Nghiên cứu độc lập: Khi nào có thể kiểm soát làn sóng Covid thứ 4 tại Việt Nam?
Dự báo đỉnh dịch nằm ở tuần thứ 3 hoặc 4 tháng 5/2021 với số ca nhiễm mỗi ngày có thể nằm trong khoảng 150-210 ca. Dịch có thể kết thúc vào giữa hoặc cuối tháng 6/2021 với tổng cộng từ 4.100 đến 6.600 ca nhiễm...
Một nhóm chuyên gia độc lập với người đứng đầu là Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock, Trường đại học Sydney vừa đưa ra một dự báo được xem là kịch bản khả dĩ nhất trong hai kịch bản dự báo diễn biến của đợt bùng phát dịch lần thứ tư này tại Việt Nam.
Đối với những người làm trong ngành y tế chắc hẳn vẫn nhớ tới cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 3/2021 của VTV với vị chuyên gia này, khi đợt dịch thứ ba đang bùng phát tại Hải Dương. Những nhận định và khuyến cáo của những người có chuyên môn sâu về dịch bệnh giúp ích cho việc ra quyết định ảnh hưởng tới chính sách, biện pháp chống dịch cũng như hành động của người dân nên như thế nào.
NHIỀU VÒNG LÂY NHIỄM, DỊCH DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Theo nhận định của nhóm chuyên gia, đợt dịch này có thể bắt đầu từ khoảng tuần thứ 1, 2 của tháng 4/2021.Thực tế xác nhận, ca bệnh đầu tiên bắt đầu từ ngày 27/4/2021, là nhân viên của khách sạn Như Nguyệt 2, Tp.Yên Bái - nơi đoàn chuyên gia Ấn Độ đến cách ly. Diễn biến sau đó, số ca lây nhiễm trong nước tăng rất nhanh, tính đến 18 giờ ngày 23/5/2021 đã ghi nhận 2.164 ca và dịch đã lan rộng ra các tỉnh, thành phố.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, đợt dịch thứ tư xuất hiện nhiều vòng lây nhiễm. Đồng thời, nhiều ổ dịch, bắt nguồn từ các ca bệnh nhập cảnh nhưng không tuân thủ việc cách ly chặt chẽ, hoặc nhập cảnh trái phép, nên đã có mầm bệnh âm thầm trong cộng đồng. Thực tế, kết quả giải trình tự gene của một số ca bệnh cho biết đó là các chủng virus biến thể B.1.167.2 (Ấn Độ) và B.1.1.7 (Anh). Đó là các chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam càng khẳng định thêm nghi ngờ này.
Vẫn theo nhận định của nhóm chuyên gia, người dân nào đó vô tình bị lây nCoV từ những ca bệnh nhập cảnh, rồi tới bệnh viện khám bệnh và làm lây lan virus trong các bệnh viện. Bệnh viện trở thành ổ dịch và cứ thế tiếp tục lây ra ngoài cộng đồng. Quá trình lây lan này đã diễn biến qua nhiều vòng. Từ số liệu được công bố tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương (BV BNĐTƯ) cơ sở 2, nhóm đưa ra một sơ đồ (hình 1) phân tích chuỗi lây nhiễm qua ít nhất 5 vòng như sau:
Ngày 4/5, chùm ca nhiễm tại BV BNĐTƯ được phát hiện sau khi có một ca chỉ điểm từ một bác sĩ của viện có xét nghiệm dương tính nCoV. Đến ngày 11/5, BV BNĐTƯ đã phát hiện hơn 60 bệnh nhân Covid-19, gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang ở viện. Từ các ca nhiễm ở BV BNĐTƯ đã nhanh chóng xuất hiện thêm chùm 11 ca nhiễm tại BV cơ sở Tân Triều. Khi lực lượng chức năng đang triển khai các biện pháp truy vết tại BV BNĐTƯ 2 và BV K thì chuỗi lây nhiễm đã tới Bắc Ninh và Lạng Sơn. Sau đó lan sang Hòa Bình và Bắc Giang. Cũng từ ngày 11/5/2021 tiếp tục xuất hiện đồng thời nhiều ổ dịch khác nữa với khoảng gần 20 chuỗi lây nhiễm. Đầu tiên từ Đà Nẵng với ca bệnh ở khu cách ly trở về Hà Nam và Bar New Phương Đông, Thẩm mỹ viện AMIDA.
Tiếp đến là các ổ dịch ở Yên Bái với ca bệnh từ các chuyên gia Ấn Độ, lây cho các chuyên gia Trung Quốc, lan xuống Vĩnh Phúc và một số địa phương. Sau đó là các ổ dịch bùng phát mạnh tại BV BNĐTƯ 2, BV K... lây lan ra rất nhiều địa phương, tiếp tục tấn công các BV và khu công nghiệp (KCN) các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh...
VÌ SAO CÓ HAI KỊCH BẢN DỰ BÁO DỊCH?
Điều rất đáng quan tâm đến nghiên cứu này là việc dự báo diễn biến của đợt dịch. Theo nhóm nghiên cứu, dựa vào mô hình dự báo dịch SEIQHCDR, có thể hiểu mô hình dự báo này là một hàm toán học liên quan đến rất nhiều dự liệu, đã được thống kê, phân tích cùng các qui trình, chính sách đặc trưng cho ngành y tế... hướng tới điều muốn dự báo.
Như vậy, các số liệu dịch tễ, lâm sàng, xã hội học của Việt Nam đều được nhóm tham khảo phân tích, tổng hợp rồi kết hợp với các dữ liệu từ các nước trên thế giới đưa vào mô hình dự báo. Mô hình dự báo này đã được kiểm chứng qua hai đợt bùng phát dịch lần 2 (tại Đà Nẵng) và lần 3 (Hải Dương), với sai số dưới 5%.
Trên cơ sở mô hình dự báo đó, nhóm đã đưa ra hai kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, các dự liệu đưa vào trên cơ sở giả định: Việt Nam giữ nguyên các biện pháp phòng chống dịch như hiện tại. Các biện pháp truy vết, cách ly tập trung, cách ly y tế vùng dịch và giãn cách xã hội các khu vực có nguy cơ cao, giảm tiếp xúc xã hội ở mức 20% từ ngày 4/5 và 50% từ ngày 9/5 như đã thực hiện một số nơi.
Đây là kịch bản đang sát với tình hình hiện nay, chưa tính đến một số yếu tố sáng tạo trong phòng chống dịch, cách ly, truy vết. Với kịch bản này, dự báo đỉnh dịch nằm ở tuần thứ 3 hoặc 4 tháng 5/2021 với số ca nhiễm mỗi ngày có thể nằm trong khoảng 150-210 ca. Số ca này được xem là số ca tính theo lý thuyết trong mô hình.
Trên đồ thị hình 2, cho thấy dịch có thể kết thúc vào giữa hoặc cuối tháng 6/2021 với tổng cộng từ 4.100 đến 6.600 ca nhiễm. Tuy nhiên, do nhóm nghiên cứu chưa có đủ thông tin chi tiết về dịch tễ các ca bệnh tại ổ dịch ở KCN tại Bắc Giang nên có thể ước tính này chưa phản ánh đúng tình hình nghiêm trọng của đợt dịch.
Kịch bản thứ 2 cũng giả định thực hiện giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc trên quy mô cấp tỉnh, thành, với các tỉnh có nguy cơ cao, số ca nhiễm mới tăng nhanh (giảm tiếp xúc xã hội ở mức 20% từ ngày 4/5, 50% từ ngày 9/5 và 60% từ ngày 24/5).
Như vậy ở kich bản này chỉ thêm giả định giãn cách xã hội tăng lên từ ngày 24/5/2021. So với kịch bản 1, thì đỉnh dịch vẫn như vậy nhưng dịch có thể kết thúc sớm hơn 10 ngày với số ca tích lũy ít hơn, dao động từ tổng cộng 2.900 - 4.500 ca. Điều này cho thấy tác động rất lớn của yếu tố giãn cách xã hội trong mô hình.
Với những dự báo như trên cũng như các khuyến cáo ứng phó phòng chống dịch từ nhóm chuyên gia, có thể nói nước ta đã có một chiến lược chống dịch rất bài bản và khoa học. Khoa học ở chỗ chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch nhưng cũng vừa có độ mở để phát triển kinh tế. Việc chuyển từ phòng chống dịch sang tấn công thể hiện bằng cách làm đúng biện pháp “5 K”, coi đó là vũ khí quan trọng ở bước ngăn chặn dịch khi số người tiêm vaccine đang quá ít là hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người.
Tiếp theo, là các bước phát hiện, khoanh vùng, dập dịch, điều trị và vaccine được tổ chức chặt chẽ, bài bản là cách chống dịch hiệu quả nhất hiện nay của Việt Nam. Thực tế, trong đợt chống dịch này chúng ta đã sáng tạo ra rất nhiều biện pháp khoa học thông minh việc khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị.
Số liệu ca mắc trong nước thực tế theo ngày từ ngày 14/5 đến 23/5 theo thứ tự: 104-165-187-181-152-175-114-131-143-129. Đỉnh dịch là 187 ca vào tuần thứ ba, đang có xu hướng giảm dần. Tổng số ca trong nước từ ngày 27/4 đến 12 giờ ngày 24/5/2021 là 2.253 ca.
Hiện nay với sự tham gia chống dịch tích cực của cả hệ thống chính trị, với sự nỗ lực vượt bậc của ngành y tế, kết quả chống dịch như trên đang cho chúng ta hy vọng khống chế dịch tốt hơn dự báo theo kịch bản 2, kết thúc trước 10 ngày so với kịch bản 1.