Ngành cơ khí vẫn loay hoay tồn tại
Được ví như "trái tim" của ngành công nghiệp nặng Việt Nam, nhưng nhiều năm qua, ngành cơ khí vẫn đang phải loay hoay tìm cách tồn tại, cho dù đã được trợ lực bằng nhiều cơ chế, chính sách.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
HÀNG LOẠT CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐƯỢC BAN HÀNH
Xác định cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước, Chính phủ đã ban hành Quyết định 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020. Ngay sau đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận 25-KL/TW ngày 17/10/2003 về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam với quan điểm cụ thể: cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và phải xây dựng ngành cơ khí để đủ sức cạnh tranh vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhằm hướng dẫn chi tiết các chính sách, chiến lược cho ngành cơ khí chế tạo, ngày 16/1/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, giai đoạn 2009-2015; Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ"; Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Để tiếp tục trợ lực cho ngành cơ khí, hàng loạt các cơ chế chính sách tiếp tục được ban hành. Cụ thể, Nghị quyết 23/NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xác định công nghiệp cơ khí là một trong những ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong đó tập trung vào một số ngành như ôtô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế... Nhằm thực thi định hướng phát triển công nghiệp của Đảng và quy định của pháp luật về đầu tư ngành cơ khí, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, xác định quan điểm phát triển ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở phát triển bền vững và bảo vệ môi trường...
NHỮNG THÀNH CÔNG CỦA NGÀNH CƠ KHÍ
Trong những năm qua, ngành cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Một số lĩnh vực ghi nhận có sự chuyển biến, đột phá như: chế tạo thiết bị thủy công (cung cấp cho các công trình nhà máy thủy điện lớn, nhỏ trong cả nước), chế tạo giàn khoan dầu khí (cung cấp khoan thăm dò, khai thác dầu khí đến độ sâu 120m, giàn khoan tự nâng 90m nước, giàn khoan khai thác giếng dầu), thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, đóng tàu các loại (tàu chở dầu đến trọng tải 105 nghìn DWT, tàu chở khí hóa lỏng trọng tải đến 5.000 tấn, tàu chở hàng rời...), các công trình thiết bị toàn bộ (nhà máy đường công suất 1.000 tấn mía/ngày, chế biến mủ cao su công suất 6.000 tấn/năm).
Cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ôtô như: Vinfast, Thành Công, Thaco. Chỉ trong vòng 21 tháng, Vinfast đã đưa ra thị trường ôtô mang thương hiệu Việt Nam; hay như Thaco, từ cuối năm 2019 đến 7 tháng đầu năm 2020 đã xuất khẩu xe bus, xe tải, xe du lịch, sơmi rơmoóc sang Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ... Cơ khí gia công chế tạo có một số doanh nghiệp như: Toyota, Nikon...
Điểm sáng lớn nhất của ngành cơ khí là ngành chế tạo thiết bị điện, với việc sản xuất thành công máy biến áp 220kV-250MVA, vận hành an toàn tại trạm 220kV (Thái Nguyên) đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí điện, đóng góp thiết thực có hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời làm đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 20%-30% khi đấu thầu tại Việt Nam, góp phần làm giảm nhập siêu cho đất nước.
Ngày 22/11/2011, máy biến áp 500kV cũng đã được đóng điện thành công và đưa vào vận hành tại trạm 500 kV Nho Quan (Ninh Bình). Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500kV. Đặc biệt, ngày 13/9/2019, Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh đã xuất xưởng máy biến áp nguồn 3 pha 500kV-467MVA đầu tiên tại Việt Nam. Đây là dòng máy siêu cao áp công suất lớn rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo; do đó, đây có thể coi là thành tựu lớn đối với ngành chế tạo thiết bị điện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế; số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt, rõ nét dấu ấn Việt Nam vẫn chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng vẫn coi cơ khí Việt Nam chỉ là sản phẩm phụ trợ. Trong tương lai xa hơn, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.
"XÂY NHÀ TRÊN CÁT"?
Từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long chỉ ra một số điểm nghẽn của ngành cơ khí trong nhiều năm qua. Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là về thị trường. Hàng năm Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài hàng chục tỷ USD trang thiết bị, máy móc, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế, bao gồm các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh, quốc phòng... Mặc dù vậy, ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại không có được nhiều thị phần của dung lượng thị trường này. Bên cạnh đó, điểm nghẽn cố hữu bấy lâu nay là từ năng lực của doanh nghiệp. Hiện nay, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đa phần còn thấp. Sau hơn 20 năm phát triển vẫn không có nhiều doanh nghiệp đạt trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh tiệm cận thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và ở rất xa thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Điểm nghẽn tiếp theo là về cơ chế chính sách. Thời gian qua, Chính phủ và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đối với ngành cơ khí nhưng các chính sách đó chưa thực sự đi vào cuộc sống; hệ thống chính sách quản lý phát triển kinh tế, công nghiệp của Nhà nước trong đó có cơ khí chưa đồng bộ. Các chính sách vĩ mô từ quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp, kinh tế, dịch vụ chậm được ban hành, sử dụng vốn đầu tư công còn chưa hợp lý... dẫn đến sản phẩm cơ khí Việt Nam hầu như mất thị trường nội địa, ngày càng khó cạnh tranh trong nước và ngoài nước.
Nói về thực trạng của ngành cơ khí, trong bài viết: "Tạo đột phá phát triển ngành cơ khí: nền tảng cho xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển nhanh, bền vững", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, để Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045, sứ mệnh lịch sử của ngành cơ khí chế tạo rất quan trọng. Nếu đi thẳng vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà không chú trọng xây dựng và phát triển một nền cơ khí chế tạo, thì đó chỉ là "xây nhà trên cát".
Bài viết nêu rõ, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo phần lớn chưa làm chủ được nguồn vốn, đa phần thiếu hụt vốn, phải đi vay để đầu tư với lãi suất cao và bị ràng buộc bởi các điều kiện bất lợi của nhà tài trợ hay đối tác tài chính; công nghệ lạc hậu, đơn giản, tụt hậu khoảng 2 - 3 thế hệ so với các nước trong cùng khu vực, cùng với sự quản lý yếu kém dẫn đến tình trạng các sản phẩm cơ khí chủ yếu vẫn chỉ là gia công kết cấu thép, không có các thiết bị tiên tiến đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao đủ sức cạnh tranh với quốc tế; không phát triển được thị trường tiêu thụ ngay trong nội địa, chưa nói đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự liên kết và tập hợp của các doanh nghiệp cơ khí còn rất hạn chế, khó hình thành các tập đoàn công nghiệp cơ khí chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư.
Nguyên nhân khách quan có thể do ngành cơ khí chế tạo yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan vẫn được coi là chính yếu, trong đó cần phải kể đến những nguyên nhân hàng đầu, như hệ thống pháp luật chưa được hoàn thiện, nhiều chính sách đối với ngành cơ khí chế tạo chưa hợp lý, thậm chí còn gây khó khăn, cản trở sự phát triển của ngành, thiếu sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận các dự án cơ khí chế tạo, đất đai, tài chính. Trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, có một số điểm còn chưa hợp lý, như chúng ta quá tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, chưa chú ý đến các ngành cơ khí then chốt, chưa đề cập nhiều đến cơ khí nông nghiệp trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp...
Sự chỉ đạo của Nhà nước đối với ngành cơ khí chế tạo trong giai đoạn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa được tập trung; vai trò giữ nhịp, kết nối, tham mưu về chính sách của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Tổng hội Cơ khí Việt Nam chưa tốt; các doanh nghiệp cơ khí chế tạo còn nặng tư duy bao cấp, trông chờ vào Nhà nước...
TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN
Theo VAMI, với đất nước có gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn ở mức 6% - 6,5%/năm, quy mô của nền kinh tế trên 250 tỷ USD, có thể xác định quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Đó là giá trị máy móc, thiết bị, cấu kiện cho các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản (khoảng 120 tỷ USD); máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản (15 tỷ USD); các loại thiết bị tiêu chuẩn, như quạt, động cơ, thiết bị thủy lực... (khoảng 10 tỷ USD), thiết bị cho đường sắt tốc độ cao (khoảng 35 tỷ USD), đường sắt đô thị (10 tỷ USD) và công nghiệp ôtô (120 tỷ USD). Đó là thị trường "mơ ước" đủ lớn, để phát triển ngành cơ khí chế tạo.
Bên cạnh đó, với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và các công ty đa quốc gia có thể chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước thứ ba được coi là cơ hội phát triển tốt cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trong năm 2021 và những năm tới. Theo ông Đào Phan Long, trong năm 2021, những doanh nghiệp sản xuất sẽ là những doanh nghiệp có nhiều cơ hội, bởi vì gần như các đơn đặt hàng từ Trung Quốc không xuất khẩu được do đất nước này khó có thể triển khai được những đơn hàng dưới tác động của dịch bệnh Covid -19. Trong khi gần như các đơn hàng đó được chuyển sang các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, để đón được cơ hội này, các doanh nghiệp phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu đến các khâu sản xuất và giá thành cạnh tranh. Muốn làm được điều này, buộc các doanh nghiệp phải liên kết mạnh mẽ hơn.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều FTA. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có ưu thế hơn khi xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến trên toàn cầu vẫn phức tạp, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ thị trường nội địa thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng; cần có các chương trình đặc biệt, hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành. Đây là điểm doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay, không chỉ với các ngành chế tạo mà tất cả các ngành sản xuất.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trong năm 2021 và những năm tới, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, 2 Trung tâm này đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các Trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển...