Nhà đầu tư xả đột biến cổ phiếu VND, thị trường vẫn phục hồi tích cực
Mặc dù Công ty chứng khoán VNDirect khẳng định sẽ phục hồi được dữ liệu và không ảnh hưởng gì tới tài sản khách hàng nhưng nhà đầu tư vẫn bán tháo dữ dội cổ phiếu VND trên sàn, đẩy giá giảm 3,13%. Thậm chí khối ngoại cũng đang “tháo” ra hơn 14,2 triệu cổ, tương đương 24% tổng thanh khoản, giá trị rút ròng đạt 321,9 tỷ đồng...
Mặc dù Công ty chứng khoán VNDirect khẳng định sẽ phục hồi được dữ liệu và không ảnh hưởng gì tới tài sản khách hàng nhưng nhà đầu tư vẫn bán tháo dữ dội cổ phiếu VND trên sàn, đẩy giá giảm 3,13%. Thậm chí khối ngoại cũng đang “tháo” ra hơn 14,2 triệu cổ, tương đương 24% tổng thanh khoản, giá trị rút ròng đạt 321,9 tỷ đồng.
Diễn biến xấu của VND không ảnh hưởng nhiều tới thị trường, thậm chí cũng không ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu chứng khoán. Sáng nay là phiên giảm thứ 2 liên tiếp ở VND sau khi đã giảm 1,44% hôm qua. Tuy nhiên thanh khoản phiên này đã vọt lên tới 58,77 triệu đơn vị, tương đương giá trị khớp lệnh 1.353,7 tỷ đồng. Mức giao dịch này tăng tới 79% so với sáng hôm qua.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán còn lại nhìn chung vẫn tích cực. Một vài mã ít quan trọng cũng đang đỏ như WSS, APS, BVS, VIG nhưng số còn lại tăng. Các blue-chips khá tốtnhư SSI tăng 0,53%, VCI tăng 1,54%, HCM tăng 1,25%, FTS tăng 1,48%, BSI tăng 1,63%, SHS tăng 1%... Ngoài VND bị xả, nhóm SSI, VIX, VCI cũng đạt thanh khoản trên trăm tỷ đồng.
Sau diễn biến xả hàng và giảm khá mạnh chiều qua, thị trường sáng nay hồi lại. VN-Index tăng 8,24 điểm tương đương +0,65%. Chỉ số vẫn phản ánh áp lực nhất định đầu phiên, lúc 9h26 giảm sâu nhất 3,4 điểm nhưng sau đó blue-chips hồi lại dẫn dắt phục hồi. Độ rộng cũng thay đổi tích cực, chốt phiên sáng HoSE ghi nhận 255 mã tăng/170 mã giảm.
VN30 là động lực của phiên hồi này, chỉ số đại diện rổ tăng 0,68% với 23 mã tăng và duy nhất FPT giảm 0,26%. Nhóm blue-chips này cũng không phải mạnh ngay từ đầu, thậm chí lúc số giảm giá nhiều gấp 3 lần số tăng. Đà phục hồi có dấu ấn khá rõ của nhóm ngân hàng, với VPB dẫn đầu tăng 2,65%. Cổ phiếu này đi ngược dòng sớm và tăng mạnh trong khi nhiều mã ngân hàng khác còn đỏ. Tuy nhiên ảnh hưởng vốn hóa vẫn là BID, giá tăng 1,32%. Ngoài ra trong Top 10 mã dẫn dắt điểm số còn có VCB tăng 0,42%, CTG tăng 0,72%, TCB tăng 1%, MBB tăng 1,01%, LPB tăng 1,81%. Cả nhóm ngân hàng chỉ có EIB là giảm 0,27%. Các blue-chips khác có tác động tốt là HPG, GVR, VNM.
Thanh khoản sáng nay sụt giảm đáng kể ngay cả khi VND giao dịch cực lớn. Chỉ riêng mã này đã chiếm gần 14% tổng giá trị khớp của sàn HoSE. Tuy nhiên NVL lại giảm giao dịch còn lớn hơn mức tăng của VND. Cụ thể, so với sáng hôm qua VND tăng giao dịch khoảng 596,3 tỷ đồng nhưng NVL giảm giao dịch 865,1 tỷ. Tổng khớp sàn này giảm 18% so với sáng hôm qua, đạt 9.857 tỷ đồng, thấp nhất 4 phiên. Nếu tính cả HNX, giao dịch giảm tới 20%, còn 10.740 tỷ đồng.
Điểm tích cực là thanh khoản vẫn đang tập trung vào nhóm tăng giá, dù dòng tiền co suy yếu. VN-Index đang có 85 cổ phiếu tăng trên 1% với thanh khoản tập trung 42% sàn. Phía giảm có 32 mã giảm hơn 1%, thanh khoản chiếm gần 15% sàn. Mở rộng hơn, thanh khoản ở nhóm tăng giá chiếm 71,4% tổng giá trị sàn, nhóm giảm chỉ chiếm 21,4% trong đó gần 2/3 (64%) là giao dịch của VND.
Nhóm tăng giá và thu hút thanh khoản tốt nhất sáng nay vẫn tập trung chủ yếu ở cổ phiếu bất động sản, chứng khoán. NVL, PDR, DXG, TCH, ASM đều tăng trên 1% với thanh khoản vượt 100 tỷ đồng. Ngoài ra có thể kể tới GEX, VIX, VCI.
VN-Index tăng 8,24 điểm sáng nay đã lấy lại khá nhiều so với mức giảm 13,94 điểm hôm qua. Điều này khiến chỉ số vẫn tiếp tục nỗ lực thoát khỏi vùng đỉnh luẩn quẩn kéo dài suốt từ đầu tháng 3. Dù vậy thanh khoản sụt giảm nhiều là một tín hiệu thận trọng, vì lượng cổ phiếu xả ra vẫn có thể gia tăng bất kỳ lúc nào. Nhóm VN30 sáng nay giảm tới 20% thanh khoản còn 2.878 tỷ đồng và ở mức thấp nhất kể từ trước Tết Nguyên đán.
Nhà đầu tư nước ngoài đang ghi nhận bán ròng 199,7 tỷ đồng trên HoSE nhưng chủ yếu là VND. Không có nhiều mã khác bị bán đáng chú ý, cụ thể, MWG -95,3 tỷ, STB -34,3 tỷ, SHB -22,2 tỷ. Phía mua có PDR +94,8 tỷ, VPB +66,8 tỷ, GEX +43,9 tỷ, SSI +20,2 tỷ.