Ngành thời trang xa xỉ Pháp vui mừng khi ông Macron tái đắc cử
Ông Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp mới đây. Chiến thắng của ông trước bà Marine Le Pen được nhiều người trong ngành công nghiệp xa xỉ hoan nghênh…
Ông Emmanuel Macron, 44 tuổi, đại diện cho đảng Cộng hòa Tiến bước theo xu hướng trung dung, là Tổng thống mãn nhiệm đầu tiên tái đắc cử kể từ sau nhiệm kỳ của cố Tổng thống Jaques Chirac (2002 - 2007). Ngay sau khi các kết quả được công bố, Tổng thống Macron đã có bài phát biểu dưới chân tháp Eiffel ở thủ đô Paris. Xuất hiện trước đông đảo công chúng và người ủng hộ, ông Macron diện một bộ suit màu xanh navy với sơ mi trắng và cà vạt đen.
Trong khi đó, đệ nhất phu nhân Brigitte Macron, được biết đến là fan hâm mộ của Louis Vuitton, đã đứng bên cạnh và nắm chặt tay chồng trong khi diện một chiếc áo khoác màu xanh hải quân có cổ áo và một hàng cúc màu bạc của thương hiệu này. Ngay lập tức, Giám đốc sáng tạo của Balmain, Olivier Rousteing và nhà thiết kế Simon Porte Jacquemus là những người đầu tiên đã đăng bài ủng hộ ông Emmanuel Macron trên Instagram.
Theo Vogue Business, trong suốt những ngày tranh cử, ngành công nghiệp xa xỉ Pháp đã phải nín thở. Theo nhà phân tích Edouard Aubin của Morgan Stanley, Pháp chỉ chiếm 5% tổng chi tiêu cho hàng xa xỉ vào năm 2021, nhưng quốc gia này là quê hương của những ông lớn nặng ký nhất, bao gồm tập đoàn LVMH - công ty mẹ của Louis Vuitton và Dior, và Kering - công ty mẹ của Saint Laurent và Balenciaga. Theo Liên đoàn Haute Couture & Fashion Pháp, ngành công nghiệp thời trang Pháp chiếm 150 tỷ euro doanh thu trực tiếp, 1 triệu việc làm và 2,7% GDP quốc gia.
Chính sách tự do cơ bản của ông Macron đã được các doanh nghiệp lớn và nhỏ ưa chuộng. Ngành công nghiệp thời trang đã ca ngợi các chính sách hỗ trợ của Macron đối với việc học nghề, vốn là chìa khóa cho nghề thủ công xa xỉ. Tổng thống Pháp cũng đã thông qua một đạo luật vào năm 2020 để giúp tuyển dụng nghệ nhân, khi ngành công nghiệp này cần thêm 20.000 nghệ nhân mỗi năm để duy trì nhu cầu từ người tiêu dùng xa xỉ Mỹ và Trung Quốc.
Chương trình nghị sự của ông Macron cũng đã thúc đẩy nguồn tài chính đáng chú ý cho các công ty khởi nghiệp thời trang của Pháp thông qua ngân hàng đầu tư công BPI, và trợ giúp các doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch với kế hoạch “thất nghiệp một phần”. LVMH, Kering, Chanel và Hermès đã không tận dụng chính sách này, nhưng nhiều công ty nhỏ hơn đã hưởng lợi rất nhiều.
Đối với doanh số bán hàng xa xỉ của Pháp, hình ảnh của nước Pháp thông qua phong cách thời trang của các chính khách cũng rất quan trọng. Matthieu Chaigne, đối tác tại BVA, một cơ quan thăm dò dư luận và nghiên cứu có trụ sở tại Paris, cho biết: “Ở ông Emmanuel Macron toát lên sự trẻ trung, hiện đại trong khi vẫn có phong thái lãnh đạo, cả khi ông ở Pháp và nước ngoài. Mới gần đây thôi, ông Macron đi dọc bãi biển Le Touquet với vợ, đội mũ lưỡi trai, mặc quần jean denim và áo hoodie màu cờ Pháp. Phong cách và trang phục của ông ấy đều rất có tính toán”.
Nhìn lại các cuộc bầu cử, những ứng viên tổng thống nữ luôn tìm cách thu hút sự chú ý của công chúng qua trang phục, cách chọn phụ kiện. Trong khi đó, những ứng viên nam thường không quá coi trọng vấn đề này. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử vừa qua tại Pháp, ông Emmanuel Macron đã tạo nên sự khác biệt. Sau khi giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Emmanuel Macron chia sẻ hình ảnh diện sơ mi trắng buông cúc, để lộ một phần bộ ngực, đang ngồi cười thoải mái và thư giãn ở sô pha.
Nhiều phương tiện truyền thông đã tích cực chia sẻ lại khoảnh khắc này. Một số tài khoản trên mạng xã hội so sánh hình ảnh của tổng thống Pháp với các diễn viên và nhân vật trong phim. Các chuyên gia cho rằng bức ảnh hậu trường ấy đã được chia sẻ nhằm mục đích thu hút cử tri trẻ tuổi trước vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
Trong những lần xuất hiện thông thường, ông Emmanuel Macron thường diện vest đen hoặc tông xanh. Trang phục của ông được thiết kế riêng, phối cùng sơ mi trắng và cà vạt cùng màu. "Các chính trị gia Pháp muốn sành điệu nhưng không quá nổi bật," nhà thiết kế suit Charles Sébline cho biết. Charles Sébline hiện làm việc tại Paris, bộ sưu tập mới của anh sẽ ra mắt trên Net-a-Porter trong tháng này. "Tôi không nghĩ bất kỳ bộ trang phục nào mà chính trị gia Anh mặc sẽ phù hợp khi ở Pháp. Đó là một ngôn ngữ trang phục hoàn toàn khác. Cá nhân tôi nghĩ ông Macron đã lựa chọn cà vạt và áo sơ mi rất phù hợp với ông ấy và với thời điểm này".
Benjamin Simmenauer, giáo sư tại Viện nghiên cứu Thời trang Pháp (Français de la Mode) cho biết ông Macron quan tâm tới ngành thời trang, góp phần làm mạnh đồng nội tệ của ngành về cả quyền lực và ảnh hưởng văn hóa. Ông đã hai lần tổ chức bữa tối tại Điện Élysée cho các nhà thiết kế trong nhiệm kỳ tổng thống trước của mình. Năm ngoái, ông cũng đã tham dự lễ khánh thành cửa hàng bách hóa xa xỉ La Samaritaine của LVMH ở Paris và vào tháng 1 năm nay, là Chanel’s 19M - tòa nhà mới của Chanel. Bộ trưởng Kinh tế Pháp do ông bổ nhiệm, Bruno Le Maire, gần đây đã tới tham quan hai xưởng chế tác da thuộc mới khánh thành của thương hiệu Louis Vuitton.
Ông Bruno Le Maire, bàn tay đeo găng trắng, xem xét chiếc túi xách Capucines bằng da cá sấu của Louis Vuitton, trong lúc lắng nghe nhân viên của hãng giải thích về công đoạn 350 bước để chế tác nên chiếc túi này. “Tôi chúc mừng sự thành công của tập đoàn LVMH, một điều rất tốt cho nước Pháp,” Bộ trưởng Kinh tế Pháp nói về việc tập đoàn đã thu nạp và đào tạo 1.800 nghệ nhân trong vòng 5 năm qua. “Tại xưởng chế tác mới này, có thể thấy rõ niềm tự hào của mỗi nghệ nhân khi chế tác túi xách Louis Vuitton, bảo chứng cho chất lượng Pháp vượt trội, luôn luôn đề cao tính thủ công hơn là chế tác công nghiệp hàng loạt”.
“Ông Emmanuel Macron biết rõ về ngành của chúng tôi,” Bénédicte Epinay, Giám đốc điều hành của hiệp hội công nghiệp xa xỉ Comité Colbert cho biết. “Dưới thời tổng thống của ông ấy, có hai đạo luật rất quan trọng với chúng tôi đã được thông qua, một là về tuyển dụng người học nghề, một luật khác cho phép các nhà mốt được cung cấp chứng chỉ với sự công nhận của các cơ quan công quyền".
Trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp mới đây, 130 giám đốc điều hành, doanh nhân và nhà đầu tư đã ký một biên bản đăng trên tờ báo kinh tế Les Echos của Pháp để bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên Macron. Nicolas Santi-Weil, Giám đốc điều hành của thương hiệu thời trang Pháp Ami, Sébastien Fabre, đồng sáng lập Vestiaire Collective và thương hiệu mỹ phẩm Agua Blanca, cũng nằm trong số đó. “Ông Emmanuel Macron đã làm rất nhiều để thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong ngành hàng xa xỉ cũng như công tác đào tạo nghệ nhân trẻ. Điều này đã giúp ngành công nghiệp thời trang tuyển dụng được những người trẻ tuổi và có nền tảng đa dạng hơn,” ông Santi-Weil nói.
Còn ông Fabre thì khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Pháp đã trở thành một trong những nơi quyến rũ nhất trên thế giới đối với các doanh nhân thời trang”.