Một quốc gia Đông Nam Á thiệt hại 12,8 tỷ USD do tình trạng lừa đảo sử dụng AI gia tăng

Bảo Ngọc
Chia sẻ

Báo cáo công bố vào ngày 3/10 cho biết người dân Malaysia đã mất 12,8 tỷ USD do chiêu trò lừa đảo, tương đương 3% tổng tài sản quốc nội (GDP) của cả nước, trong bối cảnh nhiều vụ lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) gia tăng…

Malaysia thiệt hại 12,8 tỷ USD vì những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.
Malaysia thiệt hại 12,8 tỷ USD vì những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.

Báo cáo về tình trạng lừa đảo năm 2024 do Liên minh Chống lừa đảo Toàn cầu (GASA) cùng Whoscall và Feedzai phối hợp thực hiện tại Malaysia cho biết tình trạng gia tăng của các vụ lừa đảo sử dụng AI đang ở mức đáng báo động. Trong đó, 25% người dân Malaysia bày tỏ mối lo ngại về việc liệu trí tuệ nhân tạo có liên quan đến các vụ lừa đảo hay không, theo Technode Global.

Rõ ràng, một bộ phận không nhỏ người dân dễ bị lừa đảo bằng một số chiêu thức tinh vi lợi dụng công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như sử dụng video deepfake hay bắt chước giọng nói, khiến vụ việc khó bị phát hiện hơn.

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG BÁO ĐỘNG 

Báo cáo cho thấy 74% số người được hỏi gặp phải tình trạng lừa đảo ít nhất một lần mỗi tháng, trong đó 43% người tham gia ghi nhận sự gia tăng về số lượng vụ lừa đảo trong năm qua.

Các phương thức lừa đảo phổ biến bao gồm cuộc gọi điện thoại, ứng dụng nhắn tin mã hoá và một số nền tảng truyền thông xã hội như WhatsApp, Telegram và Facebook, nơi những kẻ lừa đảo hoạt động ngày càng tích cực. Đáng chú ý, số vụ lừa đảo qua tin nhắn văn bản và SMS ghi nhận tăng 8% so với năm 2023.

Hậu quả về mặt tinh thần đối với nạn nhân rất khủng khiếp, khi 57% thừa nhận bị ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt cảm xúc sau khi trải qua vụ việc.

Hậu quả còn trầm trọng hơn do mất mát về tài chính. Số tiền trung bình mỗi nạn nhân lừa đảo bị lấy cắp được ghi nhận khoảng 2.726 USD, trong đó chỉ 2% có khả năng nhận lại toàn bộ số tiền đã mất — con số giảm mạnh so với mức 8% cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cũng cho biết 33% vụ lừa đảo được hoàn thành trong vòng 24 giờ sau lần đầu tiên tiếp xúc với nạn nhân, thậm chí 20% vụ lừa đảo diễn ra chỉ trong vài phút đồng hồ. Con số nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luôn cảnh giác vì những kẻ lừa đảo thường tranh thủ cơ hội tức thì.

Ghi nhận khoảng 23%, lừa đảo đầu tư là hình thức gian lận phổ biến nhất tại Malaysia, tiếp theo là trộm cắp danh tính ở mức 21%. Lừa đảo mua sắm đứng thứ ba trong danh mục, đạt 20%.

Sau nhiều trải nghiệm tồi tệ, 63% người Malaysia khẳng định hoàn toàn mất niềm tin vào các nền tảng trực tuyến và hoạt động giao dịch kỹ thuật số.

Thực trạng đáng báo động là 70% nạn nhân bị lừa đảo không báo cáo vụ việc với chính quyền địa phương, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy mức độ hoài nghi ngày càng tăng về hiệu quả của quy trình xử lý báo cáo.

Trong số những người được khảo sát, 32% thừa nhận đã từng mất tiền do bị lừa đảo.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN 

Ông Manwoo Joo, Giám đốc Điều hành công ty an ninh mạng Gogolook, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa gian lận trong bối cảnh kỹ thuật số ngày nay.

Ông Joo cho biết: “Với các ứng dụng an ninh tiên tiến đóng vai trò như tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại kẻ lừa đảo, chúng ta có thể giảm đáng kể nguy cơ trở thành nạn nhân trong nhiều vụ việc đáng tiếc”.

Vị Giám đốc cũng lưu ý công ty đang tích cực hợp tác với chính quyền địa phương như Cảnh sát Hoàng gia Malaysia (PDRM) và tổ chức CyberSecurity Malaysia nhằm tăng cường nỗ lực giải quyết tội phạm lừa đảo và nâng cao khả năng bảo vệ công chúng.

“Chúng tôi liên tục khám phá tiến bộ trong công nghệ, bao gồm một số tính năng do AI điều khiển, cố gắng đi trước các chiến thuật lừa đảo đang phát triển”, ông Joo nói thêm, “Mục tiêu của chúng tôi là tận dụng giải pháp tiên tiến nhằm cung cấp cho người dân Malaysia bộ công cụ cần thiết để xác định và ngăn chặn lừa đảo trước khi hậu quả xảy ra”.

Sau khi báo cáo được công bố, giới chuyên gia cũng kêu gọi tăng cường giáo dục công chúng về cách nhận biết và báo cáo lừa đảo, cải thiện tính minh bạch trong quy trình xử lý báo cáo cũng như tăng cường phản ứng thực thi pháp luật.

Công bố từ GASA nhấn mạnh nhu cầu về chiến lược toàn diện liên quan đến công nghệ và sự tham gia góp sức của cộng đồng chưa bao giờ cấp thiết như lúc này, khi Malaysia đang phải vật lộn với vấn đề lừa đảo tràn lan.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con