Nắng nóng đỉnh điểm, người Mỹ “giật mình” vì hoá đơn tiền điện
Nước Mỹ đang bị một đợt nắng nóng kỷ lục tấn công. Trong thời tiết như vậy, điều hoà không khí giữ vai trò cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khoẻ, nhưng cũng dễ khiến nhiều gia đình ở nước này “cháy túi” vì hoá đơn tiền điện…
Ông Mark, 76 tuổi, một phó giáo sư làm việc tại thành phố Austin thuộc bang Texas của Mỹ, lo lắng khi nhiệt độ trong vùng tuần tới vẫn tiếp tục duy trì ở mức 39-41 độ C sau nhiều tuần nắng nóng kỷ lục ở bang này.
“Sống ở đây có cảm giác như bị cầm tù trong chính ngôi nhà của bạn. Thời tiết bên ngoài quá nóng”, ông nói với tờ báo Guardian.
“KHÓ SỐNG SÓT NẾU KHÔNG CÓ ĐIỀU HOÀ”
“Những ngày nhiệt độ cao như thế này xảy ra thời gian gần đây và đang trở nên phổ biến. Mặt trời chói chang như ở vùng nhiệt đới. Tôi không thể tưởng tượng được người dân ở đây sẽ như thế nào nếu không có điều hòa. Đó là thứ giúp nơi này tiếp tục hoạt động, nhưng chi phí không hề rẻ”, ông Mark cho biết.
Hệ thống điều hòa trung tâm trong nhà ông Mark bị hỏng cách đây 2 tuần khi thời tiết trở nên quá nóng, khiến nước rò rỉ khắp sàn gỗ, buộc ông phải thay sàn mới.
“Hệ thống điều hòa mới dùng được 13 năm, tôi không ngờ nó lại hỏng nhanh như vậy. Chi phí cho một hệ thống điều hòa trung tâm mới là khoảng 15.000 USD. Đó là số tiền lớn trong khoản tiết kiệm hưu trí của tôi, nhưng không còn lựa chọn nào khác, bởi để sống sót ở đây thì cần phải có điều hòa”, ông Mark nói.
Ngoài chi phí mua và lắp đặt điều hòa cao, việc thanh toán các hóa đơn tiền điện ngày càng tăng trong những tháng nóng nực cũng làm thâm hụt ví tiền của người dân Mỹ.
Ông Mark nói: “Ngay cả khi điều hòa kiểu tiết kiệm điện cũng phải chạy liên tục cả ngày để chống lại cái nóng này. Thỉnh thoảng tôi phải chi tới 400 USD một tháng để trả tiền điện. Tôi đang cố gắng hết sức có thể để cải thiện khả năng chống nóng tốt hơn cho ngôi nhà của mình, nhưng với thu nhập có hạn thì việc đó thật khó khăn. Vì vậy, tôi đang tự mình thực hiện một số công việc để tiết kiệm chi phí”.
“Tôi rất lo lắng về tương lai. Thời tiết ở đây cực kỳ nóng và sẽ ngày càng nóng hơn. Có những người còn không có điều hòa để dùng”, ông Mark cho biết.
Nhiều người ở Mỹ cho biết họ hiện không thể rời khỏi nhà vào giữa buổi sáng do nắng nóng. Theo các cư dân ở những bang như Texas, Arizona, California, New Mexico và Florida, nhiệt độ ở khu vực họ sinh sống bây giờ nóng hơn so với vài năm trước.
Nhiều người nói rằng sẽ không thể chịu nổi nếu không có điều hòa, đồng thời nhấn mạnh thiết bị vốn được coi là một tiện nghi để nâng cấp sự thoải mái trong nhiều gia đình ở Mỹ giờ đang trở thành món đồ thiết yếu.
Ở bang Texas, đợt nắng nóng kỷ lục đã khiến nhu cầu năng lượng tăng vọt, khiến lưới điện rơi vào tình trạng căng thẳng. Một số người nói rằng, nhờ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời từ trước mới có thể sử dụng điều hòa.
Julia, 32 tuổi, quản lý dự án, sống cùng với cha mẹ tại Gaithersburg, bang Maryland, cho biết gia đình cô đã quyết định đầu tư mua thiết bị sưởi, thông gió và hệ thống điều hòa không khí mới thân thiện với môi trường trị giá 9.000 USD để lắp cho ngôi nhà 2 tầng vào đầu tháng này.
Trước đó, hệ thống điều hòa cũ tại tầng 1 ngôi nhà của Julia bị hỏng giữa đợt nắng nóng cao điểm. “Có lúc đi xuống cầu thang mà không chịu nổi. Phải mất một tuần rưỡi thợ mới đến xem, lấy báo giá và thay thế thiết bị trong cả ngày thứ Bảy”.
Julia hy vọng hệ thống điều hòa này sẽ dùng được 10 năm. “Tôi may mắn là bố có đủ tiền để trả điều hòa. Nếu không sống cùng bố mẹ, tôi sẽ không thể mua được thứ này. Mặc dù Maryland không phải là khu vực đặc biệt nóng ở Mỹ, nhưng trong những năm qua, thời tiết mùa hè trở nên nóng hơn. Khi đi xem nhà, điều đầu tiên mà môi giới bất động sản xem xét là hệ thống điều hòa mới hay cũ”, Julia nói.
Seth Follansbee, môi giới bất động sản và là chủ doanh nghiệp nhỏ ngoài 40 tuổi ở Fort Lauderdale, bang Florida, cho biết việc sử dụng điều hòa để làm mát đang trở nên tốn kém hơn mỗi năm.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, chi phí bảo trì và sửa chữa điều hòa đã tăng lên đáng kể trong những năm qua. Hóa đơn tiền điện vào thời điểm này trong năm cũng đang rất cao, khoảng 400 USD/tháng cho một ngôi nhà, điều này là khá sốc”, Follansbee nói.
“Nhưng bạn cũng phải trả tiền bảo trì điều hòa thường xuyên. Nếu không, nó sẽ bị hỏng, chi phí rất tốn kém. Hóa đơn điều hòa ít nhất mà tôi đã thanh toán trong năm nay là 200 USD, và nhiều nhất là 1.600 USD”.
Follansbee sở hữu và quản lý 2 ngôi nhà cho thuê. Ông cho rằng nhiệt độ tăng cao trong vài tuần qua có thể đã ảnh hưởng đến nhiều hệ thống điều hòa.
“Mức nhiệt này thực sự tấn công điều hòa, gây áp lực lên thiết bị và khiến chúng bị hỏng hóc thường xuyên hơn. Không có điều hòa có nghĩa là không thể ở trong nhà qua đêm. Điều hòa là vật dụng cần thiết ở khu vực phía Đông Nam Florida, không có, thật là cực hình”, Follansbee cho hay.
CÁC CA CẤP CỨU LIÊN QUAN ĐẾN NẮNG NÓNG TĂNG VỌT
Đối với ông Daive, 53 tuổi, ở thành phố Bullhead, bang Arizona, việc sống trong một ngôi nhà không có điều hòa ở một trong những khu vực nóng nhất của đất nước là cuộc đấu tranh không hồi kết trong hơn một năm.
“Điều hòa nhà tôi không hoạt động và tôi không có đủ tiền để sửa”, ông Daive, người từng làm nghề rửa xe nhưng hiện đang thất nghiệp sau khi nghỉ việc để chăm sóc cha mẹ già trong đại dịch, cho biết.
“Chi phí mua cục nóng mới tiêu tốn từ 3.000-4.000 USD, còn thay cả giàn mất khoảng 6.000-7.000 USD. Ban ngày, nhiệt độ trong nhà tôi có thể lên tới 51-54 độ C”, ông nói, “Tôi phải đợi đến 10h sáng khi thư viện mở cửa để có thể tới đó hưởng ké điều hòa. Tôi ở đó cả ngày, cho đến khi họ đóng cửa thư viện lúc 6 hoặc 7h tối. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm lúc này”.
Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, tỷ lệ các ca cấp cứu liên quan đến nắng nóng đã tăng vọt ở Texas và các bang lân cận bắt đầu từ tháng 6. Trong khi đó, số ca tại các vùng khác, bao gồm Tây Nam nước Mỹ, cũng tăng vọt vào cuối tháng 6 và tháng 7.
Bác sĩ ở các bang Arizona và Texas cho biết, đây là mùa hè tồi tệ nhất, với số lượng bệnh nhân đến khám và số người gặp tình trạng nghiêm trọng đến nhiệt độ cao như say nắng cao hơn.
“Nắng nóng kỷ lục càng kéo dài thì càng khó khăn cho người dân, những người đang dần mất tinh thần theo thời gian. Chúng tôi chỉ đang cố gắng đưa nước đến tay những người cần nó và đảm bảo mọi người được an toàn”, ông Mark Hilbelink, Giám đốc điều hành Trung tâm chăm sóc người vô gia cư Sunrise ở thành phố Austin, Texas, nói với tờ USA Today.
Theo ông Hilbelink, trung tâm thường tiếp nhận từ 300 đến 400 người mỗi ngày và triển khai các đội lưu động cung cấp nước, mũ và kem chống nắng. “Khi thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi thấy lượng người tăng đột biến”, ông Hilbelink cho biết.
Cũng giống như ở Austin, nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ đã mở các trung tâm làm mát để cung cấp nơi trú ẩn cho những người dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, bao gồm người cao tuổi và những người vô gia cư.