Mỹ đưa 7 thực thể Trung Quốc vào "danh sách đen" hạn chế xuất khẩu
Đây là động thái siết chặt kiểm soát mới nhất của Mỹ với ngày càng nhiều các công ty, thực thể Trung Quốc bị đưa vào danh sách “đen” với các lý do từ an ninh quốc gia, nhân quyền, cho tới liên quan tới xung đột Nga-Ukraine...
Theo thông báo ngày 23/8, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 7 thực thể có liên quan tới Trung Quốc, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, vào danh sách kiểm soát xuất khẩu do lo ngại về an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao.
Các thực thể này bao gồm: Viện nghiên cứu 771 và 772, thuộc Học viện 9, của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC); Viện nghiên cứu 502 và 513 của Học viện Công nghệ Không gian Trung Quốc (CAST); Viện Nghiên cứu 43 và 58 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC); và Zhuhai Orbita Control Systems.
Theo đó, bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào cung cấp nguyện vật liệu hoặc dịch vụ cho các thực thể này phải được cấp phép trước khi vận chuyển hàng hóa.
“Các thực thể này bị thêm vào danh sách vì đã mua hoặc cố gắng mua các mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ để phục vụ cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc”, Bloomberg dẫn thông báo của Bộ Thương mại Mỹ.
Đây là động thái siết chặt kiểm soát mới nhất của Mỹ với ngày càng nhiều các công ty, thực thể Trung Quốc bị đưa vào danh sách “đen” với các lý do từ an ninh quốc gia, nhân quyền, cho tới liên quan với xung đột Nga-Ukraine.
Hồi cuối tháng 6, Mỹ cũng thêm 5 công ty Mỹ vào "danh sách đen” thương mại do những doanh nghiệp này cung cấp hàng hóa cho các thực thể của Nga.
Khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng thêm 31 thực thể khác vào danh sách này, bao gồm đến từ Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Lithuania, Pakistan, Singapore, Anh… Trong tổng số 36 thực thể bị đưa vào danh sách lần này, 25 thực thể có hoạt động ở Trung Quốc.
Phản ứng trước động thái của phía Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khi đó kêu gọi Washington gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương, đồng thời cam kết bảo vệ lợi ích và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc thời gian qua cũng nhiều lần chỉ trích việc Mỹ áp dụng việc kiểm soát xuất khẩu, đơn phương kiềm chế các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân nước ngoài, gây gây khó khăn cho hoạt động kinh tế và thương mại bình thường giữa các doanh nghiệp hai bên.