Nhiều địa phương cảnh báo du khách nguy cơ lừa đảo đặt phòng
Thủ đoạn mà các đối tượng này thường dung là lập ra các trang web, fanpage Facebook giả mạo các cơ sở lưu trú có tiếng, sử dụng hình ảnh thật của khách sạn, resort để tạo lòng tin cho khách hàng…
Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng những chiêu trò hết sức tinh vi, chẳng hạn tạo ra những trang web, Fanpage Facebook với giao diện gần như giống hệt bản gốc, thậm chí còn có cả số điện thoại đường dây nóng để tư vấn khách hàng. Sau khi nhận được tiền đặt cọc hoặc thanh toán trước, các đối tượng liền “bốc hơi”, khiến du khách lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Mới đây, Sở Du lịch Khánh Hòa vừa có văn bản khẩn gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn về việc tuyên truyền, cảnh giác trước các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ông Lương Hoàng Thiên, Giám đốc khách sạn Melissa Nha Trang, cho biết gần đây, hàng loạt khách sạn, trong đó có Melissa Nha Trang, bị một số đối tượng lập các trang Facebook giả mạo, lấy hình ảnh, thông tin khách sạn đăng bán phòng. Nhiều khách hàng đã chuyển tiền đặt cọc, khi đến nhận phòng mới biết bị lừa.
Bà Tường Ny, đại diện khách sạn Havana Nha Trang, cũng cho biết thời gian gần đây, phía khách sạn đã đăng thông tin chính thức cảnh báo hơn 4 trang Facebook giả mạo. Những trang này sử dụng hình ảnh và thông tin của thương hiệu Havana để cung cấp thông tin sai lệch về giá cả, dịch vụ và khuyến mãi nhằm lừa đảo tiền của khách hàng. Theo bà Ny, các đối tượng sử dụng tài khoản chuyển tiền cũng cố tình lấy tên giống mấy công ty lớn để tạo tin tưởng, không trả lời qua điện thoại mà chỉ tư vấn qua fanpage, chỉ yêu cầu đặt cọc 50% để tạo uy tín...
Đa số kẻ xấu giả mạo những khách sạn, resort 4 - 5 sao và nổi tiếng tại Khánh Hòa, nằm ở vị trí đắc địa, gần đường ven biển Trần Phú, TP Nha Trang như Vinpearl Resort, Comodo, Melissa, Senia, Havana. Các khách sạn đã đăng bài cảnh báo lừa đảo nhưng nhiều trang giả mạo chạy quảng cáo dồn dập, khiến khách vẫn bị nhầm lẫn.
Qua tìm hiểu, chỉ riêng số điện thoại 0343846xxx đã quản trị, đăng thông tin nhận đặt phòng cho ít nhất 5 khách sạn. Theo ông Thiên, riêng hệ thống khách sạn của ông đã có ít nhất 9 du khách bị lừa như với số tiền hơn 12 triệu đồng. "Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý các đối tượng lừa đảo, gây mất uy tín ngành du lịch địa phương, ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp", ông Thiên bày tỏ.
Ngoài trường hợp này, Sở Du lịch cũng chuyển thông tin liên quan đối tượng có tài khoản "Thảo Cherry" đến Công an tỉnh Khánh Hòa sau khi người dân phản ánh qua đường dây nóng. Trong tháng 8/2024, tài khoản "Thảo Cherry" thường xuyên đăng bài viết liên quan đến khách sạn, nghỉ dưỡng, khi có người hỏi thì tư vấn nhiệt tình. Sau khi nhận tiền, đối tượng này chặn cuộc gọi, tin nhắn của du khách. Nhiều trường hợp bị lừa đến hàng chục triệu đồng.
Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Đà Nẵng cũng thông tin về việc một số khách sạn, resort ở Đà Nẵng đã bị các đối tượng mạo danh qua các trang trên Facebook để lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc thuê phòng. Theo đó, các đối tượng này lập ra hàng loạt trang website, fanpage Facebook giả mạo có tên, hình ảnh giống những resort, khách sạn, nhà nghỉ, homestay,… tại TP Đà Nẵng sau đó chạy quảng cáo các bài viết cho thuê phòng, đặt phòng khách sạn giá rẻ để tìm con mồi.
Khi trao đổi với khách, đối tượng lừa đảo nhiệt tình tư vấn về các dịch vụ cũng như đưa ra mức giá vô cùng hợp lý. Đặc biệt, để chiếm được niềm tin của khách, đối tượng lừa đảo sẽ gửi kèm với nhiều hình ảnh đẹp, thậm chí có cả nhận xét (review) của khách hàng khác nhằm gia tăng mức độ uy tín. Khi đã chiếm được lòng tin của khách, các đối tượng sẽ yêu cầu khách nhanh chóng chuyển tiền đặt cọc với lý do khách sạn, nhà nghỉ quá tải, nếu không đặt trước sẽ không giữ được phòng.
Tương tự, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai gần đây cũng có công văn gửi các cơ quan chức năng tại địa phương và Trung ương đề nghị có biện pháp ngăn chặn kịp thời các đối tượng xấu mạo danh khách sạn, nhà hàng ở Sa Pa để lừa đảo tiền bạc. Vấn nạn này ảnh hưởng lớn tới uy tín du lịch trong nước, đặc biệt tới du khách người nước ngoài, làm tổn hại tới khách hàng và uy tín các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch.
Các đối tượng xấu này còn đe dọa ngược lại doanh nghiệp chính thống bị mạo danh, nếu đánh sập trang của chúng thì chúng sẽ tạo thêm nhiều trang giả danh khác và cho đánh sập trang của doanh nghiệp. Đáng chú ý, mỗi tháng các đối tượng xấu đang lừa đảo được từ khách hàng số tiền hàng trăm triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch ở thị xã Sa Pa hiện nay rất hoang mang vì chưa tìm được hướng xử lý các đối tượng xấu nêu trên.
Công an tỉnh Bình Thuận cũng phát đi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo đặt phòng khách sạn, resort trực tuyến. Đơn cử như việc những nghi can lừa đảo đã lập trang Fanpage The Clay resort Mũi Né, dùng toàn bộ hình ảnh thật của resort, nhưng lại dùng số điện thoại và tài khoản ngân hàng giả mạo để lừa khách chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Theo thống kê của The Clay resort Mũi Né giai đoạn đầu năm 2024, đã có trên 80 du khách dính “bẫy” trang giả mạo khu nghỉ này để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Cũng với thủ đoạn tương tự, các đối tượng lừa đảo lập ra hàng loạt trang web, Fanpage Facebook lừa đảo bằng cách dùng hình ảnh có tên giống những resort tại Phan Thiết và đăng tải hình ảnh của khu nghỉ dưỡng hoặc làm một trang khác gần như giống hoàn toàn với trang chính thống, gây ra nhầm lẫn cho người dân, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo. Trong tháng 6/2024, tại The Cliff & Residences (Phú Hài, TP. Phan Thiết) đã xảy ra 3 vụ việc khách du lịch bị các đối tượng sử dụng trang fanpage giả mạo lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc khi đặt phòng qua mạng.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Carmelina Beach Resort, Premier Pearl Hotel Vung Tau tính đến ngày 27/9 đã ghi nhận ít nhất 7 trường hợp khách đã chuyển cọc khi đặt phòng qua fanpage giả mạo khách sạn này. Bà Helen Nguyen, Tổng Quản lý Premier Pearl Hotel Vung Tau cho biết, nhận thấy tính nghiêm trọng của sự việc gây ảnh hưởng đến uy tín của khách sạn nói riêng và toàn ngành du lịch, khách sạn đã lập danh sách kèm hình ảnh, tin nhắn tư vấn, phiếu xác nhận đặt phòng... của đối tượng giả mạo, gửi các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc điều tra.
Để tránh bị lừa đảo, cơ quan chức năng và địa phương khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn dịch vụ đặt phòng từ các công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch. Người dân có thể yêu cầu đối tác cung cấp giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan để kiểm tra. Cần cảnh giác với những lời mời chào giá quá rẻ (thấp hơn 30 - 50% so với giá thị trường). Khi được yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, người dân nên kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển khoản và ưu tiên thanh toán trực tiếp nếu có thể.