Ngành mía đường quyết tâm phục hồi lại vùng nguyên liệu
Niên vụ chế biến đường 2022/23 sẽ bắt đầu từ tháng 11, dự kiến diện tích mía thu hoạch niên vụ mới là 151.305 ha, sản lượng mía đưa vào chế biến 8.764.277 tấn, sản lượng đường khoảng 870.930 tấn. Ngành mía đường Việt Nam phấn đấu đến 2025 phục hồi vùng nguyên liệu mía quy mô 250.000 ha, đến 2028 đạt quy mô 300.000 ha…...
Trong 2 ngày 21-22/10/2022, Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2021/22, triển khai sản xuất vụ 2022/23.
TÁI DIỄN TÌNH TRẠNG TRANH MUA MÍA NGUYÊN LIỆU
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng diện tích trồng mía vụ 2021/22 là 146.938 ha, giảm 3,9% so với vụ 2020/21 là 152.891 ha. Năng suất mía bình quân vụ 2021/22 đạt 64,6 tấn/ha, tăng 2,5% so với vụ 2020/21 là 63,0 tấn/ha. Tuy nhiên do diện tích trồng mía giảm, dẫn tới sản lượng mía vụ 2021/22 đạt 9.496.358 tấn giảm 1,4% so với 9.635.607 tấn của vụ 2020/21.
Về cơ giới hóa trong canh tác mía, theo khảo sát của các địa phương, hiện nay tỷ lệ cơ giới khâu làm đất đạt rất cao (trên 90%), tuy nhiên, khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, thu hoạch còn rất hạn chế.
“Chính tình trạng tranh mua mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các nhà máy đường thông qua chính sách “ngầm” đã và đang gián tiếp phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy đường với nông dân trồng mía, gây bất ổn định cho sự phát triển của các vùng mía tập trung”.
Báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Một số doanh nghiệp lớn ở những địa phương có khả năng dồn điền đổi thửa tạo cánh đồng lớn đã có sự đầu tư thiết bị máy móc thực hiện cơ giới hóa tương đối đồng bộ, chuyên nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch tạo được hiệu quả cao, giảm chi phí trong sản xuất. Hiện nay, cả nước đã có trên 50 máy thu hoạch mía liên hợp, đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu thu hoạch mía bằng máy.
Một số doanh nghiệp mía đường đã ứng dụng các công nghệ 4.0 trong sản xuất mía nguyên liệu, sử dụng dữ liệu hình ảnh vệ tinh, hình ảnh do drone chụp, thời tiết và dữ liệu nông học đặc thù tại tại từng khu vực canh tác mía,… để thiết lập nên các ứng dụng đa phương tiện hay tiện ích trên máy tính bảng, điện thoại thông minh, giúp doanh nghiệp và nông dân dễ tiếp cập và sử dụng để xác định thời điểm làm đất, bón phân, phun thuốc và thu hoạch từ kết quả dự báo thời tiết tại từng khu vực.
Hiện diện tích mía trồng mới sử dụng hom mía giống sạch bệnh 3 cấp cả nước còn khá hạn chế, chỉ đạt khoảng 13 dưới 10% diện tích, phần còn lại chủ yếu vẫn sử dụng mía thịt (mía nguyên liệu) làm giống. Việc sử dụng mía thịt làm giống tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sâu bệnh phát sinh gây hại, cũng như làm giảm năng suất, chất lượng mía nguyên liệu.
Trong năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 16/06/2021 áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan và các nhà máy đường nâng giá mua mía trong vụ 2021/22 cao hơn 100.000 – 150.000 đồng/ tấn mía, cũng là động lực để nông dân tăng cường đầu tư thâm canh, tăng năng suất mía.
Báo cáo của Hiệp hội Mía đường nhận định: “Do diện tích mía nguyên liệu giảm, giá đường, giá mía tăng, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng, bao gồm vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả đồng băng sông Cửu Long. Từ đó dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như việc “cho chữ”, “cho tạp chất”, “cho cước”, “cho nước”,... của các nhà máy đường đối với nông dân và thương lái mía để tranh mua mía nguyên liệu”.
CẦN MINH BẠCH KHÂU PHÂN TÍCH CHỮ ĐƯỜNG
Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, vụ sản xuất đường 2021/22, lượng nguyên liệu đưa vào chế biến đạt 7.523.728 tấn mía, tăng 11,64% so với 6.739.417 tấn mía của vụ 2020/21. Có 24 nhà máy hoạt động, sản lượng đường sản xuất được là 949.219 tấn, trong đó đường sản xuất từ mía là 746.899 tấn, còn lại là từ đường thô nhập khẩu (202.320 tấn), tăng 57.069 tấn, tương đương 8,27% so với vụ trước".
Trong vụ chế biến 2022/23, dự kiến 24 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2021/22, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày. Diện tích mía thu hoạch dự kiến 151.305 ha, sản lượng mía đưa vào chế biến 8.764.277 tấn, sản lượng đường dự báo 870.930 tấn.
Các doanh nghiệp ngành Mía đường đã thống nhất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong niên vụ tới. Để bảo đảm phát triển bền vững, ngành Mía đường Việt Nam cần có các biện pháp phù hợp để củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh cây trồng ngày càng gia tăng tại các địa phương.
"Các doanh nghiệp Mía đường cũng cần chung tay xây dựng thị trường đường lành mạnh phát triển hài hòa Biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành đường đã được thiết lập không chỉ chống bán phá giá, chống trợ cấp mà còn đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường theo đúng quy định".
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tân Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Đó là, phải minh bạch hóa khâu phân tích chữ đường (CCS) và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường, tạo sự tin tưởng của nông dân đối với nhà máy đường, để nông dân yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất và chữ đường, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người nông dân trồng mía, doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng.
Cần xây dựng các nguyên tắc để thống nhất trong Hiệp hội về các biện pháp đối phó với hiện tượng những nhà máy tranh mua mía được đầu tư bởi nhà máy khác.
Trước kia, diện tích trồng mía của nước ta thời kỳ hưng thịnh đã vượt trên 300.000 ha, nhưng suốt nhiều năm qua, hơn một nửa diện tích đất trồng mía đã bị nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Vì vậy, cần phải giành lại đất cho cây mía. Ngành Mía đường Việt Nam phấn đấu đến đến 2025 phục hồi vùng nguyên liệu mía quy mô 250.000 ha, đến 2028 đạt quy mô 300.000 ha.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam đặt mục tiêu phát triển giống mía chữ đường cao để đến năm 2025 đạt 95% mức thu hồi đường hiện nay của Thái Lan, đến 2030 đạt 100% mức thu hồi đường hiên ̣nay của Thái Lan.
Để ngành mía đường Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển nêu trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía 3 cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm.
Đề xuất bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng hỗ trợ bảo hiểm khi xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng đến người nông dân trồng mía theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/04/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.
Đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Hiệp hội Mía đường Việt Nam thiết lập hệ thống Quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đường quy mô quốc gia để có thể quản lý, đánh giá và nhận diện được các mặt hàng đường nhập lậu và gian lận thương mại lưu hành trên thị trường.
Ngày 21/10/2022, Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2022-2026). Ông Nguyễn Văn Lộc được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.