Ngân hàng muốn nới rộng thời gian cơ cấu nợ vay
Từ 10/6/2020 đến nay, tại 14 tổ chức tín dụng, có khoảng 600 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid – 19. Tuy nhiên, theo Thông tư 03, số dư nợ này không được cơ cấu.
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến trao đổi về vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN gần đây, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, với tình hình đại dịch như hiện nay, con số trên không dừng ở đó và như vậy, nguy cơ nợ xấu tăng cao, quan hệ tín dụng đóng băng đã rõ ràng.
COVID-19 ĐẨY NGÂN HÀNG LÚN SÂU VÀO NỢ XẤU
Theo hiệp hội này, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhằm cơ cấu lại nợ vay theo hướng phù hợp tình hình sản xuất kinh doanh, giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.
Sau 9 tháng thực hiện, tình hình đại dịch Covid – 19 diễn biến ngày càng phức tạp và vượt xa kỳ vọng tại Thông tư 01, khiến dòng tiền của doanh nghiệp kiệt quệ do hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu tư thương mại đình trệ.
"Dư nợ bị ảnh hưởng do đại dịch của Agribank tính đến hiện tại được xác định theo Thông tư 01 và Thông tư 03 là gần 200.000 tỷ đồng. Tuy vậy, con số này chưa phản ánh đúng thực tế bởi những khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý. Doanh số giải ngân từ 10/6 đến 31/7/2021 khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ đến hạn trong 5 tháng cuối năm 2021 là gần 400.000 tỷ đồng nếu không được cơ cấu lại nợ theo Thông tư 03 thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ chuyển thành nợ xấu, dự kiến khoảng 19.000 tỷ đồng".
Ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng giám đốc Agribank
Để xử lý tình huống này, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 01. Sự ra đời của Thông tư 03 hứa hẹn làm ấm dần quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp khi các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản giải ngân trước ngày 10/6/2020.
Tuy nhiên, dịch Covid–19 lại tiếp tục bùng phát. Trong đó đợt bùng phát thứ tư gần đây được đánh giá là nặng nề nhất, đã đẩy nợ xấu ngân hàng có chiều hướng tăng nhanh, khiến các quy định hiện hành ở 2 thông tư nói trên trở nên xa rời với thực tiễn.
Hiệp hội Ngân hàng đánh giá: các khoản nợ giải ngân từ sau ngày 10/6/2020 rất nhiều khả năng bị chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tín dụng. Cùng đó, ngân hàng không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng từ Covid-19.
Trong khi đó, đại diện BIDV cho rằng, quy định thời hạn được thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31/12/2021 nhưng đến hết tháng 7/2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể dự kiến thời điểm kết thúc. Do vậy, việc sửa giới hạn về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, cũng theo đại diện BIDV, việc giới hạn thời gian cơ cấu tối đa 12 tháng kể từ thời điểm cơ cấu nợ còn gây khó khăn trong việc trả nợ của khách hàng và không còn phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng trong thời gian dài như hiện nay. Chính vì vậy, BIDV đề nghị mở rộng thời gian cơ cấu trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn so với nguồn thu dòng tiền khách hàng, đặc biệt là đối với khoản vay trung, dài hạn.
Địa bàn hoạt động của Ngân hàng ACB chủ yếu trong miền Nam nên ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất nghiêm trọng. Đặc biệt, 2 tuần qua, việc thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn khi các thủ tục trong việc thu thập chứng từ chứng minh khách hàng bị ảnh hưởng do dịch hầu như không triển khai được.
Bà Đỗ Thị Ngọc Sương - Giám đốc Phòng quản lý rủi ro tín dụng, Ngân hàng ACB
Bên cạnh việc mong muốn mở rộng phạm vi về thời gian, nhiều ngân hàng cũng cho rằng nên mở rộng về nghiệp vụ. Bởi lẽ, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng.
Đại diện VietinBank cho rằng, quy định cho phép ngân hàng năm nay trích dự phòng 30% và phần còn lại trích tiếp trong 3 năm tới nhưng kể cả có trích lập đầy đủ 100% thì không thể giải quyết hết hệ luỵ và con số nợ cơ cấu biến thành nợ xấu chưa dừng lại ở mức hiện tại.
“Như vậy, nếu Thông tư 03 chỉnh sửa, sửa đổi không đạt được như các đề xuất đã nêu thì thời gian tới chắc chắn ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của VietinBank và suy ra với các ngân hàng khác về cơ bản cũng sẽ có ảnh hưởng lớn”, vị đại diện Vietinbank nói.
CẦN GẤP THÔNG TƯ THAY THẾ
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế (Hiệp hội Ngân hàng) cho biết, theo phản ánh từ các tổ chức tín dụng, có 12 nội dung vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 03 như: Về tính số lần cơ cấu nợ của khoản nợ; quy định cơ cấu nợ đối với khoản nợ quá hạn đến 10 ngày; thời gian được gia hạn của các khoản nợ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ đối với khách hàng có hoạt động ở vùng giãn cách xã hội trong giai đoạn dịch bệnh lần thứ tư (khách hàng bị phong tỏa); các khoản nợ thực hiện miễn, giảm lãi theo Thông tư 03; khoanh nợ đối với dư nợ được cơ cấu; tiếp cận cơ cấu nợ theo khách hàng thay vì theo dư nợ/khoản vay; xếp hạng tổ chức tín dụng...
Hai đại diện Agribank và Eximbank cùng cho rằng, vướng mắc khi thực hiện Thông tư 03 là rất cấp bách và cần phải xử lý ngay. Riêng Eximbank cho biết thêm, tại ngân hàng này có rất nhiều khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đáng lưu ý, khu vực duyên hải miền Trung như Nha Trang, Hội An... có tới gần 80% khách hàng thuộc diện cơ cấu lại nợ. Do đó, nếu không có giải pháp phù hợp thì các khoản nợ này sẽ thành nợ xấu hết trong thời gian tới.
Để giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các tổ chức tín dụng một cách kịp thời ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị cần sửa đổi ngay Thông tư 03. Thậm chí, trong thời gian tiếp theo, cần ban hành một thông tư mới thay thế toàn bộ Thông tư 01, Thông tư 03.
“Nếu không sửa đổi nhanh, hệ lụy cho ngành ngân hàng là rất lớn khi dịch đi qua. Việc ban hành các văn bản pháp luật cần có tầm nhìn dài hạn, chứ không nên để tình trạng Thông tư vừa mới ban hành vài tháng đã phải thay thế”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, trước mắt Hiệp hội sẽ tổng hợp nội dung và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi trong thời gian ngắn nhất nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phải thực thi được. Hiệp hội sẽ theo sát để thông tư được ban hành kịp thời.
Tiếp đó, Hiệp hội sẽ lấy ý kiến các tổ chức tín dụng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước, báo cáo Chính phủ xem xét ban hành nghị định về khoanh nợ, nhằm chia sẻ khó khăn với hệ thống ngân hàng trong dịch bệnh và đảm bảo an toàn hoạt động.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước ghi nhận toàn bộ các nhóm vấn đề được nêu ra và cũng nhìn nhận việc sửa đổi Thông tư 03 mang tính chất cấp bách, cần làm nhanh để hỗ trợ người dân và khách hàng chịu ảnh hưởng làn sóng thứ tư.
Vị đại diện này cũng cho biết, Cơ quan Thanh tra giám sát cũng đang tiến hành sửa đổi Thông tư 03 theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến, việc sửa đổi sẽ chia thành 2 giai đoạn, trong đó: các nhóm vấn đề trong thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước sẽ được triển khai sửa trước (giai đoạn 1); còn các nhóm vấn đề còn lại sẽ được tiến hành sửa đổi theo đúng quy trình, quy định (giai đoạn 2).
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tín dụng cũng đều nhìn nhận các vấn đề nêu ra rất cụ thể, sát với thực tiễn và các cơ quan này sẽ phối hợp với Cơ quan Thanh tra giám sát để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng.
Con số nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03 sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần thứ tư có thể khiến tình hình nợ xấu tăng nhanh, trong khi các khoản nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây là thách thức lớn đối với ngành ngân hàng.