Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế
Vào lúc 14h ngày 6/5/2022, Đối thoại chuyên đề: "Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sẽ được phát trực tuyến trên VnEconomy.vn và FanPage VnEconomy...
Ước tính hàng năm, bất động sản đóng góp gần 8% GDP. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản có khả năng lan toả đến đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng...
Như vậy, khi ngành bất động sản tăng trưởng không chỉ có lợi cho chính nó mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động, thị trường bất động sản cũng liên quan mật thiết với việc phát triển nhà ở và quá trình đô thị hóa.
Các chuyên gia cũng đã lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, năm 2020, tỷ trọng bất động sản /tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỷ USD / 986,82 tỷ USD); năm 2025 là 21,2% (462,7 tỷ USD / 2183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1232,29 tỷ USD / 5601,31 tỷ USD).
Nếu năm 2020, giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản ước đạt 484,9 nghìn tỷ đồng (20,89 tỷ USD), chiếm 7,7 % GDP thì đến 2025 ước đạt 1.249,8 nghìn tỷ đồng (53,84 tỷ USD), chiếm 9,72% GDP; năm 2030 ước đạt 3.428,7 nghìn tỷ đồng (147,71 tỷ USD), chiếm 13,6% GDP.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam có sự phát triển chưa tương xứng với nhu cầu cũng như quy mô của nền kinh tế. Nguồn cung các công trình công cộng, nhà ở, bất động sản thương mại… vẫn còn hạn chế.
Cụ thể, thị trường thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà thu nhập thấp. Bất động sản du lịch chưa phát huy được vai trò để góp phần quan trọng tạo nên những điểm đến du lịch, đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế như mục tiêu đề ra.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, chưa điều tiết thị trường một cách hiệu quả, nhất là chính sách tín dụng cho bất động sản có giai đoạn thì mở rộng, và đến nay ngày càng thắt chặt, khiến cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều “nghẹt thở”, đồng thời gây rủi ro cho thị trường...
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay, nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học, sẽ dễ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế…
Trên cơ sở đó, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/Vneconomy tổ chức buổi đối thoại chuyên đề: “Nhận định chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế” với mong muốn đề xuất các cơ chế chính sách hợp lý giúp khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai cũng như góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, đúng như vai trò của nó trong nền kinh tế…
Các vấn đề chính sẽ được thảo luận gồm:
- Tổng quan về thị trường và hệ thống pháp lý bất động sản trong thời gian qua.
- Đánh giá đóng góp của ngành bất động sản đối với phát triển kinh tế.
- Những vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là “điểm nghẽn” pháp lý.
- Tính cấp thiết của việc hoàn thiện pháp lý cho thị trường bất động sản nói chung, bất động sản du lịch nói riêng.
- Thực trạng các kênh huy động vốn cho thị trường bất động sản và giải pháp.
Khách mời của đối thoại bao gồm:
- Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản;
- Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc Hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân;
- Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam;
- Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam;
- Ông Lưu Quốc Yên, Giám đốc Chiến lược tập đoàn CEO;
- Nhà báo Đặng Hương, Trưởng Ban Đầu tư, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, điều hành tọa đàm.
Nội dung Đối thoại chuyên đề sẽ được phát trực tuyến vào lúc 14h00, thứ Sáu, ngày 6/5/2022, trên VnEconomy.vn và Fanpage VnEconomy.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!