Nâng công suất sân bay Cà Mau đón 1 triệu khách/năm
Giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau dự kiến sẽ được cải tạo, nâng cấp nhà ga hiện hữu đạt công suất 0,5 triệu hành khách. Khi có nhu cầu có thể mở rộng, đảm bảo khai thác công suất 1 triệu hành khách/năm và đón tàu bay cỡ trung...
Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
NÂNG LÊN CẤP 4C, ĐÓN MÁY BAY TẦM TRUNG
Cảng hàng không Cà Mau hiện là sân bay cấp 3C, nhà ga hành khách 2 cao trình với công suất 200.000 hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm là 150 hành khách/giờ.
Về công trình hạ tầng khu bay, sân bay Cà Mau có 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500mx30m, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 hoặc tương đương; sân đỗ tàu bay có 02 vị trí đỗ theo nguyên tắc tự vận hành. Hiện Cảng hàng không Cà Mau đang được VASCO khai thác 1 đường bay duy nhất, chặng Cà Mau - TP.HCM và ngược lại.
Tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau đạt công suất 1 triệu hành khách/năm.
Với kế hoạch tăng trưởng giai đoạn đến năm 2030 của tỉnh Cà Mau đạt tốc độ GRDP bình quân đạt trên 7,5%/năm, quy mô GRDP gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020 và quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Cà Mau như trên, việc Cảng hàng không Cà Mau có thể đảm bảo tiếp nhận các dòng tàu bay tầm trung của các hãng hàng không A321, A320, A319, Embraer 195 là cần thiết.
"Theo quy hoạch, Cảng hàng không Cà Mau là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự. Giai đoạn đến năm 2030, cảng là sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, có công suất 1 triệu hành khách/năm và tối thiểu 1.000 tấn hàng hóa/năm".
Cục Hàng không Việt Nam.
Theo đó, để đảm bảo nâng công suất lên theo quy hoạch, sân đỗ tàu bay sẽ có tối thiểu 4 vị trí đỗ tàu bay, cho các tàu bay loại A320, A321 và tương đương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Cà Mau sẽ đáp ứng công suất 3 triệu hành khách/năm và tối thiểu 3.000 tấn hàng hóa/năm, sân đỗ tàu bay có tối thiểu 10 vị trí đỗ tàu bay Code C.
Đối với hệ thống đường cất/hạ cánh, giai đoạn đến 2030 sẽ xây dựng mới đường cất hạ cánh 2400mx45m, hướng 09-27, các hạng mục đồng bộ (đoạn dừng, khoảng trống và khu vực an toàn cuối đường cất hạ cánh, dải bay). Tầm nhìn đến năm 2050, giữ nguyên cấu hình hệ thống đường cất hạ cánh giai đoạn đến năm 2030.
Cũng trong giai đoạn tới 2030, sẽ xây dựng đường lăn nối kết nối đường cất hạ cánh và sân mới phía Nam, chiều rộng 15m, lề vật liệu mỗi bên rộng 5m, cũng như xây dựng sân quay đầu ở 2 đầu đường cất hạ cánh kích thước 2x100mx23m, lề vật liệu rộng 5m. Đồng thời, xây dựng hệ thống các đường lăn chờ nối chiều rộng 15m, lề vật liệu mỗi bên rộng 5m.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng hệ thống đường lăn song song cách đường cất hạ cánh là 172,5m và xây dựng các đường lăn nối theo nhu cầu.
Đối với nhà ga hành khách, giai đoạn đến năm 2030 sẽ cải tạo, nâng cấp nhà ga hiện hữu đạt công suất 0,5 triệu hành khách, khi có nhu cầu có thể mở rộng, đảm bảo khai thác công suất 1 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng nhà ga mới phía Bắc đạt công suất 3 triệu hành khách/năm, đảm bảo công suất theo dự báo tầm nhìn tương lai.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2030, sử dụng bãi đỗ xe trước nhà ga hành khách hiện hữu ở phía Bắc và mở rộng đảm bảo đáp ứng 1 triệu hành khách/năm. Đến năm 2050, mở rộng sân đỗ ô tô đồng bộ cùng nhà ga hành khách xây dựng ở phía Bắc, tổng diện tích bãi đậu xe đạt 24.000m2.
Riêng với công trình đài kiểm soát không lưu, trong thời gian chờ đầu tư đài kiểm soát không lưu mới, sẽ giữ nguyên theo hiện trạng trung tâm chỉ huy điều hành bay và đài kiểm soát không lưu, chỉ thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng trong thời gian xây dựng đài mới ở phía Bắc đường cất hạ cánh.
Trong quy hoạch cũng định hướng cụ thể về việc xây dựng các công trình như kho hàng hóa, nhà ga hàng hóa, nhà điều hành của cảng, văn phòng các hãng hàng không, trạm y tế, trạm kiểm dịch động vật, thực vật, khu nhà xe ngoại trường, khu khẩn nguy cứu hỏa, khu bảo trì thiết bị mặt đất, trạm cấp nhiên liệu tàu bay, khu dịch vụ bảo dưỡng tàu bay (Hangar), hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, hệ thống đèn hiệu, biển báo, cho đường cất hạ cánh, đài dẫn đường, hàng rào bảo vệ khu bay.
Trong quy hoạch giao thông, sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến đường vào khu hàng không dân dụng hiện hữu phía Nam đường cất hạ cánh. Tầm nhìn đến năm 2050, kết nối tuyến đường vào Cảng với tuyến trục đường Tôn Đức Thắng (nối dài) theo quy hoạch của tỉnh Cà Mau nằm dọc khu hàng không dân dụng. Cạnh đó, nghiên cứu kết hợp bố trí tuyến cầu cạn trên tuyến đường trục của tỉnh kết nối với nhà ga hành khách đảm bảo thuận lợi trong khai thác.
Thời kỳ 2021-2030, tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Cà Mau là 183,51ha. Trong đó, đất hiện trạng có 43,27ha, đất xin bổ sung có 140,24ha. Định hướng đến năm 2050, tổng nhu cầu sử dụng đất là 244,43ha.
CẦN THIẾT CẬP NHẬT LẠI QUY HOẠCH
Để đảm bảo quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng cần thiết phải rà soát và lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 4149/QĐ-BGTVT ngày 03/11/2014. Dù vậy sau 10 năm thực hiện quy hoạch nhưng hiện hạ tầng theo quy hoạch vẫn chưa được xây dựng. Một số hạ tầng hiện hữu cần quy hoạch mới với thời kỳ quy hoạch dài hơn. Vì vậy cần phải rà soát, cập nhật lại quy hoạch.
Cùng đó, hiện Cảng hàng không Cà Mau có 1 đường cất hạ cánh với kích thước 1500m x 30m đáp ứng khai thác tàu bay E190 (khai thác giảm tải), tàu bay ATR72. Cảng cũng đang khai thác duy nhất 1 tuyến bay TP.HCM - Cà Mau nên không đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân và tăng trưởng của ngành hàng không.
Vị trí quy hoạch đường cất hạ cánh và khu hàng không dân dụng ở phía Bắc theo Quyết định 4149 không tận dụng được khu hàng không dân dụng hiện hữu vì các tàu bay code C như A320, A321 hoạt động trên sân đỗ sẽ vi phạm tĩnh không.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau hiện đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh, trong đó cập nhật số liệu phát triển trong các năm qua, xác định các mục tiêu, tầm nhìn, định hướng mới cùng với việc quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng chung của tỉnh.
Do đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc rà soát và lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy hoạch giao thông của tỉnh, đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường hàng không đi, đến tỉnh Cà Mau được đánh giá là cần thiết.
Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thống nhất nhu cầu sử dụng đất quốc phòng, an ninh, cùng các nội dung quy hoạch chi tiết đất quốc phòng, an ninh tại Cảng hàng không Cà Mau và các nội dung khác của hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, triển khai các thủ tục thẩm định và phê duyệt hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau theo đúng quy định của pháp luật.