Ngân sách rót thêm 3.000 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giảm nửa năm
Do thay đổi về cơ cấu nguồn vốn, bổ sung thêm 3.220 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và hạ dự báo về lưu lượng xe nên UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng cần tính toán lại phương án tài chính cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án là 22 năm 5 tháng, thấp hơn nửa năm so với quyết định trước đó...
UBND tỉnh Cao Bằng vừa có Tờ trình số 1106/TTr - UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
NGÂN SÁCH CHIẾM 70% TỔNG MỨC ĐẦU TƯ DỰ ÁN
Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10/08/2020 và điều chỉnh chủ trương tại Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/01/2023.
Trên cơ sở điều chỉnh tổng số vốn ngân sách nhà nước trong dự án phù hợp với Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội và cập nhật các nội dung liên quan đến tài chính của dự án, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Tờ trình số 3448/TTr-UBND ngày 13/12/2023 trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư.
Tại tờ trình lần này, UBND tỉnh Cao Bằng nêu rõ quá trình triển khai thực hiện dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành công trình.
Do đặc thù dự án khu vực miền núi nên nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao, thời gian hoàn vốn dài nên chưa thực sự hấp dẫn các tổ chức tín dụng cho vay nên nhà đầu tư gặp khó khăn về thu xếp nguồn vốn tham gia vào dự án.
Được sự chấp thuận của Quốc hội tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án được điều chỉnh từ 6.580 tỷ đồng thành 9.800 tỷ đồng (chiếm 69,38% tổng mức đầu tư của dự án).
Ngày 27/1/2024, Chính phủ có Nghị quyết số 16/NQ-CP triển khai Nghị quyết 106/2023/QH15, theo đó, đối với phần vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư dự án được bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Ngoài ra, trong thời gian thẩm định và phê duyệt dự án, nhiều yếu tố về kinh tế - xã hội có sự thay đổi theo chiều hướng không như dự báo trong báo cáo nghiên cứu khả thi.
Do đó, theo khoản 1 Điều 18 Luật Đầu tư theo phương thức PPP, dự án cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo.
“Việc bổ sung thêm vốn nhà nước nhằm mục tiêu giảm thời gian hoàn vốn và tăng thêm tính hấp dẫn, hiệu quả dự án, nhất là đối với dự án nằm ở địa bàn miền núi đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng và đặc biệt khó khăn như tỉnh Cao Bằng”, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định.
Trước đó, phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án là 6.580 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng.
Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và sự phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn nhưng đảm bảo tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 69,38% tổng mức đầu tư), tăng khoảng 3.220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.
Như vậy, vốn do nhà đầu tư huy động: 4.325,41 tỷ đồng (chiếm 30,62% tổng mức đầu tư), bao gồm: vốn chủ sở hữu, vốn vay, vốn huy động khác.
Theo đó, trên cơ sở Tờ trình số 3448/TTr-UBND ngày 13/12/2023, giá trị tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án được cập nhật theo Thông báo số 33/TB-BKHĐT ngày 19/4/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giá trị tổng mức đầu tư giai đoạn 1 cập nhật là 14.125,41 tỷ đồng.
Đối với giai đoạn 2, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã cập nhật trên cơ sở thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở trong giai đoạn lập báo cáo khả thi dự án của Cục Đường cao tốc Việt Nam. Do đó, giá trị tổng mức đầu tư giai đoạn 2 sẽ giảm trừ phần khối lượng đã triển khai hoàn thiện trong giai đoạn 1 dự án theo ý kiến thẩm định của Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.
Giai đoạn 2 của dự án dự kiến thực hiện sau năm 2026, do vậy giá trị tổng mức đầu tư giai đoạn 2 sẽ được tính toán chính xác khi xác định được thời điểm bắt đầu thực hiện. Các nội dung khác của giai đoạn 2 được UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị giữ nguyên theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
TÍNH TOÁN LẠI PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH
Do thay đổi về cơ cấu nguồn vốn, vốn ngân sách nhà nước trong dự án thay đổi, do đó cần tính toán lại phương án tài chính. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về PPP, cần phải cập nhật lại thông số đầu vào của phương án tài chính về lãi suất của phần vốn huy động và lợi nhuận của vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, để xét đến tính thực tế về tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023 không như dự báo trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt vào tháng 9/2023 (dự báo lưu lượng xe tăng trưởng theo kịch bản tăng trưởng cao của kinh tế), cần bổ sung thêm kịch bản tăng trưởng trung bình và tăng trưởng thấp của lưu lượng xe tương ứng với các điều kiện về tăng trưởng kinh tế được dự báo theo kịch bản tương tự.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng đây là căn cứ để lựa chọn kịch bản tăng trưởng lưu lượng xe phù hợp.
Với kịch bản tăng trưởng kinh tế trung bình, để thu hút thêm phương tiện giao thông sử dụng dự án, điều chỉnh giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án từ 2.100 đ/xe/km xuống còn 2.000 đ/xe/km.
Từ các nội dung điều chỉnh trên, các thống số chính của phương án tài chính như sau: giá trị hiện tại ròng (NPV): 39,35 tỷ đồng; Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR): 12,14%; Tỷ suất lợi nhuận/Chi phí (B/C): 1,022.
Thời gian thu phí hoàn vốn là 22 năm 5 tháng, thấp hơn nửa năm so với Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/01/2023.
Tại Tờ trình số 1106, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, trong đó giai đoạn 1 là từ năm 2020 - 2026; giai đoạn 2 là sau năm 2026.
Dự án được bổ sung cơ chế đặc thù theo Phụ lục III (dự án đường bộ qua các địa phương giao một địa phương làm cơ quan chủ quản) và Phụ lục IV (dự án áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội. Các nội dung khác còn lại không thay đổi.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 121 km, đi qua địa phận huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và huyện Thạch An, huyện Quảng Hoà và huyện Trùng Khánh (Cao Bằng); được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: đầu tư khoảng 93,35 km (từ Km0+00 đến Km93+350), lựa chọn kích thước mặt cắt ngang với nền đường rộng 17 m đối với các đoạn thông thường (chiếm khoảng 24%) và mặt cắt ngang nền đường 13,5m đối với các đoạn khó khăn (chiếm khoảng 76%) kiểm soát tổng mức đầu tư trong khi vẫn đảm bảo nhu cầu giao thông trong giai đoạn 2025 - 2030.
Giai đoạn 2 (hoàn thiện): đầu tư tiếp khoảng 27,71 km từ Km93+350 đến Km121+060, điểm đầu nối với điểm cuối của giai đoạn 1, điểm cuối tại cửa khẩu Trà Lĩnh quy mô bề rộng nền đường 17m và hoàn thiện quy mô cắt ngang 17m với các đoạn tuyến châm chước trong giai đoạn 1, trung bình 500 m bố trí 1 vị trí dừng xe.