Năm 2022: Tỷ giá USD/VND có thể biến động trong phạm vi 2%
Đồng USD mạnh lên trong khi nguồn cung ngoại tệ có diễn biến không quá thuận lợi so với các năm là những nguyên nhân chính khiến đồng VND có thể giảm giá trong năm nay...
Ngày 11/05, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bán USD kỳ hạn từ 23.050 lên 23.250 VND và không cho phép hủy ngang. Theo đó, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại có mức tăng tương ứng. Cụ thể, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng 230-250 VND trong tháng.
Đây là bước điều chỉnh của tỷ giá sau giai đoạn đồng USD liên tục mạnh lên. Tính tới ngày 31/5, VND đã giảm giá khoảng 1,8% so với USD tính trên tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại.
Tưởng rằng với hành động trên của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá sẽ quay về trạng thái "lặng sóng". Tuy nhiên, sang tới tháng 6/2022, tỷ giá USD/VND tiếp tục gặp áp lực tăng, thậm chí áp lực này còn lớn hơn so với các dự báo trước đó bởi ba nguyên nhân.
Thứ nhất, sau khi lạm phát tháng 5/2022 của Mỹ đạt mức kỷ lục 40 năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức tăng lãi suất tới 0,75 điểm phần trăm. Lần cuối cùng Fed tăng 0,75 điểm phần trăm là từ thời cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan – tháng 11/1994. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD đang ở gần mức đỉnh của 20 năm.
Thứ hai, nguồn cung ngoại tệ không quá thuận lợi so với các năm trước do Việt Nam tăng nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu và xuất khẩu hàng hoá kém hơn kỳ vọng.
Theo số liệu thống kê, sau 5 tháng đầu năm 2022, trong 86 thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu, Việt Nam ở vị thế nhập siêu với 29 thị trường. Trong đó, nhập siêu lớn (trên 1 tỷ USD) với 10 thị trường: Trung Quốc (27,63 tỷ USD); Hàn Quốc (17,56 tỷ USD); Đài Loan (8,11 tỷ USD); Thái Lan (2,77 tỷ USD)... Ngoài ra, Việt Nam đã chuyển từ vị thế xuất siêu sang nhập siêu với Campuchia, Lào, Nhật Bản, Australia, Nga…; hoặc đã nhập siêu lớn từ Malaysia, Indonesia…
Thứ ba, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giữ ở mức cao khiến một lượng ngoại tệ “vượt biên”. Hiểu đơn giản, người dân mang vàng buôn lậu bán lấy VND, sau đó dùng VND đổi sang USD để ra nước ngoài mua vàng và tiếp tục buôn lậu. Hiện tượng buôn lậu càng nhiều thì nhu cầu đổi ngoại tệ càng lớn, nhu cầu lớn khiến giá USD tăng cao.
Điển hình, trong chiều ngày 20/1, lực lượng công an Tây Ninh đã phát hiện tới 2 vụ buôn lậu và thu giữ hàng chục kg vàng nhập lậu, với giá trị rất lớn. Mặc dù số vàng lậu bị bắt giữ có giá trị rất lớn nhưng theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, đây chỉ là phần rất nhỏ trong "tảng băng chìm" của hoạt động buôn lậu vàng thời gian qua.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính Mỹ vừa ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Theo đó, sau ba kỳ báo cáo liên tiếp Việt Nam vi phạm cả 3 tiêu chí, trong kỳ báo cáo lần này (giai đoạn 4 quý liên tiếp tới hết tháng 12/2021), Việt Nam chỉ còn vi phạm 1 tiêu chí (thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 90 tỷ USD, cao hơn ngưỡng giới hạn 15 tỷ USD).
Nhờ vậy, Việt Nam chính thức không còn chịu các đánh giá nâng cao mà thay vào đó chuyển sang đánh giá chuyên sâu và quay trở lại danh sách giám sách cùng 11 nền kinh tế khác. Đây là một thông tin tích cực đối với Việt Nam khi không còn chịu những đánh giá nâng cao từ phía Bộ Tài chính Mỹ.
Song với việc Việt Nam vẫn ở trong danh sách giám sát, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước vẫn cần thực hiện những biện pháp kiểm soát đối với tỷ giá để đồng VND không bị mất giá hay biến động quá mạnh so với đồng USD.
Chung quan điểm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặc dù áp lực tăng tỷ giá ngày càng lớn nhưng mức tăng của cả năm 2022 sẽ được điều chỉnh ở mức khoảng 2%.
Và nguồn dự trữ ngoại hối lớn là công cụ hữu hiệu để Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá. Thực tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã liên tục chủ động thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ nhằm hỗ trợ nhu cầu USD từ thị trường, thông qua hợp đồng bán USD kỳ hạn 3 tháng.
Mới đây, chia sẻ về diễn biến tỷ giá USD/VND, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, đồng USD tăng rất mạnh so với các đồng tiền cơ bản trên thế giới, nhất là các đồng tiền trong khu vực ASEAN đều mất giá rất lớn. Trong đó, Nhân Dân Tệ mất giá 5,3%; Won Hàn Quốc mất giá 4,7%; Tân Đài Tệ mất 6%; Bath Thái mất 3,4% và Yên Nhật mất gần 16%...
Điều đáng nói, đây lại là những đối tác có mối quan hệ thương mại, đầu tư rất lớn với Việt Nam. Do đó, ông Quang cho rằng, việc VND mất giá 1,8% từ đầu năm đến nay là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ.
Đồng thời, ông Quang nhấn mạnh: "Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ thực hiện đúng chủ trương "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng đồng bộ các công cụ lãi suất, thanh khoản, tín dụng, tỷ giá… để kiểm soát bằng được lạm phát, không để ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường, từ đó duy trì mặt bằng lãi suất ổn định”, ông Quang nhấn mạnh".