Nguy cơ hàng chục triệu người không có lương hưu vào năm 2030

Nhật Dương
Chia sẻ

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách Nhà nước thì đến năm 2030, nước ta sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết theo số liệu thống kê, hiện nay số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi là hơn 5,1 triệu người, chiếm 35% so số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Trong đó, có 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 0,63 triệu người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi).

THIẾT KẾ CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI THEO HƯỚNG ĐA TẦNG

Thực trạng nêu trên có thể được lý giải là do theo quy định của pháp luật hiện hành, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khá cao (80 tuổi); thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu khá dài (20 năm), dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu, và cũng chưa đủ điều kiện về tuổi để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách Nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn cả tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ trọng người cao tuổi xu hướng tăng nhanh, trong khi tỷ trọng người trong độ tuổi lao động giảm, kinh nghiệm của các nước thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bao phủ toàn dân cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đảm bảo an sinh cho mọi người dân.

Các nước thành công trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đều thực hiện theo hướng này. Cụ thể, tầng phổ quát do Nhà nước đảm bảo khi người dân đến tuổi già, không có lương hưu do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được hưởng một khoản trợ cấp hưu trí xã hội dưới hình thức trợ cấp tuổi già, phần này do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và bền vững về tài chính, bao gồm cả chế độ hưu trí, tử tuất của bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ở tầng này nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và bền vững tài chính là rất quan trọng. Lợi ích từ tầng này là khiêm tốn vì có sự chia sẻ giữa các thành viên.

Tầng hưu trí bổ sung khi người lao động hoặc doanh nghiệp muốn đóng cho người lao động để được hưởng quyền lợi hưu trí cao hơn, thường do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và các công ty quản lý quỹ đảm nhận.

CẦN HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương và mục tiêu mở rộng bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất một số chính sách cần thiết phải có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước như: Trợ cấp hưu trí xã hội; trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm y tế đối với người hưởng trợ cấp hằng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xẫ hội cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ứng phó hiệu quả với quá trình già hóa dân số, bên cạnh các giải pháp về chính sách, vai trò của Nhà nước hỗ trợ người dân tham gia và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội là nhân tố quyết định.

Mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 8,94 triệu người. Như vậy, để đạt mục tiêu này, trong 6 năm tới phải tăng 25% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 3,84 triệu người.

Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật dự kiến tổng ngân sách dự toán bình quân hàng năm tăng thêm khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.

Hiện nay, do người nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng trước năm 1995 bình quân mỗi năm giảm khoảng 34 nghìn người, tương đương ngân sách Nhà nước giảm chi khoảng 2 nghìn tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, còn giảm chi từ ngân sách Nhà nước do giảm số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công chức, viên chức, người lao động tham gia đóng hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo lộ trình tinh giảm biên chế khoảng 6 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, thực tế ngân sách Nhà nước không phát sinh tăng chi mới nhiều, phần giảm chi so với hiện hành khoảng 2 nghìn tỷ đồng/năm cần được dùng để thiết kế các chính sách nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28- NQ/TW.

Liên quan đến nội dung này, tại Nghị quyết số 114/NQ-CP phiên họp Chính phủ tháng 7/2023 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ cũng thống nhất về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để bổ sung thêm chính sách, tăng thêm quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội, nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân.

 

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn trước năm 2008 khi chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngân sách Nhà nước, diện bao phủ bảo hiểm xã hội luôn ở mức dưới 20% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất thấp, luôn ở mức 0,43% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW đi vào cuộc sống, với sự vào cuộc của các địa phương cùng với chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được triển khai rộng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đã đạt 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2022, trong đó tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3,18%, gấp 7,39 lần so với trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con