Nhiều gã khổng lồ đám mây Trung Quốc nỗ lực tìm chỗ đứng tại thị trường mới
Một số công ty điện toán đám mây lớn của Trung Quốc đang tìm cách phát triển tại thị trường Trung Đông…

Theo Tech Wire Asia, một số nhà cung cấp đám mây Trung Quốc đang âm thầm định hình lại bối cảnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật số Trung Đông, không phải thông qua cạnh tranh trực diện với đối thủ Hoa Kỳ về tiêu chuẩn kỹ thuật, mà bằng cách liên kết chặt chẽ hơn với chiến lược từ các quốc gia, tập trung vào chủ quyền dữ liệu và quan hệ đối tác địa phương. Dường như chính phủ các nước Trung Đông đang thay đổi cách đánh giá nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, ưu tiên hợp tác, tính linh hoạt và sự liên kết với mục tiêu phát triển dài hạn chứ không chỉ đề cao hiệu suất.
Trong khi Amazon Web Services, Microsoft Azure, Google Cloud và Oracle đã thâm nhập khu vực này từ sớm và xây dựng trung tâm dữ liệu trên khắp Bahrain, UAE và Ả Rập Xê Út, thì các thương hiệu Trung Quốc như Huawei, Alibaba Cloud và Tencent lại ghi nhận bước tiến đáng kể thông qua hợp tác chặt chẽ với chương trình nghị sự của các quốc gia.
Ví dụ, Huawei hiện đang vận hành 4 cơ sở điện toán đám mây tại Ả Rập Xê Út, bao gồm một trung tâm dữ liệu có độ trễ thấp được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý theo thời gian thực. Theo Rest of World, Huawei đã thu hút hơn 1.000 khách hàng bao gồm nhiều tổ chức tài chính và cơ quan chính phủ đến với trung tâm Riyadh của hãng chỉ trong vòng hai năm. Trong khi đó, Alibaba Cloud ra mắt các trung tâm dữ liệu tại UAE và Ả Rập Xê Út dưới tư cách liên doanh với nhà cung cấp viễn thông STC. Khoản đầu tư liên quan trực tiếp đến sáng kiến Tầm nhìn 2030 của Ả Rập Xê Út, ưu tiên đa dạng hóa kinh tế thông qua phát triển công nghệ.
NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY ĐƯỢC CHÍNH PHỦ HỖ TRỢ
Thị trường điện toán đám mây Trung Đông đang mở rộng nhanh chóng, được thúc đẩy bởi nhiều sáng kiến chuyển đổi số và chiến lược ưu tiên do Chính phủ hậu thuẫn. Theo IDC, riêng thị trường điện toán đám mây công tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dự kiến đạt 5,9 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 21,7%.
Trong khi đó, Oracle cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD nhằm mở rộng dấu ấn tại Ả Rập Xê Út, bao gồm khu vực đám mây công mới tại Riyadh. Động lực tăng trưởng chính trên khắp khu vực có thể kể tới nhiệm vụ bản địa hóa dữ liệu, nhu cầu tăng đối với dịch vụ do AI dẫn đầu và nỗ lực quốc gia nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT.
Các nhà cung cấp Trung Quốc đã biến quan hệ đối tác thành lợi thế cạnh tranh. "Các công ty hình thành quan hệ đối tác chiến lược với cơ quan chính phủ trong khu vực, đặc biệt ở Ả Rập Xê Út, nhằm đảm bảo tuân thủ luật dữ liệu địa phương", ông Manish Ranjan, Giám đốc Nghiên cứu điện toán đám mây tại IDC khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi), chia sẻ với Rest of World. Mối quan hệ đối tác đã giúp một số công ty như Huawei và Alibaba đạt được sức hút trong lĩnh vực như tài chính, chăm sóc sức khỏe và thành phố thông minh — những lĩnh vực mà chủ quyền dữ liệu rất được coi trọng.
Cách tiếp cận do Chính phủ dẫn dắt ở Trung Đông trái ngược với thị trường đám mây tại Đông Nam Á, nơi tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại kỹ thuật số, các công ty khởi nghiệp và dịch vụ tiêu dùng. Các động lực tương tự cũng đang diễn ra ở châu Phi. Theo Sáng kiến nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi, các công ty như Huawei và Alibaba đang mở rộng tại Kenya và Nigeria thông qua chương trình đào tạo, dự án cơ sở hạ tầng và quan hệ đối tác địa phương. Trong khi đó, hầu hết công ty Hoa Kỳ thường xuyên phải đối mặt với khuôn khổ pháp lý và mối quan tâm về chủ quyền dữ liệu.

Tencent Cloud cũng ra mắt khu vực đám mây Trung Đông đầu tiên tại Ả Rập Xê Út trong Hội nghị LEAP 2024, đánh dấu sự gia nhập chính thức vào cuộc đua cơ sở hạ tầng số của khu vực. Công ty cho biết khu vực đám mây mới sẽ giúp giảm độ trễ, cải thiện việc tuân thủ chủ quyền dữ liệu và hỗ trợ sáng kiến Tầm nhìn 2030 của Ả Rập Xê Út. Tencent đang nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp như tài chính, truyền thông và trò chơi, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của khu vực đối với dịch vụ AI và đám mây bản địa hóa.
BẢN ĐỊA HÓA AI
Một lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc đã vượt lên là trí tuệ nhân tạo bản địa hóa. Tại Hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu của Huawei, công ty đã giới thiệu mô hình tiếng Ả Rập giúp cắt giảm thời gian chẩn đoán tại bệnh viện tới 40% — một trường hợp ứng dụng được nhiều doanh nghiệp Saudi tán thành. Mặc dù có thể cung cấp nền tảng AI mạnh mẽ, nhưng các đại gia đám mây Hoa Kỳ đã chậm chân trong việc điều chỉnh khả năng theo nhu cầu của khu vực.
Ông Luis Bravo, chuyên gia phân tích tại công ty trung tâm dữ liệu Hawk có trụ sở tại Texas (Hoa Kỳ), chia sẻ với Rest of World rằng "thành công ở Trung Đông phụ thuộc nhiều vào lòng tin và sự hợp tác cũng như sức mạnh tính toán". Đối với phần lớn yêu cầu phức tạp từ Chính phủ, các công ty điện toán đám mây Trung Quốc thường mang lại sự hiểu biết rõ ràng hơn về ưu tiên tại địa phương, dịch vụ trọn gói và gặp ít rào cản về thủ tục hành chính hơn.
ƯU TIÊN MÔ HÌNH LAI
Không phải mọi tổ chức ở Trung Đông đều sẵn sàng chuyển hoàn toàn sang đám mây. Ông Kenneth Lindegaard, CIO tại công ty công nghệ vũ trụ Space42 có trụ sở tại UAE, giải thích rằng một số khối lượng công việc của ngành vẫn được xử lý tốt nhất tại chỗ. “Thị trường đám mây rất cạnh tranh và có nhiều đối thủ”, CIO Lindegaard lưu ý trong bài viết của Rest of World.
Các nhà cung cấp đám mây Trung Quốc đã dự đoán trước nhu cầu về mô hình lai từ sớm và xây dựng chiến lược khu vực xung quanh nhu cầu đó. Bằng cách cung cấp tính linh hoạt, cho dù thông qua điện toán biên, trung tâm dữ liệu mô-đun hay trung tâm đám mây khu vực, các đại gia Trung Quốc đã định vị mình là đối tác phù hợp cho cả khu vực công và tư nhân.