Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh bơm tiền qua kênh thị trường mở
Tuần từ 23 -27/9, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 65.847,55 tỷ đồng ra thị trường bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 67.359,15 tỷ đồng, không còn khối lượng tín phiếu lưu hành…
Trong tuần từ 23 - 27/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng – giảm đan xen. Chốt ngày 27/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.118 VND/USD, giảm tiếp 30 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ 23 - 27/9 tăng mạnh phiên đầu tuần rồi giảm trở lại; kết thúc phiên 27/9, đóng cửa tại 24.608, chỉ giảm nhẹ 2 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng. Phiên 27/9, tỷ giá tự do tăng 145 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.110 VND/USD và 25.210 VND/USD.
Tại Mỹ, thị trường đã tăng kỳ vọng khoảng 60% khả năng Fed sẽ thực hiện thêm một lần cắt giảm lãi suất 0,5% vào tháng 11 tới.
Trong tuần này, tiếp tục sẽ có thêm các tín hiệu giúp thị trường xác định rõ hơn quy mô của đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo từ Fed với bài phát biểu của Chủ tịch Fed vào sáng thứ Ba và báo cáo quan trọng về bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 của Mỹ trong ngày thứ Sáu. Sức khỏe của thị trường lao động Mỹ tiếp tục là tâm điểm chú ý để đánh giá tốc độ mà Fed cần cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.
Tỷ giá USD/VND hiện được giao dịch ở mức 24.610, tăng 1,44% so với đầu năm. Tuy nhiên, so với mức đỉnh 25.450 vào giai đoạn cuối tháng 4 đến đầu tháng 7, tỷ giá đã giảm khoảng 3,3%.
Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 23 - 27/9, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với 20/9. Chốt ngày 27/9, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,24% (+0,7 đpt); 1 tuần 4,38% (+0,65 đpt); 2 tuần 4,38% (+0,55 đpt); 1 tháng 4,36% (+0,33 đpt).
Lãi suất USD liên ngân hàng trong tuần ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 27/9, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,83% (-0,01 đpt); 1 tuần 4,89% (không thay đổi); 2 tuần 4,93% (-0,02 đpt) và 1 tháng 4,97% (không thay đổi).
Tuần từ 23 - 27/9, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 79.000 tỷ đồng, lãi suất giữ nguyên ở mức 4%. Có 67.359,15 tỷ đồng trúng thầu và có 1.511,6 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và cũng không có khối lượng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 65.847,55 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 67.359,15 tỷ đồng, không còn khối lượng tín phiếu lưu hành.
Ngày 25/9, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 9.650 tỷ đồng/12.500 tỷ đồng Trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 77%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 7.500 tỷ đồng gọi thầu và 15 năm huy động được 2.150 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5 năm và 30 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm là 2,66% (-0,02 đpt so với phiên đấu thầu trước), 15 năm 2,86% (-0,02 đpt).
Trong tuần này, ngày 2/10, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 11.500 tỷ đồng Trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 7.000 tỷ đồng, 15 năm 3.000 tỷ đồng, 20 năm và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright (thông thường) và Repos (mua lại) trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 18.405 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 11.528 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất Trái phiếu chính phủ trong tuần qua giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 27/9, lợi suất Trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,85% (-0,004 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,86% (-0,01 đpt); 3 năm 1,88% (-0,01 đpt); 5 năm 1,91% (-0,04 đpt); 7 năm 2,15% (-0,01 đpt); 10 năm 2,66% (-0,002 đpt); 15 năm 2,86% (-0,01 đpt); 30 năm 3,16% (-0,01 đpt).