Mỹ nỗ lực vươn lên trong cuộc đua sản xuất chip
Sau rất nhiều năm vắng bóng, Mỹ đang quay trở lại cuộc đua sản xuất chip bằng các chính sách thu hút hấp dẫn giữa bối cảnh thiếu hụt nguồn cung bán dẫn trên toàn cầu...
Tuần trước, Samsung thông báo sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip mới trị giá 17 tỷ USD tại Texas (Mỹ), phục vụ cho mục tiêu di động, 5G, và trí tuệ nhân tạo (AI) của hãng này. Theo thông tin từ Reuters, nhà máy sẽ bắt đầu quá trình xây dựng vào nửa đầu năm sau, và bước vào sản xuất từ nửa cuối 2024.
Samsung đã có một cơ sở sản xuất tại Mỹ cũng được đặt tại Texas. Việc tiếp tục lựa chọn bang này để xây dựng nhà máy lớn hơn là bởi các yếu tố như: hạ tầng ổn định, hỗ trợ tích cực từ chính quyền và vị trí địa lý gần nơi sản xuất sẵn có.
Mặc dù các nhà máy mới cần nhiều thời gian để xây dựng và chính thức đi vào hoạt động, khoản đầu tư "khủng" từ nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới này sẽ giúp thúc đẩy năng lực của Mỹ sau nhiều thập kỷ đi sau các công xưởng ở châu Á như: Đài Loan, Hàn Quốc hay Trung Quốc.
NHIỀU DOANH NGHIỆP “ĐẶT CƯỢC” VÀO MỸ
Cùng với các đối thủ khác như TSMC hay Intel, Samsung là doanh nghiệp mới nhất đặt cược vào khả năng chế tạo, sản xuất linh kiện bán dẫn trên đất Mỹ. Đây là lĩnh vực đang được chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy mạnh mẽ nhằm cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Thiếu hụt nguồn cung chip đã tạo ra khó khăn lớn cho hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, là hồi chuông cảnh tỉnh khiến nhiều thị trường – như Mỹ, châu Âu – nhận ra cần giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng châu Á.
Theo đó, những người đứng đầu nước này đã cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chip, hướng tới tăng cường sản xuất chip nội địa, nhằm gia tăng lợi thế so với Trung Quốc trong các công nghệ tiên tiến, cũng như hướng tới giải quyết tình trạng thiếu chip đáng lo ngại trong các ngành công nghiệp quan trọng như ô tô.
Trên thực tế, mặc dù nhiều sản phẩm công nghệ cao đến từ nước Mỹ, quốc gia này lại sản xuất rất ít chất bán dẫn, khi chỉ đóng góp khoảng 12% lượng chip bán ra trên toàn thế giới vào năm 2019, giảm mạnh so với con số 37% của năm 1990.
Điều này không trở thành vấn đề đáng lưu tâm trong nhiều thập kỷ qua, khi các doanh nghiệp Mỹ vẫn là những nhà dẫn đầu về thiết kế chip tiên tiến - phần quan trọng và có giá trị nhất.
Nhưng Covid-19 xảy đến đã thay đổi những định hướng này. Sự gián đoạn nguồn cung bởi đại dịch và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với công nghệ từ Trung Quốc khiến các nhà chính sách tại Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự sản xuất, bởi đây được xem là một rủi ro an ninh quốc gia.
LÀN SÓNG GIA TĂNG ĐẦU TƯ VÀO BÁN DẪN
Thời gian qua, thiếu hụt nguồn cung chip đã tạo ra khó khăn lớn cho hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, là hồi chuông cảnh tỉnh khiến nhiều thị trường – như Mỹ, châu Âu – nhận ra cần giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng châu Á.
Điều này đã tạo ra làn sóng đầu tư gia tăng vào mảng chất bán dẫn, đi cùng là các biện pháp khuyến khích, thu hút đầu tư của các nhà cầm quyền. Không chỉ Mỹ, nhiều nước khác cũng cho thấy nỗ lực lớn trong cuộc đua này.
Đơn cử, đầu tháng này, TSMC và Sony đã hợp tác xây dựng nhà máy chip 7 tỷ USD, dự kiến nhận hàng tỷ USD trợ cấp từ chính phủ Nhật Bản. Trong khi đó, vào hồi tháng 9, SMIC của Trung Quốc cho biết sẽ chi gần 9 tỷ USD cho một nhà máy mới ngoài Thượng Hải.
Counterpoint Research dự báo đến 2027, Mỹ sẽ chiếm khoảng 24% công suất chip tiên tiến nhất thế giới, cao hơn mức 16% hiện nay.
Vào giữa năm nay, Hàn Quốc cho biết sẽ đưa thêm các quyền lợi về thuế và trợ cấp cho các nhà sản xuất nội địa, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tổng cộng 450 tỷ USD vào R&D, cũng như vào các cơ sở sản xuất tới năm 2030.
Với Trung Quốc, sáng kiến “Made in China” đã được công bố từ năm 2015, với mục tiêu nâng sản lượng chip của nước này cung cấp cho nội địa từ ngưỡng dưới 10% nhu cầu vào thời điểm đó lên 40% vào năm 2020, và đạt 70% vào năm 2025.
Hàng loạt biện pháp đã được đưa ra, như đẩy mạnh đầu tư bằng các quỹ được hậu thuẫn bởi nhà nước, thuế ưu đãi cũng như nhiều đặc ân khác cho các nhà sản xuất chip trong nước.
Đối với Mỹ, mặc dù sở hữu nhiều lợi thế nhưng quốc gia này cũng vấp phải không ít khó khăn trong hiện thực hóa tham vọng đưa sản xuất chip mạnh trở lại.
Đơn cử, báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA) cho thấy chi phí xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Mỹ cao hơn tới 30% so với Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore, và cao hơn tới 50% so với Trung Quốc.
Cùng với đó, thực tế sản xuất tại Mỹ đang tập trung nhiều cho chất lượng, thay vì số lượng. Counterpoint Research dự báo đến 2027, Mỹ sẽ chiếm khoảng 24% công suất chip tiên tiến nhất thế giới, cao hơn mức 16% hiện nay, cho thấy lợi thế so sánh yếu hơn so với các đối thủ.