Năm 2024: Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ
Sau một năm chững lại vì những ảnh hưởng từ những bất định của tình hình thế giới, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 được các tổ chức quốc tế dự báo khá lạc quan, tăng trưởng GDP sẽ phục hồi mạnh mẽ lên mức 5,5-6,5%.
Báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 được các tổ chức tài chính quốc tế công bố mới đây đều nhận định kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024, sau một năm “kiên định” vượt qua các “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới.
Trong Báo cáo Dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu quý 4 (tháng 12/2023), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics nhận định: mặc dù có sự giảm tốc tăng trưởng trong năm 2023 và năm 2024 so với mức trung bình trước đại dịch là 7%, nhưng câu chuyện tăng trưởng kỳ diệu của Việt Nam vẫn chưa thể kết thúc.
“Trong bối cảnh đổi mới chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một “người chiến thắng” quan trọng, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong trung hạn. Cùng với đó, sự gia tăng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt trội so với các quốc gia ASEAN khác, ít nhất đến năm 2030”, báo cáo nhận định. Theo đó, con số dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 được ICAEW đưa ra là 5%, cao hơn so với con số tăng trưởng 4,7% được dự báo cho năm 2023.
TĂNG TRƯỞNG THUỘC NHÓM ĐẦU THẾ GIỚI
Dưới góc nhìn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam trong năm 2024 cũng khá tích cực với mức tăng 5,8% và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Đứng đầu danh sách tăng trưởng là Macau (Trung Quốc) tăng trưởng 27,16%; Guyana 26,56%; Palau 12,40%; Niger 11,14%; Senegal 8,82% ; Đông Nam Á có Campuchia (6,13%) và Philippines (5,88%) có dự báo tăng trưởng cao hơn Việt Nam.
Một trong những lý do khiến IMF tin tưởng về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam là nhờ nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được từ trước thời kỳ đại dịch Covid-19 vẫn được duy trì trong năm 2024 cho dù nền kinh tế định hướng xuất khẩu đã chịu nhiều tác động của nhu cầu sụt giảm từ bên ngoài trong năm 2023. Theo đó, IMF cho rằng tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam có thể leo lên mức 6,9%.
Trong báo cáo gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ lên mức 6% vào năm 2024 khi thị trường bên ngoài phục hồi tốt hơn so với năm 2023.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings lại đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế đất nước trong năm 2023, trên cơ sở đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025. Fitch Ratings cũng tin rằng các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và triển vọng tăng trưởng trung hạn có thể khoảng 7%/năm nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào.
Thấp hơn mức dự báo của Fitch Ratings, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 sẽ là 5,5% và năm 2025 là 6%. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nhìn chung, theo các tổ chức quốc tế, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 cũng như trong trung hạn được đánh giá tích cực nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất nhập khẩu hàng hóa và việc đẩy mạnh đầu tư công, gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Dù vậy, rủi ro với tăng trưởng vẫn tiềm ẩn.
Cụ thể, theo Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN +3 (AMRO), triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn mong manh do kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải.
Không chỉ vậy, khu vực tài chính đối mặt với rủi ro tín dụng tăng cao, khi môi trường kinh tế đầy thách thức đã dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Hơn nữa, một số chủ đầu tư bất động sản đang phải vật lộn với việc trả nợ và tái cấp vốn có nguy cơ vỡ nợ. Thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm sút có thể khiến doanh nghiệp mất khả năng đảo nợ, từ đó làm tăng rủi ro vỡ nợ.
Ngoài ra, những khó khăn trong phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và tình trạng thiếu lao động kỹ thuật lành nghề có thể ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2024 cũng như trong trung và dài hạn.
VẪN CÒN NHỮNG RỦI RO VỚI TĂNG TRƯỞNG
Theo ghi nhận của WB, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những ảm đạm khi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục ở mức suy giảm trong tháng 11/2023 (47,3 – thấp nhất kể từ tháng 5/2023), so với 49,6 và 49,7 lần lượt trong tháng 10/2023 và tháng 9/2023. S&P Global PMI chỉ ra rằng số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm trong tháng 11/2023, cho thấy sự phục hồi của cầu vẫn còn khá mong manh.
Doanh số bán lẻ (đại diện cho tiêu dùng nội địa) ghi nhận mức giảm nhẹ 0,27% vào tháng 11/2023, sau mức tăng 1,65% được ghi nhận vào tháng 10/2023. “Bắt đầu từ sự giảm tốc xuống tới mức 5,0% so với cùng kỳ vào tháng 7/2023, tăng trưởng doanh số bán lẻ tăng tốc trở lại nhưng chững ở mức trung bình khoảng 7,5% (so với cùng kỳ) trong thời gian từ tháng 8-11/2023, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch của khoảng 12% so với cùng kỳ”, WB phân tích. Theo WB, sự phục hồi của nền kinh tế là chưa chắc chắn cho dù hoạt động kinh tế những tháng cuối năm đã tốt hơn.
Cùng quan điểm, ADB cũng nhìn nhận rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao. Cụ thể, trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế là nguy cơ chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng.
Đặc biệt, ở bên ngoài, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam. Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng USD mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền đồng.
Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm tạm thời giảm và hoãn tiền thuê đất và một số loại thuế, cắt giảm lãi suất điều hành và các biện pháp hỗ trợ tín dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2023.
Trong thời gian tới, theo AMRO, trước những khó khăn và áp lực tài chính trên thị trường bất động sản, Việt Nam cần áp dụng chính sách kết hợp phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời duy trì sự ổn định tài chính...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam