Nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy và nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy cho người Việt Nam…
Ngày 26/1, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, chủ trì hội nghị.
Biểu dương kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh nhiệm vụ này rất nặng nề, có nhiều việc rất khó, những yếu tố khách quan và chủ quan.
Vừa qua, nhiều vụ đã thu giữ số lượng lớn ma túy đến hàng tấn. Các đối tượng buôn bán ma túy với thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng công nghệ cao để hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy, hoạt động mại dâm... Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo cho trung tâm cai nghiện đủ nhân lực, vật lực để phục vụ cho công tác cai nghiện.
Phó thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại đối với tình trạng người nghiện ma túy, mại dâm, AIDS được phát hiện vẫn chiếm phần nhỏ so với thực tế, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm AIDS cao trong giới trẻ. Tệ nạn mại dâm diễn biến phức tạp, ẩn kín. Không chỉ hoạt động mại dâm trong nước, các đối tượng còn hoạt động mại dâm xuyên biên giới, ở nước ngoài. Trong năm 2023, chúng ta đã làm rất tích cực, mong các bộ, ngành, địa phương quyết tâm hơn, coi việc này là nhiệm vụ quan trọng.
Giao nhiệm vụ cho các thành viên của ủy ban thuộc ban, bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các nhóm việc trọng tâm. Trước hết, các bộ, ngành (nhất là 3 Bộ: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế) cần rà soát lại, thống nhất những quy định, thể chế có liên quan; yêu cầu các bộ, ngành nếu vượt quá thẩm quyền giải quyết phải báo cáo Chính phủ để tháo gỡ ngay.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác cai nghiện. Tùy từng địa bàn, địa phương có chế độ, chính sách đặc thù giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, cai nghiện, phòng, chống ma túy, AIDS, mại dâm… Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần nhân rộng những biện pháp, cách làm hay ở các địa phương; công tác tuyên truyền cần được đa dạng, đổi mới, thấm, ngấm sâu vào tất cả người dân, nhất là giới trẻ, thanh thiếu niên.
Các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, biên phòng, hải quan phải phối hợp với nhau tốt hơn nữa; phối hợp với các cơ quan chức năng của nước ngoài trong phòng, chống ma tuý, mại dâm; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, vận động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống tội phạm ma tuý và mại dâm.
Bên cạnh đó phải làm tốt công tác thống kê số người nghiện; ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả chuyển đổi số, nhất là Đề án 06 của Chính phủ trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm bởi kết quả từ Đề án 06 mang lại vô cùng lớn…
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy và nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy cho người Việt Nam, để có đủ hành lang pháp lý và nguồn lực nâng cao hiệu quả công tác này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, năm 2023, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc đánh giá, số người sử dụng ma túy trên thế giới tăng trung bình 23% sau hơn 10 năm từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người năm 2023.
Tại Việt Nam, do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và khu vực, tội phạm ma túy ở trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Chúng còn trang bị những loại vũ khí quân dụng, manh động, sẵn sàng chống trả, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.
Thông qua công tác đấu tranh, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phát hiện 5 chất mới có tác dụng như nhóm cần sa tổng hợp, không nằm trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định số 57/2022 ngày 25/8/2022 của Chính phủ; phát hiện phương thức sản xuất ma túy mới lần đầu tiên xuất hiện ở Lào, Việt Nam và các nước trong khu vực…
Bên cạnh đó, hiện toàn quốc có hơn 229 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy, trong đó có hơn 43 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy; hơn 170 nghìn người nghiện ma túy. Hàng nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá".
Đây được xác định là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn, gây áp lực cho công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao tội phạm về ma túy, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương.
Đáng chú ý, tình trạng lái xe, nhất là lái xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dương tính với ma túy tiếp tục gia tăng. Hoạt động sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp.
Tình hình trồng trái phép cây có chứa chất ma túy cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên vẫn xảy ra tình trạng gieo trồng cây thuốc phiện, cây cần sa xen lẫn với các loại cây hoa màu, diện tích nhỏ lẻ; trồng cần sa tại các căn hộ khu chung cư...
Trong năm 2023, Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò cơ quan thường trực, làm tốt công tác tham mưu chiến lược cho Chính phủ chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác phòng, chống ma túy;
Tổ chức tốt công tác nắm tình hình, nhận diện, đánh giá, dự báo đúng, từ đó triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng, chống ma túy, phát hiện, đấu tranh và thu giữ khối lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay, góp phần hạn chế "nguồn cung" ma túy...