Nhà nước vẫn giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ ngân hàng quốc doanh
Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng vẫn chốt tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu 65% tại các ngân hàng thương mại Nhà nước...
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước sẽ nắm 100% vốn điều lệ, gồm đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh; sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch vụ nổ mìn.
Lĩnh vực truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn; xổ số; in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng; tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo hiểm tiền gửi và mua bán, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng... cũng được Nhà nước giữ 100% vốn.
Nhà nước nắm giữ 100% vốn đối với truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn; xổ số; in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng; tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo hiểm tiền gửi và mua bán, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng...
Kế đó, Nhà nước cũng nắm trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại các lĩnh vực khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị nông thôn; sản xuất hóa chất cơ bản; vận chuyển hàng không; đầu mối nhập khẩu xăng dầu chiếm thị phần từ 30% trở lên; sản xuất thuốc lá điếu...
7 lĩnh vực Nhà nước sẽ nắm 65% vốn điều lệ sau chuyển đổi, thoái vốn trong 5 năm tới, gồm quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay; khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; tài chính, ngân hàng (trừ bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính)...
Nếu theo quyết định trên, Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ tối thiểu 65% vốn tại các ngân hàng thương mại quốc doanh giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, quyết định cũng nêu rõ: “Trong chức năng, nhiệm vụ được phân công, các Bộ có trách nhiệm chủ động sửa đổi hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định có liên quan nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định này".
Như vậy, quyết định chính thức về tỷ lệ sở hữu tối thiểu tại từng ngân hàng thương mại quốc doanh còn phải chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, tại thời điểm kết thúc ngày 31/3/2021, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank, BIDV và Vietcombank lần lượt là 64,46%; 80,99% và 74,8%. Trong khi đó, sau 14 năm, Agribank vẫn chỉ rục rịch cổ phần hoá.
Trước đó, giới đầu tư kỳ vọng giai đoạn 2021 - 2025, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tối thiểu tại các ngân hàng thương mại quốc doanh xuống 51%. Bởi lẽ, tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ban hành ngày 8/8/2018 về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có ghi: "Trong giai đoạn 2021 - 2025, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đảm bảo tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở mức 51%”.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, tại thời điểm kết thúc ngày 31/3/2021, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank, BIDV, Vietcombank lần lượt là 64,46%; 80,99% và 74,8%. Trong khi đó, sau 14 năm, Agribank vẫn chỉ rục rịch cổ phần hoá.