Ngân hàng thấp thỏm với nợ xấu, chuyên gia khuyên nên sớm luật hóa Nghị quyết 42
TS Cấn Văn Lực dự báo nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,3 - 2,5% nếu để Nghị quyết 42 và Thông tư 14 hết hiệu lực...
Chỉ còn khoảng 6 tháng nữa, công cụ đắc lực để xử lý nợ xấu là Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ hết hiệu lực. Theo các chuyên gia, nếu không tiếp tục được gia hạn hoặc nâng lên thành luật, nợ xấu sẽ ngày càng phình to.
NỢ XẤU LẠI "CĂNG"
Chia sẻ tại hội thảo “Cần Luật hóa Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong gần 5 năm qua, Nghị quyết 42/2017 đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu.
Cụ thể, Nghị quyết cho phép tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm; mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường; cho phép Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm.
Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định rõ về phương thức xử lý nợ xấu trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, bất động sản bị kê biên; quy định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; quy định nghĩa vụ thuế, phí khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm…
Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, giai đoạn 2012-2015 xử lý được 493,1 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016-2021 xử lý được trên 800 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 368,9 nghìn tỷ đồng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).
Số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý thu hồi trong giai đoạn từ ngày 15/8/2017 đến cuối năm 2021, đạt trung bình khoảng 6,92 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,94 nghìn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42 (giai đoạn năm 2012 - 2017).
Mặc dù ngành ngân hàng đã rất nỗ lực nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến nợ xấu quay lại sớm hơn dự kiến. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%) - cũng là năm mà Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.
CÀNG SỚM LUẬT HOÁ CÀNG TỐT
Hiện tại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã tăng mạnh trong vòng 6 năm qua, từ mức 66% cuối năm 2016 lên đến mức 150% nhờ động thái chủ động trích lập dự phòng rủi ro.
Thậm chí, có những ngân hàng tích cực, chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 14 trước thời hạn như Vietcombank, BIDV... Điều này cho thấy, sức khoẻ của ngành ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều và rủi ro nợ xấu chưa đáng quan ngại.
Tuy nhiên, với việc Thông tư 14 và Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV lo ngại áp lực nợ xấu đang ngày một hiện hữu.
“Dự đoán nợ xấu sẽ tăng mạnh nửa cuối năm 2022 và tăng mạnh hơn những năm tiếp theo nếu hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu không kịp ban hành. Nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,3 - 2,5% trong năm 2022”, ông Lực nói.
Do đó, ông Lực khuyến nghị Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Hoặc, ít nhất là gia hạn trong khoảng thời gian 3 năm để chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.
Trên thực tế tại thế giới, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ xấu của hệ thống tài chính cũng trở thành mối lo ngại lớn cho nhiều quốc gia. Mới đây nhất, để tạo tiền đề giải quyết nợ xấu, Liên minh châu Âu EU vừa thông qua chỉ thị (EU) 2021/2167 về đối tượng cung cấp dịch vụ tín dụng và đối tượng mua các khoản tín dụng (Directive (EU) 2021/2167 on credit servicers and credit purchasers), hay còn được gọi là chỉ thị nợ xấu (the Non-Performing Loans Directive), có hiệu lực từ ngày 28/12/2021.
Chỉ thị này cùng với các hành động khác của các cơ quan có thẩm quyền châu Âu, sẽ cung cấp khung khổ pháp lý và các yêu cầu chung để góp phần tạo ra một thị trường thứ cấp thống nhất, thích hợp cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu trên bảng cân đối kế toán và giảm thiểu rủi ro tích lũy nợ xấu trong tương lai.
Cũng đề xuất các nội dung cần thiết luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cơ quan soạn thảo xây dựng theo hướng quy định cho phép các tổ chức tín dụng được lựa chọn áp dụng quy định của Luật Xử lý nợ xấu để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trước khi Luật về xử lý nợ xấu được thông qua, có hiệu lực.
Kể cả khi ban hành Luật xử lý nợ xấu hay kéo dài Nghị quyết 42, Hiệp hội ngân hàng cũng đề nghị, Luật Xử lý nợ xấu/Nghị quyết gia hạn phải xác định rõ vai trò các chủ thể tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu, trong đó cần chi tiết, cụ thể hai nội dung là là chứng khoán hóa nợ xấu và mua bán nợ xấu. Đồng thời, phải xây dựng hệ nguyên tắc cụ thể, xác định rõ nhóm đối tượng điều chỉnh luật để đảm bảo tính ổn định và lâu dài của luật.
Đồng thời, luật này cũng phải có các quy định rõ hơn về quyền sử dụng của bên bảo đảm nhằm bảo vệ tổ chức tín dụng với tư cách là người thứ ba ngay tình khi tham gia thiết lập và đăng ký biện pháp bảo đảm.