Nghiên cứu của Anh: Miễn dịch từ vaccine Covid-19 giảm dần theo thời gian
“Bởi thế, các chiến dịch tiêm chủng chống lại Sars-CoV-2 có thể phải duy trì trong nhiều năm tới"...
Có một khả năng cao là sự bảo vệ mà vaccine Covid-19 mang lại nhằm chống sự lây nhiễm virus Sars-CoV-2, thậm chí chống lại nguy cơ nhiễm bệnh thể nặng, giảm dần theo thời gian.
Các nhà khoa học Anh đã đưa ra nhận định trên và dự báo rằng các chiến dịch tiêm chủng sẽ phải tiếp tục trong những năm sắp tới.
“Nhiều khả năng miễn dịch được tạo ra bởi vaccine để chống lại Sars-CoV-2, và chống lại việc bị bệnh thể nặng, sẽ giảm theo thời gian”, các nhà khoa học nhận định trong một báo cáo gửi tới Nhóm cố vấn khoa học về tình trạng khẩn cấp (SAGE) của Chính phủ Anh. Báo cáo nói rằng miễn dịch vaccine chống lại bệnh nặng sẽ giảm ở mức độ ít hơn so với sự bảo vệ chống lại lây nhiễm nói chung.
“Bởi thế, các chiến dịch tiêm chủng chống lại Sars-CoV-2 có thể phải duy trì trong nhiều năm tới. Nhưng hiện tại, chúng ta chưa biết tần suất tiêm nhắc lại như thế nào là tối ưu để bảo vệ những người dễ tổn thương khỏi Covid”, các nhà khoa học nói.
Tác giả của báo cáo mang tên “Vaccine sẽ tiếp tục bảo vệ khỏi Covid trong bao lâu?” là các nhà virus học và dịch tễ học nổi tiếng thuộc Đại học Hoàng gia London, Đại học Birmingham, và cơ quan y tế cộng đồng Public Health England.
Đến nay, Anh đã phê chuẩn và đang sử dụng 3 loại vaccine Covid, gồm của vaccine của các hãng Oxford/AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, và Moderna, cho chiến dịch tiêm chủng khởi động vào tháng 11/2020.
Theo báo cáo trên, dữ liệu thế giới thực cho thấy những vaccine này đạt hiệu quả lên tới 95%, thậm chí hoặc hơn, đối với biến chủng Alpha – loại phổ biến ở Anh vào đầu năm 2021, nhưng khả năng chống mắc và truyền bệnh là thấp hơn.
Điều này có nghĩa là hiệu quả của vaccine trong việc chống bệnh thể nặng vẫn cao, nhưng hiệu quả chống lây nhiễm và bệnh thể nhẹ có thể giảm dần.
Báo cáo nói rằng các dữ liệu và bằng chứng thu thập được ở Anh và Israel – hai nước đi đầu thế giới trong việc tiêm chủng ngừa Covid – là cơ sở cho đánh giá trên.
Israel sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ ba vaccine Pfizer/BioNTech cho người trên 60 tuổi, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm nhắc lại vaccine Covid, nhằm ngăn ngừa sự lây lan của biến chủng Delta.
Từ khi biến chủng này xuất hiện, Bộ Y tế Israel đã hai lần báo cáo về sự suy giảm hiệu quả vaccine trong chống lây nhiễm và thể bệnh nhẹ, nếu so với khả năng chống thể bệnh nặng.
Trong một báo cáo khác gửi tới Chính phủ Anh vào hôm 22/7, các nhà khoa học nói có một “khả năng thực tế” là các biến chủng mới của Sars-CoV-2 có thể xuất hiện, dẫn tới nhiễm bệnh nặng hơn trên diện rộng, hoặc làm mất hiệu quả của những vaccine hiện có.
Nếu những biến chủng như thế xuất hiện, các quốc gia có thể sẽ phải thắt chặt kiểm soát và phong toả, đặt ra những hệ luỵ khó lường về mặt kinh tế.