Ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính mở
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, thay vì xây dựng câu hỏi thi theo tính bảo mật, khép kín như hiện nay, ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính mở, xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ toàn ngành.
Chiều 11/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hội thảo được tổ chức nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả trong công tác xây dựng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 về đánh giá đúng năng lực học sinh, đáp ứng yêu cầu cần đạt được của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Báo cáo tại Hội thảo, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị sâu sát, trong một thời gian dài, với các nguyên tắc cối lõi tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Đó là, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định pháp luật của nhà nước, của ngành giáo dục liên quan về công tác tổ chức thi, bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp THPT; bám sát các quy định liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành; bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015-2023; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được triển khai bảo đảm tính kế thừa như môn Ngữ văn hình thức tự luận, các môn còn lại hình thức trắc nghiệm; giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Ngoài ra, còn phát triển về nội dung để phù hợp với thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Đồng thời thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giảm bớt khối lượng và sai sót công việc trong tổ chức thi.
Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần. Trong đó, phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Các môn thi chỉ tối đa 4 trang giấy A4, từ đó giảm bớt được khối lượng công việc, giảm bớt rủi ro in sao, ghép tờ đề thi thuận lợi hơn.
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, thay vì xây dựng câu hỏi thi theo tính bảo mật, khép kín như hiện nay, ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính mở, xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ toàn ngành.
Cụ thể, các nhà trường, địa phương có những câu hỏi hay, tốt sẽ được gửi về Bộ Giáo dục Đào tạo. Bộ sẽ có bộ phận đánh giá chất lượng câu hỏi bằng lý thuyết khảo thí, gửi ngược trở lại cho các Sở giáo dục đào tạo, góp phần giúp lãnh đạo địa phương đánh giá chất lượng dạy, học và biên soạn đề thi.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia tham luận đã thể hiện sự nhất trí cao với Bộ GDĐT trong việc kịp thời ban hành phương án thi rất sớm, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để các địa phương, học sinh, phụ huynh nắm bắt, chuẩn bị tinh thần và chủ động triển khai các phương án phục vụ kỳ thi.
Cấu trúc định dạng đề thi đã được nhiều địa phương triển khai ra đề thi thử nghiệm với học sinh lớp 10 và 11, được đánh giá hàm lượng đủ sâu để đánh giá năng lực tư duy của học sinh, tránh tình trạng khoanh mò, học sinh sẽ phải vận dụng sáng tạo, và áp dụng kiến thức vào thực tiễn.
Theo cô giáo Trịnh Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định, đề thi kiểm tra lớp 10,11 môn sinh học tại tỉnh Nam Định đã được thử nghiệm trên 1000 học sinh. Đề thi minh họa được đánh giá có tính phân hóa rất cao, hơn 90% học sinh đạt điểm trên trung bình, trong đó điểm phổ biến là 6,5. Số học sinh đạt điểm 8 và 9 giảm dần. Chỉ có 1/1000 học sinh đạt điểm 10. Điều này, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức chắc chắn, kĩ năng thành thạo, giảm may rủi trong việc khoanh lụi đáp án của học sinh, dư luận xã hội có những phản hồi khá tích cực.
“Bản thân tôi thấy để ra được đề, người giáo viên cần phải mất nhiều công sức, đưa ra các vấn đề thực tiễn để đánh giá năng lực của học sinh, ngữ liệu mang tính mở cao, phát huy năng lực người học, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của người học và người dạy”, cô giáo Thanh Xuân cho biết.
Đặc biệt, đề minh họa và cấu trúc định dạng đề thi được các đại biểu đánh giá có tác động rất mạnh tới việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Người giáo viên cũng cần phải nâng cao năng lực, dạy cho học sinh vững vàng kiến thức, cả phương pháp tư duy và thực tiễn, quy trình tính toán, không còn tình trạng dạy mẹo, không còn những vấn đề hóc búa, xa rời thực tiễn,…
Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các địa phương và các trường. “Chúng tôi rất tâm đắc với định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, đề thi từ cơ sở cung cấp cho ngân hàng đề, việc qua cơ sở sẽ định hình rõ được các cấp độ của câu hỏi, nếu có chỉ đạo đồng bộ thì cả nước sẽ nhanh chóng có được ngân hàng câu hỏi từ các Sở GDĐT và hỗ trợ rất lớn trong việc đánh giá định kỳ học sinh”, ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, thời gian qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã từng bước tăng cường sự tin cậy của kết quả thi tốt nghiệp THPT và tới đây đề thi có độ phân hoá cao hơn, theo hướng hạn chế tối đa học tủ, học lệch học mẹo, hướng tới học thật, thi thật, kết quả thật. Do đó, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp là một trong những phương thức cho tuyển sinh đại học sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, cho chính các trường đại học và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.