Nghiên cứu: Kháng thể chống Covid giảm dần, nhưng hệ miễn dịch có “kế hoạch dự phòng”
Kháng thể chống lại virus Sars-CoV2 giảm dần theo thời gian, nhưng hệ miễn dịch của cơ thể có một kế hoạch dự phòng mà không cần tiêm nhắc lại...
Kháng thể chống lại virus Sars-CoV2 giảm dần theo thời gian, nhưng hệ miễn dịch của cơ thể có một kế hoạch dự phòng không phụ thuộc vào mũi tiêm vaccine nhắc lại - theo các nhà khoa học thuộc Đại học Pennsylvania của Mỹ, nơi công nghệ vaccine mRNA được phát triển.
Nhóm nghiên cứu của Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania đã theo dõi 61 người trong vòng 6 tháng, sau khi những người này được tiêm vaccine Covid công nghệ mRNA. Các nhà khoa học này nhận thấy rằng mức kháng thể do vaccine tạo ra giảm dần, nhưng vaccine đồng thời cũng tạo ra ghi nhớ miễn dịch lâu bền đối với virus corona dưới dạng tế bào B và tế bào T - yếu tố tăng lên theo thời gian để ngăn chặn khả năng nhiễm bệnh thể nặng.
“Điều này có thể gây ngạc nhiên một chút”, ông John Wherry, Giám đốc Viện Miễn dịch học thuộc Đại học Pennsylvania, người cùng công tác tại Trường Y khoa Perelman với nhà khoa học Drew Weissman - người tiên phong về công nghệ mRNA, nhận định với hãng tin Bloomberg.
Kết quả nghiên cứu trên được công bố vào hôm 23/8 để được các nhà khoa học khác rà soát và để xuất bản trên các tạp chí khoa học.
Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy tác dụng của vaccine Covid giảm dần theo thời gian, một phần do biến chủng Delta có tốc độ lây lan mạnh. Điều này khiến nhiều quốc gia lo ngại, đặc biệt là những nước bắt đầu sớm chiến dịch tiêm chủng. Vì thế, nhiều nước như Mỹ và Israel đã đi tới quyết định hoặc cân nhắc tiêm thêm mũi thứ ba để tăng cường mức miễn dịch. Hôm 27/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Chính phủ Mỹ đang xem xét có nên bắt đầu tiêm nhắc lại ngay sau 5 tháng tiêm đủ liều.
Mặc dù mũi tiêm tăng cường hứa hẹn thúc đẩy mức kháng thể và mang lại hiệu quả chống Covid lâu hơn, nhưng cơ thể con người đã có cơ chế hỗ trợ tự nhiên để chống lại Covid ngay cả khi mức kháng thể lưu hành giảm xuống - ông Wherry giải thích.
“Nếu kháng thể suy giảm và bạn bị virus xâm nhập, bạn đã có tế bào nhớ B để làm mới hoặc phản ứng rất nhanh chóng để tạo ra kháng thể trung hoà mới”, ông nói.
Kháng thể trong niêm mạc mũi và cổ họng ngăn chặn virus corona ngay từ lối vào để cơ thể không bị nhiễm bệnh. Khi các kháng thể bảo vệ suy giảm, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng lên, ít nhất cho tới khi kháng thể mới được kích hoạt để phản ứng lại sự xâm nhập của virus.
Nhóm nghiên cứu do ông Wherry đứng đầu nhận thấy rằng tế bào nhớ B tạo ra bởi vaccine mRNA do Moderna và Pfizer/BioNTech sản xuất có vẻ chống lại các biến chủng khác nhau của Covid - gồm Alpha, Beta và Delta - tốt hơn so với tế bào nhớ B được tạo ra ở những người đã từng mắc Covid thể nhẹ.
Ngoài ra, mức độ cao của tế bào T - một dạng tế bào bạch huyết có khả năng tìm và diệt những tế bào nhiễm virus - do vaccine tạo ra được phát hiện trong cơ thể sau 6 tháng tiêm đủ 2 mũi. Nhờ đó, “sự bảo vệ bổ sung được duy trì”, ông Wherry nhấn mạnh.
Những phát hiện này giúp lý giải vì sao tiêm chủng vẫn là cách hiệu quả trong việc chống lại nguy cơ măc Covid-19 thể nặng, phải nhập viện, hoặc tử vong ngay cả khi xảy ra lây nhiễm đột phá - nhiễm bệnh dù đã tiêm đủ vacine.
“Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm hiệu quả vaccine, nếu xét đến khả năng nhiễm Covid, nhưng thực ra, sự miễn dịch là ổn định nếu xét đến tỷ lệ nhiễm bệnh thể nặng”, ông Wherry nói. “Điều này phù hợp với ý kiến cho rằng kháng thể lưu hành sẽ giúp bảo vệ khỏi lây nhiễm, nhưng tế bào nhớ B và tế bào nhớ T - dù có thể không xoá bỏ được khả năng virus xâm nhập vào mũi bạn - thực sự có tác dụng ngăn nguy cơ mắc bệnh thể nặng”.
Miễn dịch “dự phòng” này cũng giúp làm giảm khoảng thời gian triệu chứng ở người mắc Covid, ngăn các triệu chứng chuyển nặng, và giảm nguy cơ truyền Sars-CoV2 sang người khác - ông Wherry nhấn mạnh.
“Những người đã tiêm vacine thực chất không góp phần vào làn sóng lây nhiễm hiện nay, mà đó là những người chưa tiêm”, ông nói. “Nên càng có thêm lý do để tiêm vaccine”.