Nhiều ngân hàng toàn cầu sa thải nhân viên, giảm quy mô ở Trung Quốc
“Nhiều ngân hàng đầu tư phương Tây đang mất kiên nhẫn, trong khi thị trường Ấn Độ, Đông Nam Á và Mỹ ngày càng hứa hẹn hơn”...
Theo tờ báo Financial Times, các ngân hàng đầu tư phương Tây đang tiến hành sa thải nhân viên ở Trung Quốc nhiều nhất trong vài năm trở lại đây, đồng thời dừng kế hoạch mở rộng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thị trường tài chính ảm đạm ở Trung Quốc đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận của các nhà băng nước ngoài hoạt động tại nước này.
Năm ngoái, 5 trong số 7 công ty chứng khoán tại Trung Quốc thuộc sở hữu của các ngân hàng Mỹ và châu Âu, gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley, Credit Suisse, Deutsche Bank, HSBC, JPMorgan và UBS, báo lỗ hoặc lợi nhuận giảm mạnh. Tính tới hết năm 2023, 7 công ty này có tổng số nhân viên là 1.781 người, giảm 13% so với năm 2022.
Hoạt động thị trường vốn tại Trung Quốc suy giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc cùng với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Thêm vào đó là căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.
“Nhiều ngân hàng đầu tư phương Tây đang mất kiên nhẫn, trong khi thị trường Ấn Độ, Đông Nam Á và Mỹ ngày càng hứa hẹn hơn”, ông Han Lin, giám đốc quốc gia tại Trung Quốc của công ty tư vấn The Asia Group, nhận xét.
Tại một hội nghị hồi tháng 5, ông Jamie Dimon, CEO của ngân hàng JPMorgan, nói rằng một phần hoạt động ngân hàng đầu tư của JPMorgan tại Trung Quốc đã “rơi xuống vực thẳm”.
Trên thực tế, số lượng nhân viên tại các công ty chứng khoán của 7 ngân hàng đầu tư tại Trung Quốc gần như tăng đều đặn từ năm 2018. Kể cả vào năm 2020, khi các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 khiến việc tuyển dụng khó khăn, số lượng nhân viên của các ngân hàng này chỉ giảm chưa tới 3%. Tuy nhiên, các nhà băng bắt đầu sa thải hàng loạt thời gian gần đây.
Tại công ty chứng khoán của Credit Suisse, số lượng nhân viên đã giảm 46% xuống còn 126 người vào năm ngoái. UBS, công ty mẹ của Credit Suisse, đầu tháng này đồng ý bán công ty chứng khoán này cho một quỹ đầu tư quốc doanh của Trung Quốc. Trong khi đó, số lượng nhân viên tại công ty chứng khoán của UBS ở Trung Quốc đại lục hiện duy trì ổn định ở mức 383 người. Đây là công ty duy nhất không cắt giảm nhân viên trong năm ngoái.
Năm ngoái, công ty chứng khoán tại Trung Quốc của Morgan Stanley lần đầu báo lỗ kể từ năm 2019. Trong khi đó, liên doanh của JPMorgan ở nước này ghi nhận lợi nhuận giảm 55% xuống còn 16 triệu USD. Trong báo cáo tài chính năm, công ty của Morgan Stanley nhận định điều kiện thị trường tại Trung Quốc đang rất khó khăn và thách thức.
Trong khi đó, công ty chứng khoán của Goldman Sachs ở Trung Quốc đã phục hồi sau khi báo lỗ vào năm 2022, nhưng lợi nhuận năm 2023 ở mức thấp nhất kể từ năm 2018. Số lượng nhân viên của công ty giảm từ 500 xuống còn 370 người. Trước đó, vào năm 2021, Goldman Sachs từng có kế hoạch tăng gấp đôi nhân sự trong mãng này tại Trung Quốc lên 600 người.
Theo dữ liệu từ Dealogic, tính tới tháng 5, các thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Trung Quốc chỉ huy động được 8,3 tỷ USD, mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm kể từ năm 2009. Trong khi đó, việc niêm yết ở nước ngoài phải được nhà chức trách phê duyệt theo quy định mới được áp dụng năm ngoái. Còn hoạt động tài chính xuyên biên giới, bao gồm các thương vụ mua bán và sáp nhập, vẫn diễn ra ảm đạm.
Hoạt động của công ty chứng khoán nói trên không nói lên toàn bộ bức tranh kinh doanh của các ngân hàng đầu tư này ở Trung Quốc. Trong số 7 ngân hàng trên, một số cũng có các công ty khác hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các số liệu năm 2023 ngược lại hoàn toàn với năm 2021 – năm kỷ lục với các ngân hàng đầu tư, khi 6 trong số 7 ngân hàng trên ghi nhận lợi nhuận cao tại Trung Quốc đại lục.