Ngành dệt may kiên cường vượt khó để duy trì đơn hàng và giữ chân người lao động
Kể từ khi ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, chưa bao giờ kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm tới gần 10% như năm 2023…
Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm; nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU… cầu giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.
CÁC DỰ BÁO ĐỀU BỊ ĐẢO CHIỀU
Tại buổi “Gặp mặt báo chí thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân” ngày 8/1, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, năm 2023 là năm khó khăn nhất trong lịch sử hình thành tập đoàn (29 năm), kể cả trong giai đoạn Covid cũng không khó như năm 2023.
Đây cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm tới ~10%. Thậm chí, nhiều đơn vị dệt khó khăn kéo dài 18 tháng nay, đến giờ phút này cảm nhận khó khăn chưa biết điểm dừng.
“Dự báo thị trường dệt may đã được Tập đoàn đưa ra ngay từ đầu năm 2023 với nhiều kịch bản để có giải pháp ứng phó, nhưng tất cả những dự báo đều nhanh chóng đảo chiều, không nghĩ kịch bản xấu nhất lại diễn ra, liên tiếp gia tăng các diễn biến bất ổn của thị trường”, ông Hiếu nói.
Năm 2023 tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%.
Không chỉ đơn giá hàng giảm sâu, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, chỉ khoảng 10 – 14 ngày, trong khi trước đây là 40 ngày với hàng CM, 70 ngày với hàng FOB… đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với tinh thần “Kiên cường- dũng cảm- sáng tạo- đoàn kết”, Vinatex đã tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành để duy trì đơn hàng, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng.
Để duy trì đơn hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Hiếu cho biết các doanh nghiệp phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn, chấp nhận hy sinh về năng suất và phương thức tổ chức sản xuất trước đây khi sản xuất các mã hàng lớn có năng suất cao... tạo đà cho Vinatex đạt các kế hoạch về sản xuất kinh doanh.
Do đó, năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch. “Kết quả năm 2023 so với năm 2022 tương đối thấp, mặc dù vẫn đạt lợi nhuận nhưng không như mong muốn và kỳ vọng của Tập đoàn”, ông Hiếu nói.
KHÔNG ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG BỎ DOANH NGHIỆP
Điều đáng nói, dù là năm muôn vàn khó khăn nhưng người đứng đầu Vinatex cho rằng đến giờ phút này Tập đoàn cảm thấy may mắn và hạnh phúc là vẫn giữ được ổn định người lao động dù trải qua nhiều biến động, vẫn có xấp xỉ 62 nghìn lao động đang làm việc, tỷ lệ giảm chỉ 2% do người lao động đến tuổi về hưu.
Theo ông Hiếu, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng với ngành, vì khi thị trường khôi phục trở lại, nếu có thị trường, có đơn hàng tốt mà không có lao động thì không làm được gì. Vì thế, thu nhập cho người lao động năm 2023 không giảm hơn nhiều so với 2022 (từ 9,7 triệu đồng/người/tháng năm 2022 giảm xuống 9,5 triệu đồng).
“Đây là sự cố gắng hết sức của doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn phải “thắt lưng buộc bụng”, doanh nghiệp phải hy sinh lợi nhuận, cổ tức để chi trả cho người lao động”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ, khó khăn nhưng Tập đoàn vẫn dành gần 110 tỷ đồng chăm lo cho người lao động. Các doanh nghiệp nỗ lực tìm các giải pháp ổn định việc làm, đời sống và chăm lo cho người lao động trong dịp Tết nguyên đán. Theo thống kê sơ bộ, bình quân lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động ước đạt gần 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương.
CẦN CÁC GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG VỚI THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỊNH
Năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn. Ngay trong quý 1/2024 tình hình cũng chưa có nhiều thay đổi. Tháng 10/2023 khi thị trường ấm lên được 2 tuần thì lại diễn ra chiến tranh giữa Israel và Hamas, chiến sự khi Hoa Kỳ lập liên quân 20 nước bảo vệ Biển Đỏ…. những diễn biến này không thể dự báo được. Điều này khiến nhiều hãng vận tải lớn trên thế giới không đi qua Biển Đỏ, đẩy chi phí logistics tăng cao.
“Đây lại là diễn biến địa chính trị rất không vui trong những ngày đầu tiên của năm 2024 khi có tín hiệu một số nước hạ cánh mềm, thị trường có dấu hiệu hồi phục”, ông Hiếu nói.
Nói như vậy để thấy, việc nhận định được thị trường trong bối cảnh hiện nay rất khó, nó có thể thay đổi theo tuần, có thể tuần này đơn hàng tốt nhưng chỉ tuần sau lại chững lại ngay.
Song các dự báo đều thắp những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.
Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam.
Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 01/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…
Chính vì vậy, trên cơ sở của bài học năm 2023 và các dự báo 2024, Vinatex vẫn kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới; kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định… Bên cạnh đó, tiếp tục ứng phó một cách chủ động với diễn biến phức tạp của thị trường.