Nghị quyết 41: “Món quà” đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp dịp “Tết doanh nhân” 2023
Nghị quyết 41 mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045…
Như một món quà đặc biệt dành tặng cho cộng đồng doanh nghiệp dịp Tết doanh nhân năm nay, ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm.
PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN LỚN MẠNH VỀ SỐ LƯỢNG, CHẤT LƯỢNG
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 41 là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng. Cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng. Năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến. Tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc. Có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đónggóp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Nghị quyết 41 đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới. Một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Mục tiêu đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
7 GIẢI PHÁP HIỆN THỰC HOÁ MỤC TIÊU
Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết 41 đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đồng bộ, bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị… về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân. Vận động đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Trong đó, khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.
Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp. Nghiên cứu triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng…
Thứ ba, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.
Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Thứ tư, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Thứ năm, tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ sáu, phát huy vai trò của VCCI, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.
Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
MỞ ĐẦU CHO MỘT GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ CỦA DOANH NHÂN VIỆT NAM
Vui mừng đón chào Nghị quyết mới, tại Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam, kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra vào sáng 11/10 tại Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết 41) thay cho Nghị quyết 09 là món quà hết sức đặc biệt từ Đảng, Nhà nước dành cho giới doanh nhân Việt Nam trong dịp “Tết doanh nhân” năm nay.
Người đứng đầu VCCI cho rằng Nghị quyết mới của Bộ Chính trị có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đây không chỉ là những nội dung mới mà còn rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội.
Cũng trong chiều cùng ngày (11/10), tại cuộc gặp mặt giới doanh nhân Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch VCCI một lần nữa khẳng định, Nghị quyết chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng đất nước, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn và cùng khẳng định rằng sẽ nỗ lực vươn lên, đoàn kết, hợp tác dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn hiện nay cũng như trong tương lai để cũng nhân dân cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Đánh giá về nghị quyết này, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết bên cạnh việc kế thừa những nội dung còn nguyên giá trị của Nghị quyết 09-NQ/TW, Nghị quyết 41 cũng đưa ra những nội dung mới trong quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, về quan điểm, Nghị quyết 41 xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng. Đây là điểm tương tự Nghị quyết 09 nhưng có bổ sung thêm “là một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Ở Nghị quyết 41 mới này đã khẳng định, yêu cầu các cấp ủy đảng có trách nhiệm xem xét, đánh giá tôn vinh, động viên và cổ vũ kịp thời các doanh nhân có đóng góp”, ông Đỗ Ngọc An nhấn mạnh.
Nghị quyết đã xác định quan điểm phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân.