Nhận diện nhiều khó khăn trong quản lý báo chí
2019 là năm tập trung cao điểm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025
Cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết vấn đề kinh tế báo chí là một trong những hạn chế được nêu tại hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 vừa diễn ra.
Doanh thu tăng 0,5%
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ về hội nghị này thì 2019 là năm tập trung cao điểm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Tính đến tháng 11/2019, cả nước có 850 cơ quan báo in, báo điện tử, giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử trong năm 2019 tăng nhẹ (tăng 0,5%) so với năm 2018, ước đạt 4.923 tỷ đồng (báo in 3.558 tỷ đồng, báo điện tử 1.365 tỷ đồng).
Hiện có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh -truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình, với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình (tăng thêm 2 kênh truyền hình so với năm 2018). Số cơ quan tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên là 16; tự chủ một phần là 51; ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên là 5. Tổng doanh thu năm 2019 của 72 Đài phát thanh - truyền hình đạt: 11.394 tỷ đồng (tăng 4,1% so với năm 2018), trong đó doanh thu quảng cáo là 9.067 tỷ đồng.
Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.
Báo cáo tại hội nghị nêu đánh giá, nhiều cơ quan báo chí đã có đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư nâng cao chất lượng, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, có tác động xã hội lớn, đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền.
Trong năm 2019, công tác chỉ đạo, định hướng, tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin trên báo chí, xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng đạt được nhiều kết quả tích cực, bảo đảm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin.
Hoạt động chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin báo chí ngày càng bám sát hơn với thực tế đời sống xã hội; chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần kiên quyết đổi mới "Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá" và theo phương châm: "Chủ động, kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đồng bộ, thuyết phục".
Đặc biệt, việc chỉ đạo sát sao, kịp thời định hướng thông tin của cơ quan chỉ đạo khiến cho ý thức chung về kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý báo chí cũng được tăng cường.
Khắc phục "báo hoá" trang thông tin điện tử
Trong năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí, chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng; thu hồi thẻ nhà báo đối với 3 trường hợp.
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đã tập trung rà soát, kiểm tra, chỉ rõ các biểu hiện của việc "báo hóa" báo điện tử, trang thông tin điện tử... triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể để khắc phục tình trạng này.
Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí có thời điểm chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, có thời điểm còn chậm trong phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí. Việc xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp còn rất chậm, lúng túng trong nhận thức và hành động. Việc hướng dẫn triển khai Quy hoạch báo chí còn chậm. Cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết vấn đề kinh tế báo chí, cơ chế đặt hàng báo chí. Một số sai phạm của cơ quan báo chí chưa được chủ động phát hiện sớm để xử lý nghiêm, kịp thời.
Vấn đề khác cũng được nêu tại báo cáo là công tác chỉ đạo, quản lý thông tin chưa bao quát toàn diện, có phần tách rời báo chí và truyền thông xã hội, không thấy báo chí và truyền thông xã hội cùng nằm trong "hệ sinh thái", có sự tác động qua lại lẫn nhau.
Việc quản lý thông tin báo chí ngày càng khó khăn hơn, nhất là nhiều cơ quan báo chí phát triển loại hình báo điện tử, cập nhật thông tin liên tục (dẫn tới nguy cơ có nhiều sai phạm hơn) tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát liên tục và xử lý nhanh trong khi còn hạn chế về nhân lực và thời gian, báo cáo tại hội nghị nêu rõ.
Tại hội nghị, nhiều khuyết điểm, hạn chế cũng được nhận diện, như tình trạng thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các hành vi vi phạm của báo chí. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí đưa tin, bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị, chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo về thông tin, đưa quá nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội...