Nhiệm kỳ của ông Trump lập kỷ lục về lệnh trừng phạt

An Huy
Chia sẻ

Chưa một chính quyền nào trước đây của Mỹ sử dụng lệnh trừng phạt nhiều như chính quyền Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh trừng phạt Iran hồi tháng 6/2019 - Ảnh: Getty/Bloomberg.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh trừng phạt Iran hồi tháng 6/2019 - Ảnh: Getty/Bloomberg.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp lệnh trừng phạt với tần suất cao chưa từng thấy, khoảng 3 lệnh trừng phạt được đưa ra mỗi ngày, trong 4 năm cầm quyền vừa qua, hãng tin Bloomberg cho hay. Các biện pháp này nhằm vào các công ty, cá nhân, và thậm chí cả những con tàu chở dầu có mối liên hệ với Iran, Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và Venezuela.

Với quyết tâm theo đuổi chủ trương "nước Mỹ trên hết" trong xử lý các vấn đề địa chính trị, chính quyền ông Trump đã mạnh tay sử dụng những biện pháp như thuế quan, kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt thứ cấp… áp lên cả những nước đối thủ lẫn đồng minh của Mỹ.

Chẳng hạn, Trung Quốc đã nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - vì Ankara bắt giữ một mục sư người Mỹ, và đe dọa trừng phạt Đức vì vụ đường ống dẫn khí đốt mang tên Nord Stream 2.

Mặc những lời cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc quá lớn và có quan hệ quá mật thiết với Mỹ, ông Trump liên tục trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm 14 đại biểu Quốc hội Trung Quốc bị Washington áp lệnh trừng phạt hôm 7/12 vừa qua vì liên quan đến vấn đề Hồng Kông. Ông cũng phớt lờ những cảnh báo rằng lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran sẽ chẳng có tác dụng gì nếu không có sự giúp đỡ của các đối tác châu Âu.

"Họ đã sử dụng những công cụ như thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và các lệnh trừng phạt cấp 1-2-3 đối với những nước như Trung Quốc và nhiều nước khác. Chúng tôi chưa từng thấy một chính quyền nào sáng tạo đến như vậy trong việc sử dụng những công cụ đa dạng này theo một cách có vẻ như được phối hợp đến vậy", ông Adam Smith, chuyên gia thuộc Gibson, Dunn & Crutcher, phát biểu.

Theo dữ liệu của Gibson, Dunn & Crutcher, chính quyền ông Trump đã dùng tổng cộng hơn 3.900 lệnh trừng phạt, trong đó nhiều nhất là vào năm 2018. Đó là năm mà Mỹ tái áp nhiều biện pháp trừng phạt lên Iran sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký năm 2015 với 6 cường quốc. Chưa một chính quyền nào trước đây của Mỹ sử dụng quá 700 lệnh trừng phạt trong 1 năm.

Số liệu mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tại một hội thảo mới đây cho thấy, Iran là mục tiêu lớn nhất của các biện pháp trừng phạt mà chính quyền ông Trump đưa ra. Từ khi cầm quyền, ông Trump đã trừng phạt 1.500 cá nhân và thực thể của Iran trong 77 đợt trừng phạt khác nhau.

Theo Bloomberg, ê-kíp của Tổng thống đắc cử Joe Biden hứa sẽ rà soát lại toàn bộ các lệnh trừng phạt của chính quyền tiền nhiệm, nhưng rất có thể công cụ này vẫn được sử dụng phổ biến sau khi ông Biden lên cầm quyền. Đến hiện tại, lựa chọn của ông Biden cho các vị trí trong nội các của ông cho thấy hạn chế kinh tế đối với các quốc gia khác sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng của Washington trong ít nhất 4 năm tới.

Ông Adewale "Wally" Adeyemo, người được ông Biden lựa chọn cho cương vị Thứ trưởng Bộ Tài chính, đã nói vào hôm 1/12: "Chúng ta phải tập trung vào vai trò quan trọng của Bộ Tài chính trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Việc này bao gồm sử dụng cơ chế lệnh trừng phạt để bắt những kẻ xấu phải chịu trách nhiệm".

Bản thân ông Biden kêu gọi Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, một động thái sẽ đòi hỏi nới lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin CNN hồi tháng 9, ông Biden nói nếu đắc cử, ông "sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran trong các vấn đề nhân quyền, hậu thuẫn khủng bố và chương trình hạt nhân".

Một thách thức đối với ông Biden là lệnh trừng phạt của Mỹ hiện quá nhiều và quá phức tạp, đến nỗi khó thực thi đầy đủ mà không đặt ra nguy cơ phản tác dụng đối với kinh tế Mỹ. Ngoài ra, các nhà phê bình cho rằng chính quyền ông Trump đã dùng lệnh trừng phạt quá mạnh tay và không có sự phân biệt nào, xem đó như biện pháp để giải quyết tất cả các vấn đề về chính sách đối ngoại.

Nhìn chung, ê-kíp của ông Biden lập luận rằng, nếu sử dụng lệnh trừng phạt, họ sẽ phối hợp với các nước đồng minh. Hai quốc gia là mục tiêu chính sẽ bao gồm Nga - nơi Mỹ sẽ nhằm vào các nhà tài phiệt bị cho là đồng minh của Tổng thống Putin, và Trung Quốc - nước mà chính quyền ông Trump đã đơn phương, thay vì phối hợp với các nước khác, để trừng phạt.

Các chuyên gia về lệnh trừng phạt nói rằng các biện pháp mà chính quyền ông Trump sử dụng nói chung là hiệu quả, nhưng đôi khi dường như như các biện pháp này được dùng như "chiêu thức PR" thay vì một chính sách kinh tế hợp lý. Các chuyên gia kỳ vọng điều này sẽ không lặp lại ở chính quyền ông Biden.

"Tôi không cho là họ sẽ giảm việc trừng phạt, nhưng họ sẽ giảm việc sử dụng sai các lệnh trừng phạt", ông Daniel Fried, một cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét. "Hy vọng là họ sẽ giảm việc sử dụng lệnh trừng phạt chỉ để truyền tải thông điệp, hay như một công cụ quản lý chu kỳ truyền thông - trừng phạt chỉ để chứng tỏ là mình cứng rắn".

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con