Nhiều câu hỏi khó cho giải pháp “chuyển ngược” sàn để chống nghẽn lệnh

TÚ UYÊN
Chia sẻ

Việc "chuyển ngược” sàn một số chứng khoán từ HSX sang HNX hoặc "ký gửi" giao dịch được coi là giải pháp tạm thời để chống nghẽn lệnh. Tuy nhiên vẫn có quá nhiều vấn đề chưa rõ ràng

Giải pháp tạm thời để chống nghẽn lệnh trên HSX là chuyển bớt một số mã cổ phiếu sang HNX
Giải pháp tạm thời để chống nghẽn lệnh trên HSX là chuyển bớt một số mã cổ phiếu sang HNX

Một số mã chứng khoán đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HSX) có thể sẽ được chuyển sang giao dịch trên hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). 

Đây là giải pháp "tình thế" nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nghẽn lệnh khá thường xuyên trên HSX từ cuối năm 2020 trở lại đây, đang được HNX tổ chức khảo sát lấy ý kiến từ công ty chứng khoán thành viên.

"MƯỢN" HỆ THỐNG CỦA HNX: GIẢI PHÁP TÌNH THẾ

Việc thanh khoản tăng quá nóng trong thời gian gần đây với nhiều phiên đạt trên 15.000 tỷ đồng cộng với làn sóng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường đã dẫn đến hiện tượng thị trường thường xuyên "nghẽn lệnh".

Nhiều giải pháp chống "nghẽn" ngắn hạn cho thị trường chứng khoán đã được các chuyên gia đề xuất. Chẳng hạn như: Nâng lô giao dịch từ 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lên 1.000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ; Nâng bước giá giao dịch sàn HSX lên 100 đồng; Chuyển một số doanh nghiệp niêm yết từ HSX về HNX...

Và việc chuyển các mã cổ phiếu từ HSX về HNX đang được HNX thực hiện lấy ý kiến các công ty chứng khoán thành viên, dự kiến sẽ hoàn thành trước 01/03/2021.

Theo đó, ý kiến mà HNX muốn khảo sát các công ty chứng khoán là: thời gian công ty chứng khoán cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống phần mềm tại các công ty chứng khoán nhằm đáp ứng trường hợp chuyển một số chứng khoán hiện đang giao dịch trên HSX sang giao dịch trên HNX.

Các mã cổ phiếu "bị" buộc "chuyển ngược" sàn này sẽ được giao dịch tại một Bảng mới trên hệ thống của HNX, nhưng vẫn giữ nguyên các quy định giao dịch như của HSX (biên độ, kết cấu phiên, bước giá…). Tuy nhiên, tại hệ thống của Trung tâm lưu ký (VSD), các mã này có thể được đổi định danh thành chứng khoán thuộc HNX hoặc giữ nguyên là thuộc HSX.

Theo ý kiến của một số nhà đầu tư, về bản chất, các mã cổ phiếu này giống như đi ở tạm nhà trên sàn HNX trong thời gian chờ đợi hệ thống giao dịch của HSX được nâng cấp, để phù hợp với thanh khoản thị trường đã tăng vọt lên 4 – 5 lần so với giai đoạn trước.

Hiện hệ thống của HSX chỉ xử lý được tối đa khoảng 900.000 lệnh/phiên, và đã được đưa vào vận hành hơn 20 năm. Từ cuối năm 2020,  khi thanh khoản thị trường tăng vọt lên trên 10.000 tỷ đồng/phiên, cộng với lượng tài khoản mới được mở liên tục đạt kỷ lục, hệ thống giao dịch của HSX liên tục bị nghẽn. Bảng điện tử không hiển thị trạng thái giao dịch kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ tới giao dịch cũng như tâm lý đầu tư. Hệ thống giao dịch mới đang được nghiên cứu, và sớm nhất đưa vào vận hành cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Do đó, giải pháp tình thế hiện nay trong khi chờ hệ thống mới là "mượn tạm nhà" ở HNX cho cổ phiếu của HSX. 

CỔ PHIẾU NÀO SẼ BỊ "CHUYỂN NGƯỢC" SÀN?

Vẫn chưa có tiêu chí cụ thể về các cổ phiếu sẽ phải "chuyển sàn". Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng việc khảo sát chỉ cho có yếu tố khách quan, và khả năng các cổ phiếu "trà đá" (dưới mệnh giá) sẽ được "ưu tiên" chọn lựa để tạm dời nhà từ HSX sang HNX.

Một số các thành viên thị trường cho rằng, đây là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, khi mà hệ thống giao dịch mới để đáp ứng dung lượng lớn hơn của thị trường còn phải mất nhiều tháng nữa mới có thể đưa vào hoạt động. Giải pháp này thuần túy mang tính chất kỹ thuật nhằm tận dụng tải trọng của hệ thống HNX, nhằm gánh bớt tình trạng quá tải trên HSX.

Tuy nhiên, cũng có công ty chứng khoán cho rằng giải pháp này mang tính "ép buộc" hơi cao. Theo văn bản lấy ý kiến, HNX sẽ lập một Bảng riêng cho các mã cổ phiếu từ HSX chuyển sang, như vậy việc chuyển sàn này có thể hiểu chỉ là tạm thời, doanh nghiệp đang niêm yết trên HSX thì vẫn là thuộc HSX, cũng tức là biến động giá của những cổ phiếu đó vẫn tính vào VN-Index. Nói thẳng ra là "cổ phiếu trên HSX sẽ đi ở tạm nhà của HNX"

Ngoài ra, HNX chỉ khảo sát ý kiến các công ty chứng khoán, thậm chí thu hẹp trong phạm vi "làm được hay không", mà không hỏi ý kiến các công ty niêm yết, cho thấy rõ ràng họ đang tính đến biện pháp kỹ thuật đặc thù và hơi "cưỡng ép". Tương tự với công ty chứng khoán, các công ty này chỉ có thể trả lời "Yes" or "No" và nhiều khả năng là phải trả lời "Yes".

Về câu hỏi khảo sát "thời gian công ty chứng khoán cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống phần mềm…", lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho rằng sẽ phải mất 6 - 8 tuần để chỉnh sửa hệ thống giao dịch, sau khi phương án "di cư" chờ hệ thống mới được cơ quan quản lý thông qua. Các công ty chứng khoán sẽ phải làm việc với nhà cung cấp hệ thống, và sẽ tốn một khoản chi phí không nhỏ.

Tuy nhiên, phía các công ty chứng khoán cho rằng, nếu tốn kém và giúp thị trường giao dịch thông suốt thì vẫn đáng làm.

Dưới góc độ nhà đầu tư tổ chức, đại diện một công ty quản lý quỹ lớn trên thị trường cho rằng, việc sắp xếp lại cổ phiếu sẽ "dễ dàng" hơn cho nhà đầu tư, khi mà thị trường có sự phân hóa rõ ràng: các cổ phiếu niêm yết trên HSX là những cổ phiếu đáp ứng chuẩn giao dịch cao hơn; trong khi các cổ phiếu nhỏ được niêm yết trên HNX và UPCoM. Việc sắp xếp này cũng phù hợp với định hướng sát nhập các Sở Giao dịch Chứng khoán thành một Sở Giao dịch trong tương lai.

CÓ GÌ BẢO ĐẢM HỆ THỐNG THÔNG SUỐT?

Việc "chuyển ngược" cổ phiếu từ sàn HSX sang HNX, hay tạm gọi dân dã là "mượn tạm" nhà HNX để ở được cho là giải pháp tạm thời để chống "nghẽn lệnh". Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là hệ thống của HNX có sẵn sàng cho việc "ký gửi" này hay không.

Một công ty chứng khoán đặt vấn đề: Liệu việc chuyển một số cổ phiếu từ HSX sang HNX có thật sự giải quyết được tình trạng nghẽn hệ thống giao dịch? Việc "chuyển sàn" như vậy sẽ dẫn tới hệ thống của HNX tăng tải, và liệu có tình trạnh quá tải và "đơ" như ở HSX có tái diễn tại HNX hay không? Liệu HNX có dám cam kết rằng hệ thống server của họ sẽ không bị "đơ"? Nếu gặp tình trạng "đơ", liệu có tình trạng chuyển sàn tiếp qua UPCoM hay không?

Thêm nữa, việc chuyển sàn về lý, đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ cả công ty niêm yết, trong khi hiện tại HNX mới khảo sát ý kiến công ty chứng khoán. Nếu công ty niêm yết không đồng ý chuyển sàn thì sao?

Chưa kể, khi niêm yết trên HSX, doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng gửi gắm rất nhiều kỳ vọng. Nay bị "ép" chuyển ngược thì giá trị kỳ vọng, ai sẽ bù đắp cho doanh nghiệp và nhà đầu tư? Và tiêu chí nào cho các cổ phiếu bị chuyển sàn? Liệu có công bằng cho các doanh nghiệp niêm yết?

Lãnh đạo một công ty chứng khoán khác cũng nêu câu hỏi: Trường hợp chỉ có một công ty chứng khoán báo cáo rằng hệ thống/phần mềm của họ sẽ gặp vấn đề, thì việc chuyển sàn có thực hiện được hay không? Nếu công ty chứng khoán đó bị thiệt hại, ai chịu trách nhiệm? Chuyển bao nhiêu mã cổ phiếu từ HSX sang HNX thì mới thực sự giảm tải cho HSX?

Giả sử hệ thống của HSX vẫn trục trặc trong khi HNX thông suốt, các mã của HSX trên HNX vẫn được khớp, thì khi đó VN-Index sẽ được xác định như thế nào? Liệu có công bằng cho các nhà đầu tư? Nếu hệ thống của HNX cũng nghẽn thì sao?

Và tại sao không nhân lúc này, giữa HSX và HNX "tái cơ cấu hàng loạt" công ty niêm yết, để trên HSX chỉ gồm các công ty lớn, còn HNX đảm nhiệm giao dịch các công ty nhỏ hơn. Như thế việc chuyển sàn trở thành thực chất luôn chứ không phải đi "ở tạm" nhà như hiện tại.

Nhân vụ "chuyển ngược" sàn, một công ty chứng khoán cũng nêu: HSX và HNX nên xem xét lại các quy định về cơ chế giao dịch, cụ thể tại sao không đồng nhất các quy định về biên độ giá, về bước lệnh, bước giá…?

Các công ty chứng khoán trả phí thành viên cho HSX, thuê đường truyền kết nối với HSX. Giờ chuyển một số cổ phiếu từ HSX sang HNX thì bài toán chi phí này sẽ được xử lý như thế nào? Dù các công ty chứng khoán sẵn sàng gánh chi phí để chỉnh sửa hệ thống công nghệ thông tin cho phù hợp, nhưng về các chi phí vận hành, thì cơ quan quản lý cũng cần phải rõ ràng và đảm bảo công bằng với chính công ty chứng khoán. Vì xét cho cùng, việc lỗi hệ thống giao dịch, không thể thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý khi đã không có một cái nhìn chiến lược, dài hơi về phát triển thị trường.

Giải pháp chuyển một số cổ phiếu từ HSX sang HNX mới đang dừng ở bước lấy ý kiến khảo sát và sẽ phải chờ quyết định cuối cùng từ cơ quan quản lý. Trong lúc chờ đợi, nhà đầu tư dù không muốn vẫn phải "thích nghi" với hệ thống bảng điện lỗi, ngay cả khi thanh khoản chưa chạm mức 14.000 - 15.000 tỷ đồng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con