Nâng tốc độ tối đa lên 90 km/h đối với 9 tuyến cao tốc
Chín tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe trải dài từ Bắc tới Nam, sẽ chính thức được cắm mốc tốc độ tối đa lên 90 km/h thay vì 80 km/h như hiện nay, theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam...
Trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về việc nâng tốc độ tối đa từ 80 km/h lên 90 km/h trên 9 tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe (cao tốc 4 làn xe hạn chế), Cục Đường bộ Việt Nam đã cho biết như trên.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay cả nước có 1.892 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác; trong đó có một số tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế đã được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư dự án cắm biển tốc độ tối đa là 90 km/h.
Chín tuyến cao tốc này bao gồm: Tuyến Lào Cai - cửa khẩu Kim Thành, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Các tuyến này, khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư theo phân kỳ và giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe (mỗi bên 2 làn) hạn chế, không có làn dừng khẩn cấp, tốc độ giới hạn tối đa 80 km/h.
Cục Đường bộ Việt Nam hiện đang quản lý bảo trì một đoạn tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư là đoạn Lào Cai - Kim Thành; các đoạn tuyến đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư khác do các ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý và chưa bàn giao cho cơ quan quản lý đường cao tốc.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về việc rà soát đường cao tốc phân kỳ đầu tư với 4 làn xe để có thể khai thác với vận tốc tối đa 90 km/h, Cục Đường bộ Việt Nam đã lấy ý kiến các cơ quan chuyên ngành, ban quản lý dự án đang quản lý các đoạn/tuyến cao tốc. Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, có 9 đoạn tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế có thể khai thác với tốc độ tối đa 90 km/h thay vì 80 km/h như hiện nay với ô tô con, xe khách đến 30 chỗ, xe tải đến 3,5 tấn gồm các tuyến đã kể trên.
Các loại xe còn lại giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép 80 km/h theo nội dung kiến nghị của các cục quản lý chuyên ngành, các chủ đầu tư dự án và các đơn vị quản lý khai thác đường. Riêng tuyến Cao Bồ - Mai Sơn (qua Ninh Bình) được Khu quản lý Đường bộ I đề nghị nâng tốc độ nhưng Sở Giao thông vận tải Ninh Bình là chủ đầu tư đề nghị giữ nguyên tốc độ 80 km/h như hiện nay. Việc cắm biển được yêu cầu hoàn thành trong tháng 1/2024.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng nói rõ: Trong quá trình khai thác các tuyến cao tốc với tốc độ tối đa 90 km/h, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý đường tiếp tục theo dõi về tổ chức giao thông, an toàn giao thông trên tuyến để kịp thời phát hiện các tồn tại, bất cập, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tốc độ khai thác, phương án tổ chức giao thông phù hợp.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục quản lý Đầu tư xây dựng và các Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận, 2, 6, 7, 85, Thăng Long về việc rà soát đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới, để có thể khai thác với vận tốc 90 km/h theo tiêu chuẩn TCCS42: 2022/TCĐBVN, báo cáo về Bộ trước ngày 31/12/2023.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp khi mục tiêu phải hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025. Trước sức ép mục tiêu như vậy, chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến cao tốc với mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/h đã được thông qua. Điều này làm ảnh hưởng đến thực tế khai thác cao tốc khi tốc độ và tính an toàn trên một tuyến cao tốc bị giới hạn, gây không ít khó khăn, phiền hà cho người dân.
Tại các diễn đàn quốc hội, nhiều đại biểu quốc hội cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng về các bất cập khi vận hành, khai thác các tuyến cao tốc mới khi chỉ cho phép tốc độ tối đa là 80 km/h, chưa bảo đảm tính tối ưu về thời gian lưu thông.