Giới quản lý quỹ tiết lộ cách kiếm lời từ sự mất giá của đồng yên Nhật
Năm nay, đồng yên Nhật đã giảm giá 9,4% so với đồng USD, tiến tới hoàn tất năm giảm thứ tư liên tiếp...
Áp lực đòi nhà chức trách Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng yên có thể đã giảm bớt trong những ngày gần đây, nhưng tình trạng yếu ớt của đồng nội tệ vẫn là một vấn đề nan giải đối với Tokyo - theo hãng tin Reuters.
Năm nay, đồng yên Nhật đã giảm giá 9,4% so với đồng USD, tiến tới hoàn tất năm giảm thứ tư liên tiếp. Sự mất giá của đồng yên tác động đến nền kinh tế Nhật theo cả hai chiều hướng, một mặt hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu và du lịch, mặt khác khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn vì giá hàng hoá nhập khẩu tăng cao.
Trao đổi với Reuters, một số nhà quản lý quỹ phòng hộ đã chia sẻ về cách mà các nhà đầu cơ có thể kiếm tiền từ sự mất giá của đồng yên. Tuy nhiên, những thông tin được chia sẻ không phải là một sự khuyến nghị hay tiết lộ về vị thế giao dịch của họ.
Ông Doug Greenig, Giám đốc đầu tư (CIO) của Florin Court Capital - công ty thành lập vào năm 2016 và đang quản lý 2 tỷ USD tài sản - nói rằng bán khống đồng yên (short) là một cách làm dễ thấy nhưng đi kèm rủi ro là đồng yên có thể bất ngờ tăng giá trở lại khi có hành động can thiệp của nhà chức trách.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là đã can thiệp hai lần vào thị trường ngoại hối trong thời gian gần đây để ổn định tỷ giá đồng yên, vào các ngày 29/4 và 1/5, sau khi yên giảm giá quá mức 160 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất 34 năm. Hiện nay, tỷ giá yên đã ổn định ở vùng giữa từ 155-156 yên/USD.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự mất giá của đồng yên là lãi suất thực ở Nhật Bản thấp hơn nhiều so với ở các nền kinh tế phát triển khác.
Lãi suất ở Mỹ đang duy trì ở mức cao do chính sách tài khoá nới lỏng và nền kinh tế tăng trưởng vững. Ngược lại, BOJ không thể thoải mái tăng lãi suất, một phần do nợ công của Nhật Bản đang ở mức 236% tổng sản phẩm trong nước (GDP), một tỷ lệ cao hơn nhiều so với của Mỹ, và tăng trưởng kinh tế Nhật Bản còn yếu. Sở dĩ nợ công của Nhật Bản lớn mà lợi suất trái phiếu chính phủ nước này giữ ở mức thấp là do BOJ liên tục mua vào tài sản này. Hiện BOJ đang nắm khoảng một nửa số nợ trái phiếu của Chính phủ Nhật.
Theo ông Greenig, ngoài bán khống đồng yên, nhà đầu tư cũng nên xem xét đặt cược vào sự mất giá của đồng tiền các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. “Nhà đầu tư có thể xem xét bán khống những đồng tiền châu Á khác như won Hàn Quốc hay baht Thái Lan. Đó là những nước mà lãi suất thực cũng đang tương đối thấp nếu so với các nền kinh tế mới nổi khác. Mà khi đầu cơ những đồng tiền đó, bạn không phải đối mặt rủi ro ngân hàng trung ương can thiệp vào thị trường ngoại hối”, ông nói.
Ông Jonathan Fader, Giám đốc điều hành quỹ Macro Strategies Group của công ty quản lý quỹ AQR Capital Management, cho biết việc BOJ can thiệp vào thị trường ngoại hối đặt ra thách thức đối với các nhà đầu cơ giá xuống đồng yên, nhưng nguyên nhân chính dẫn tới đồng yên mất giá vẫn còn - đó là chính sách tiền tệ của Nhật Bản vẫn còn nới lỏng trong khi lãi suất ở các nền kinh tế phát triển khác đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
AQR Capital Management được thành lập vào năm 1998 và hiện quản lý số tài sản 108 tỷ USD.
Ông Fader chỉ ra cơ hội của việc đầu tư vào những cổ phiếu Nhật Bản hưởng lợi từ sự mất giá của đồng yên. Ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ mật thiết giữa tỷ giá đồng yên và chứng khoán Nhật - đồng yên mất giá mang lại lợi ích cho chứng khoán Nhật vì giúp các công ty của nước này đẩy mạnh xuất khẩu - đã bị phá vỡ khi Tokyo đẩy mạnh các cảnh báo về tỷ giá. Tuy nhiên, những yếu tố hỗ trợ đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn còn, bao gồm sự cải thiện trong quản trị doanh nghiệp và việc các ngân hàng hưởng lợi từ việc BOJ chấm dứt lãi suất âm.
BOJ có đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm vào tháng 3 năm nay. “Nếu biến động tỷ giá đồng yên giảm xuống, chứng khoán Nhật Bản có thể nối lại xu hướng tăng trưởng vượt trội”, ông Fader nói.
Năm nay, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật đã đạt mức cao kỷ lục, sau đó quay đầu giảm, nhưng hiện vẫn tăng 16% so với thời điểm đầu năm.
Đối với ông David Aspell, nhà quản lý quỹ thuộc Mount Lucas - công ty quản lý quỹ đầu cơ thành lập năm 1986 và đang quản lý 1,5 tỷ USD tài sản - khoảng cách lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản đồng nghĩa giới đầu cơ sẽ tiếp tục sử dụng đồng yên làm đồng tiền cấp vốn (funding currency) trong giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade). Theo ông Aspel, trong dạng giao dịch này, có một cách cụ thể để kiếm tiền từ sự mất giá của đồng yên là sử dụng hợp đồng kỳ hạn (forward) tiền tệ. Đây là một dạng hợp đồng cho phép nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Nếu mua một hợp đồng kỳ hạn USD/yên 1 năm ở mức giá rẻ hơn so với tỷ giá hiện tại, nhà đầu tư sẽ lỗ sau 1 năm nếu đồng USD giảm giá so với yên - ông Aspell cho biết. Ngược lại, nhà đầu tư sẽ lãi nếu tỷ giá USD so với yên không thay đổi hoặc tăng.
“Việc Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối cùng lắm chỉ có tác dụng trong trung hạn, nhờ sự bất ngờ và được hậu thuẫn bởi các yếu tố kinh tế nền tảng”, nhà quản lý quỹ này nhận định, cho rằng xu hướng mất giá của yên sẽ tiếp diễn.