khiến kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm sút. Áp lực mất giá đối với đồng yên đã tăng lên kể từ năm 2012 như một hệ luỵ.
Hiện tại, các công ty Nhật vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động ở nước ngoài, xem đây như một cơ hội để tăng trưởng. Tuy nhiên, một khi các hệ thống sản xuất như vậy được thiết lập, các động lực giữa nguồn cung và nhu cầu sẽ cần thời gian để thay đổi, dẫn tới các dòng vốn chảy khỏi Nhật mang tính cấu trúc - theo nhận định của Nikkei.