Mỹ đề xuất thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%
Bộ Tài chính Mỹ ngày 20/5 đề xuất đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu ở mức 15%...
Bộ Tài chính Mỹ ngày 20/5 đề xuất đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu ở mức 15%, thấp hơn mức 21% mà nước này đề xuất cho lợi nhuận ở thị trường nước ngoài của các công ty Mỹ - con số mà nhiều quốc gia cho là quá cao nếu áp dụng toàn cầu.
Theo hãng tin Bloomberg, sự khác biệt giữa hai mức thuế trên phản ánh khó khăn trong cuộc đàm phán quốc tế về thuế doanh nghiệp toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dẫn đầu. Trong khi Mỹ và nhiều nước khác muốn đánh thuế cao để tăng thu ngân sách, nhiều nước như Ireland đã quen dựa vào thuế doanh nghiệp thấp như một chiến lược phát triển kinh tế quan trọng.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán vẫn đặt mục tiêu đạt một thoả thuận trong mùa hè năm nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen thời gian qua đã nỗ lực vận động nhằm đi tới một thoả thuận tham vọng để chấm dứt điều mà bà gọi là “cuộc đua xuống đáy” về thuế doanh nghiệp trên toàn cầu. Cuộc đua giảm thuế giữa các quốc gia đã xói mòn nguồn thu ngân sách của các chính phủ, trong khi nhiều chính phủ phải vay nợ kỷ lục để ứng phó với đại dịch Covid-19. Nỗ lực này của chính quyền Tổng thống Joe Biden là sự đảo ngược chủ trương của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, đồng thời thu hút được khoảng 140 quốc gia tham gia đàm phán.
“Một công việc cấp bách là đàm phán đa phương để chấm dứt sức ép cạnh tranh về thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh rằng 15% là một mức sàn, và các cuộc thảo luận cần tiếp tục để có thể đạt tới một mức thuế cao hơn”, tuyên bố ngày 20/5 của Bộ Tài chính Mỹ có đoạn viết.
Thời ông Trump, Mỹ đã rút khỏi cuộc đàm phán thuế doanh nghiệp toàn cầu do OECD dẫn đầu. Sau khi ông Biden lên nắm quyền, Mỹ đã quay trở lại bàn đàm phán. Đề xuất thuế 15% mà Mỹ vừa đưa ra đã gần hơn với mức 12,5% mà OECD thảo luận trước đó.
Một số quốc gia có thuế thấp hơn, chẳng hạn như Ireland - nơi có thuế doanh nghiệp 12,5%, đã tỏ quan điểm hoài nghi về mức thuế 21% mà chính quyền ông Biden kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua để đánh vào thu nhập ở nước ngoài của các công ty Mỹ. Giới chức Anh lo ngại mức 21% nếu áp dụng toàn cầu là quá cao, cho dù London có ý định tăng thuế doanh nghiệp lên 25% vào năm 2023 để cải thiện ngân khố sau đại dịch.
Đảng Dân chủ của ông Biden hiện đang hy vọng đạt được một thoả thuận lớn với OECD về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu trước khi thúc đẩy Quốc hội Mỹ tăng thuế doanh nghiệp Mỹ. Nhà Trắng đã đề xuất thuế thu nhập doanh nghiệp trong nước lên 28%, tăng từ mức 21% hiện nay, để có ngân sách cho các chương trình kinh tế dài hạn với tổng trị giá hơn 4 nghìn tỷ USD của ông Biden.
Đảng Cộng hoà phản đối nỗ lực tăng thuế cả trong nước và trên toàn cầu của chính quyền ông Biden. Một số nhân vật ôn hoà trong Đảng Dân chủ ủng hộ việc tăng thuế, nhưng đề nghị tăng ít hơn.
Đề xuất của Mỹ cũng bao gồm mục tiêu đảm bảo rằng khoảng 100 công ty lớn nhất thế giới phải đóng thuế nhiều hơn ở những nơi mà các công ty này thực sự có hoạt động. Vấn đề đặt ra là hiệu lực thực thi của một quy định như vậy, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp, và các nước nghèo sẽ được hưởng lợi như thế nào.
Cách tiếp cận của bà Yellen nhận được sự hưởng ứng của các nước lớn, những nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc đánh thuế thu nhập cao hơn đối với các công ty toàn cầu hoạt động thực sự tại các nước này. Pháp là một trong số những quốc gia ủng hộ chủ trương của Mỹ. Trái lại, những nước hưởng lợi từ việc các công ty đa quốc gia đặt trụ sở, chi nhánh lại tỏ ra thận trọng.
Theo OECD, việc điều chỉnh cách thức phân bổ quyền đánh thuế sẽ giúp phân bổ lại khoảng 100 tỷ USD mỗi năm; còn thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu, cộng thêm các quy định hiện có của Mỹ, sẽ giúp các chính phủ trên toàn cầu tăng thu ngân sách thêm tới 100 tỷ USD mỗi năm.