Nghệ An: Hơn 11.700 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong nửa đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 11.734 người, tăng 9,03% so với cùng kỳ năm 2022…
Tình trạng doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, việc làm do bị giảm đơn hàng đã ảnh hưởng đến công tác giải quyết việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
PHẦN LỚN NGƯỜI HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP LÀ LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 14.639 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 310.000 lao động. Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
6 tháng đầu năm 2023, có 32 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, chủ yếu lĩnh vực may mặc, da giày, điện tử (6.237 lao động bị giảm giờ làm, 2.307 lao động chấm dứt hợp đồng lao động) do bị giảm đơn hàng; một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thời điểm phải bố trí cho lao động ở một số bộ phận nghỉ không hưởng lương…
Tình trạng trên ảnh hưởng đến công tác giải quyết việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp nhưng áp lực rất lớn cho việc kết nối cung - cầu lao động.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 11.734 người (tăng 9,03% so với cùng kỳ năm 2022 là 10.762).
Trong đó, lao động Nghệ An từ các địa phương khác về là 6.406 người, chiếm 54.59% (giảm 11,05% so với cùng kỳ năm 2022 là 7.202 người), lao động trong tỉnh là 5.328 người, chiếm 45,41% (tăng 49,66% so với cùng kỳ năm 2022 là 3.560 người).
Người lao động thất nghiệp phần lớn là lao động phổ thông, chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, đã từng làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh,…
NHIỀU GIẢI PHÁP LINH HOẠT KẾT NỐI CUNG – CẦU
Cùng với thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động thông qua qua nhiều kênh như: Zalo, Website,... tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp đến tận thôn, bản các địa phương đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Nghệ An đã giải quyết việc làm cho 26.950 người (đạt 62,67% kế hoạch, bằng 90,17% cùng kỳ năm 2022), trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 7.167 người, giải quyết việc làm ngoại tỉnh 8.998 người, đưa được 11.500 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 79,31% kế hoạch, tăng 73.55% so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, bằng nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, lần đầu tiên, Nghệ An đứng top 10 các địa phương thu hút vốn FDI, vì vậy tác động tích cực đến thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội.
6 tháng đầu năm 2023, có 318 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đăng ký qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, số lao động cần tuyển là 49.368 người, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, 290 doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển 20.981 lao động, 28 doanh nghiệp ngoại tỉnh có nhu cầu tuyển 28.387 lao động. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là rất lớn.
Riêng các khu công nghiệp: VSIP I, Nam Cấm, Bắc Vinh; WHA, Hoàng Mai I và Hoàng Mai II và Khu công nghiệp Thọ Lộc với các dự án đang triển khai như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT, Foxconn, Huali,… cần khoảng hơn 40.000 lao động.
Để thực hiện tốt công tác tạo việc làm, hỗ trợ cho người lao động trong 6 tháng cuối năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nắm chắc tình hình lao động Nghệ An làm việc tại các tỉnh, thành và lao động các tỉnh thành tại Nghệ An.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt kết nối giữa doanh nghiệp, người lao động và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.