Ngập ngừng vùng đỉnh, cổ phiếu điều chỉnh trước chỉ số
Lực cầu giá cao đã suy yếu đáng kể trong phiên sáng nay trong khi nhu cầu chốt lời tăng lên khiến thị trường đỏ nhiều hơn xanh. VN-Index có hai nhịp trượt giảm xuống dưới tham chiếu, suýt cắt nhịp 7 phiên tăng liên tục, nhưng may mắn vẫn còn một số trụ nâng đỡ...
Lực cầu giá cao đã suy yếu đáng kể trong phiên sáng nay trong khi nhu cầu chốt lời tăng lên khiến thị trường đỏ nhiều hơn xanh. VN-Index có hai nhịp trượt giảm xuống dưới tham chiếu, suýt cắt nhịp 7 phiên tăng liên tục, nhưng may mắn vẫn còn một số trụ nâng đỡ.
Chỉ số chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,95 điểm (+0,07%) với 5/10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index vẫn đang xanh, duy nhất FPT giảm 095% và GVR giảm 0,92%. Đáng tiếc ảnh hưởng của FPT lên VN30-Index quá mạnh, khiến chỉ số này đã thủng tham chiếu 0,04%.
Diễn biến giá cổ phiếu tệ hơn VN-Index khá nhiều. Lúc chỉ số tăng cao nhất khoảng 10h20, tăng gần 4,3 điểm, độ rộng ghi nhận 204 mã tăng/165 mã giảm. Tuy nhiên đến cuối phiên chỉ còn 172 mã tăng/233 mã giảm. Mặc dù biên độ giảm vẫn chưa mạnh nhưng độ trượt giá thì không nhỏ.
Thống kê trên sàn HoSE có khoảng 37% cổ phiếu phát sinh giao dịch sáng nay đã trượt giá tối thiểu 1% so với đỉnh. Trong nhóm VN30 cũng có một số mã lao dốc khá mạnh: GVR đảo chiều 1,7% so với mức cao nhất giữa phiên, thành giảm 0,92% so với tham chiếu; TCB đảo chiều 1,1% thành giảm 0,64%; POW đảo chiều 1,3% thành giảm 0,65%. Những mã còn xanh như HPG +0,69% thực ra cũng đã tụt khoảng 1,02% so với đỉnh; VRE để mất 1,19% thu hẹp mức tăng còn 1,46%.
Khá nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh rõ ràng và dao động rất rộng. DBC là ví dụ, khớp lệnh 211,8 tỷ đồng nhưng giá từ chỗ tăng 2,05% thành giảm 0,82%. DBC mức cao nhất sáng nay đã kiểm định lại đỉnh cao hồi tháng 6 vừa qua. CSM, MIG, TNH, VOS, DCM, DPG… những cổ phiếu tăng tốt vài phiên trước cũng đảo chiều biên độ lớn từ tăng thành giảm.
Hiện tượng chốt lời vùng giá cao nói trên cũng không có gì bất thường vì VN-Index đã tăng liền 7 phiên, quay trở lại vùng đỉnh cũ. Khả năng vượt đỉnh là có, nhưng chưa có gì đảm bảo chắc chắn, trong khi đó nhiều cổ phiếu đầu cơ đã đem lại lợi nhuận tốt. Nhà đầu tư hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống cũng là một biện pháp giảm rủi ro.
Sức ép từ bên bán lên giá vẫn chủ đạo là ở vùng giá xanh, một phần vì thời gian trượt giá chỉ từ khoảng 10h30 trở đi, chưa đủ dài để gây tác động rõ rệt. Giá cần thời gian để trượt từ đỉnh cao xuống và đến cuối phiên sáng sàn HoSE cũng chỉ mới có 47 cổ phiếu giảm quá 1% so với tham chiếu. Số này lại duy nhất 2 mã thanh khoản trên trăm tỷ đồng là MWG và HAH, còn lại giao dịch trung bình tới nhỏ (9 mã khớp từ 10 tỷ đồng tới khoảng 50 tỷ đồng).
Tổng thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE đã giảm tới 25% so với sáng hôm qua, còn 7.692 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu tuần. Tính cả HNX giao dịch cũng giảm hơn 24%, đạt 8.291 tỷ đồng. Giao dịch giảm và giá trượt xuống là một biểu hiện của lực cầu yếu. Điểm tốt là nhóm thu hút dòng tiền tốt nhất thị trường vẫn xanh nhiều hơn đỏ: Toàn sàn HoSE có 16 cổ phiếu đạt giá trị khớp lệnh hơn 100 tỷ đồng thì chỉ 5 mã đỏ, trong đó duy nhất MWG, HAH giảm hơn 1%.
Nhóm cổ phiếu nhỏ cũng không còn mạnh như trước, dù vẫn có một số mã xuất sắc. HAX, VTO, CSV, VIP vẫn kịch trần với thanh khoản tốt. NTL, TLH, CKG, LSS, BFC, CMG, AGG, HSG, EIB, PLX đều tăng hơn 2%.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì cường độ bán ròng cao, sáng nay HoSE bị rút thêm 523,9 tỷ đồng nữa. Các mã bị bán nhiều là FPT -187,3 tỷ, MWG -95,8 tỷ, TCB -73 tỷ, DBC -45,4 tỷ, VNM -24,6 tỷ, HDB -23 tỷ. Bên mua có MBB +104,3 tỷ là đáng kể nhất.