Khánh thành hai dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, cả nước vượt mốc 2.000 km cao tốc

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Hai dự án thành phần đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến Quốc lộ 46B) được khánh thành nâng tổng số chiều dài cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đưa vào khai thác đến nay là 634km. Tổng chiều dài đường cao tốc cả nước chính thức vượt mốc 2.000 km...

Cơ bản 11 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành (634/654km), gần 20km còn lại của dự án Diễn Châu - Bãi Vọt cố gắng hoàn thành quý 3/2024.
Cơ bản 11 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành (634/654km), gần 20km còn lại của dự án Diễn Châu - Bãi Vọt cố gắng hoàn thành quý 3/2024.

Chiều ngày 28/4, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND các tỉnh: Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An tổ chức Lễ khánh thành và thông xe đưa vào khai thác dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến Quốc lộ 46B) theo hình thức kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại tỉnh Ninh Thuận với điểm cầu tại tỉnh Nghệ An.

ĐÚC RÚT 5 BÀI HỌC KINH NGHIỆM, 5.000 KM CAO TỐC TRONG TẦM TAY

Tuyên bố khánh thành hai dự án PPP, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng dự sự kiện trong không khí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Ngày Quốc tế Lao động.

Đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, các địa phương, các ban quản lý dự án, các nhà đầu tư, nhà thầu, cán bộ, kỹ sư làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, xuyên lễ "3 ca 4 kíp", ngủ khẩn trương, chỉ bàn làm và không bàn lùi, Thủ tướng cũng dành lời cảm ơn đặc biệt đến nhân dân khu vực có dự án đi qua nhường nơi ăn chốn ở, nơi sinh sống ngàn đời, bờ xôi ruộng mật để dành cho dự án, cho lợi ích quốc gia.

Theo Thủ tướng, với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tính cả hai dự án khánh thành hôm nay, tổng chiều dài cao tốc làm được là 1.187km. Đồng thời đưa tổng chiều dài các tuyến cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đến nay đạt hơn 2.000 km. Trong khi trước đó, đến tháng 6/2021, cả nước dốc sức hơn 20 năm mới có hơn 900 km cao tốc.

Bên cạnh nhiệm vụ hoàn thành 2.157km cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án cao tốc trục Đông - Tây, trục Tây Nguyên, trục Tây Nam Bộ… cũng đang được triển khai.

"Với đà này, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu 3.000km vào năm 2025 và 5.000km vào năm 2030", Thủ tướng tin tưởng.

Thủ tướng đúc rút 5 bài học kinh nghiệm từ 2 dự án - Ảnh: VGP.
Thủ tướng đúc rút 5 bài học kinh nghiệm từ 2 dự án - Ảnh: VGP.

Trực tiếp ba lần đến tận nơi, nghe và thấy, giải quyết từng vướng mắc ở dự án, Thủ tướng cho rằng hai dự án này giúp chúng ta rút ra 5 bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, phải nỗ lực biến không thành có, biến khó thành dễ, càng áp lực, càng nỗ lực.

Thứ hai, phải quyết tâm cao, hành động lớn, hành động quyết liệt.

Thứ ba, bám sát thực tiễn đời sống. Lấy thực tiễn làm thước đo, giải quyết tại công trường các vướng mắc về tài chính, vật liệu, mặt bằng…

Thứ tư, phải huy động đa dạng hoá các nguồn vốn và hết sức linh hoạt trong quá trình vận dụng công cụ pháp luật.

Cuối cùng, phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, đặt mình vào địa vị của nhân dân để giải quyết vấn đề.

Tại hầm Núi Vung, Thủ tướng đề nghị các tổ chức tín dụng và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu làm luôn ống hầm thứ hai; đồng thời nghiên cứu mở thêm các nút giao hợp lý, đảm bảo hiệu quả, vai trò của hạ tầng giao thông trong mở ra không gian phát triển mới.

Trước đó, báo cáo tổng quan tình hình triển khai dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, cho biết thực hiện Nghị quyết 52 của Quốc hội, giai đoạn từ năm 2017 - 2020, Bộ Giao thông vận tải triển khai 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km và Nghị quyết 44 trong giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 729km của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

 

"Đến thời điểm này, cơ bản 11 dự án thành phần của giai đoạn 1 hoàn thành. Riêng dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, bên cạnh 30km đầu tuyến được thông xe, đưa vào khai thác dịp 30/4, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo quyết liệt để trong quý 3/2024 khánh thành 20km còn lại và đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 cùng một số đoạn khác để thông toàn tuyến".

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn.

Hiện đã đưa vào khai thác 9 dự án của giai đoạn 2017 - 2020 với tổng chiều dài 525km. Với hai dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt, dưới sự điều hành sát sao của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự nỗ lực của các chủ thể tham gia, hôm nay được khánh thành.

"Hai dự án khánh thành và thông xe ngày hôm nay có ý nghĩa rất lớn đối với các tỉnh Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận và mang lại không gian phát triển mới, liên vùng. Đồng thời, rút ngắn đáng kể thời gian đi từ TP.HCM đến Nha Trang và từ thủ đô Hà Nội đến TP Vinh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ", Thứ trưởng Tuấn đánh giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt là hai dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP) hình thức BOT, được khởi công năm 2021 trong bối cảnh Luật Đầu tư đối tác công - tư (Luật PPP) chưa được ban hành, nguồn tín dụng của các ngân hàng cho các nhà đầu tư BOT rất khó khăn.

Quá trình thi công, dự án cũng gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch, địa hình, địa chất phức tạp, tời gian xử lý kỹ thuật bị kéo dài….

Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và địa phương; sự quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải cùng với sự nỗ lực của các nhà đầu tư và các đơn vị liên quan, hai dự án này vượt khó khăn về đích theo kế hoạch, tiết giảm được gần 1.400 tỷ đồng đánh dấu sự thành công của xã hội hóa nguồn lực trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

THOẢ ƯỚC MUỐN SÁNG ĂN "CHÁO LƯƠN ĐỒNG ĐẶC SẢN XỨ NGHỆ", TRƯA "BÚN CHẢ HÀ NỘI"

Bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến tuyến đường hoàn thành và thông xe đúng dịp lễ lớn, ông Nguyễn Quốc Khánh 75 tuổi, cư trú tại xóm 4, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cho biết gia đình ông chính là một trong những hộ dân trên địa bàn huyện Diễn Châu có diện tích đất được thu hồi để giải phóng mặt bằng thi công dự án.

Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông Khánh phải từ bỏ "bờ xôi, ruộng mật", xa rời mảnh đất gắn bó bao đời, bao thế hệ ông cha, gia đình không khỏi xót xa.

"Thế nhưng, sau khi được lãnh đạo tỉnh Nghệ An và lãnh đạo địa phương nơi cư trú triển khai, những người dân trong xã hiểu rằng, đây là một chủ trương lớn và là dự án trọng điểm của quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung, tỉnh Nghệ An và huyện Diễn Châu nói riêng. Với suy nghĩ như vậy, ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện dự án, bản thân tôi nhiệt tình ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng", ông Khánh bày tỏ.

Việc giải phóng mặt bằng sớm thì dự án đường cao tốc được sớm thực hiện, người dân sớm được ổn định nơi ở mới, không phải chịu cảnh tiếng máy, bụi đường thi công ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, gia đình ông Khánh vui vẻ bàn giao mặt bằng từ sớm và tích cực vận động người dân trong vùng cùng đồng thuận với chủ trương của các cấp, nhanh chóng bàn giao mặt bằng.

Với kế hoạch triển khai bài bản, quá trình giải phóng mặt bằng, các cán bộ chuyên môn rất gần gũi người dân, vừa tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ đền bù khi nhà nước thu hồi đất, vừa động viên, thăm hỏi, đặc biệt đối với các hộ gia đình có đất ở bị thu hồi phải di chuyển chỗ ở, thực hiện tái định cư về nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Được biết, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài hơn 49km. Trong đó, đoạn tuyến thông xe thuộc dự án có chiều dài khoảng 30km (đoạn từ Diễn Châu đến Nút giao Quốc lộ 46B), đi qua địa phận các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An. 

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được thiết kế vận tốc thiết kế 100-120km/h, riêng hầm Thần Vũ vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án được đầu tư theo phương thức PPP với tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư hơn 5.090 tỷ đồng; nguồn vốn nhà nước tham gia hơn 6.067 tỷ đồng.

Liên danh nhà đầu tư dự án gồm: Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2. Doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng.

Được khởi công tháng 5/2021, đến nay cơ bản hoàn thành tuyến chính đoạn từ Diễn Châu đến nút giao Quốc lộ 46B với chiều dài khoảng 30km. Hơn 19km còn lại đang phấn đấu hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phục vụ người dân lưu thông trên 30km đầu được đưa vào khai thác, trạm dừng nghỉ tạm dự kiến được bố trí tại Km440+500 (cửa Bắc hầm Thần Vũ).

Còn dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài tuyến 79km đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Dự án có điểm đầu Km54+00 phía sau nút giao Cam Ranh, trùng điểm cuối dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm, thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối Km134+00 phía trước nút giao Vĩnh Hảo, trùng điểm đầu dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 90km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120km/h.

Dự án được đầu tư theo phương thức PPP với tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng; nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 5.139 tỷ đồng.

Liên danh Nhà đầu tư dự án gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194. Doanh nghiệp dự án: Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Ngay khi đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được vận hành đồng bộ các hạng mục, gồm cả hệ thống giao thông thông minh (ITS). Phục vụ người dân miễn phí trong thời gian chờ Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ chính thức, nhà đầu tư dự án cũng chủ động bỏ kinh phí, xây dựng các trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến tại Km133+00 (bố trí hai bên đường cao tốc).

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con