Nhiều sản phẩm công nghệ về y tế được xúc tiến thương mại hóa
Khi kết nối xúc tiến chuyển giao công nghệ hợp tác phát triển thương mại, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp có thể tương tác, trao đổi, đặt hàng, nghiên cứu giải quyết các nhu cầu thực tiễn…
Sáng ngày 23/11/2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Aus4Innovation (Úc) tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại công nghệ hóa-dược và thiết bị y tế với sự tham gia của gần 80 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược, thiết bị y tế.
Đến với hội thảo lần này, về phía nhà đầu tư có đại diện lãnh đạo của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội, Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam, Quỹ Đầu tư tác động, Tập đoàn Phú Thái.... và 14 nhà khoa học chủ của 14 giải pháp là những công nghệ hữu ích, có tiềm năng ứng dụng cao đã được lựa chọn tham gia khóa đào tạo thương mại hóa kết quả khoa học của Viện Hàn lâm Kỹ nghệ Hoàng gia Anh.
Hội thảo lần này được tổ chức với quan điểm tiếp cận mới, lần đầu tiên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thay đổi cách trình bày giới thiệu sản phẩm gắn với mục tiêu thương mại phù hợp với sự quan tâm của doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong đó có 9 sản phẩm công nghệ về y tế được lựa chọn giới thiệu trong số nhiều các sản phẩm nghiên cứu trong 2 năm gần đây, như: Sản phẩm DECHOLES hỗ trợ điều trị xơ vữa động mạch từ các hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên; Sản phẩm CAFETASO hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi mật từ cây cỏ Việt Nam; Sản phẩm LUMBROKINASE hỗ trợ điều trị chống tắc nghẽn mạch máu; Chế phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường từ loài khổ qua, thìa canh và địa hoàng; Thiết bị massage nhiệt - dược trị liệu phục hồi chúc năng cơ – xương - khớp; thiết bị plasma lạnh cho nha khoa...
Hầu hết các sản phẩm đã đăng ký giải pháp hữu ích hoặc bằng sáng chế độc quyền, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để được bán dưới dạng thực phẩm chức năng, và sẵn sàng đưa vào thử nghiệm lâm sàng để phát triển thành thuốc chữa bệnh. Đáng lưu ý, các sản phẩm hóa dược tại chương trình đều được phát triển dựa trên nhu cầu thị trường trong nước và lợi thế về nguồn nguyên liệu. Trong khuôn khổ sự kiện, mỗi nhóm nghiên cứu có 10 phút để trình bày sản phẩm của mình - các lợi thế và tiềm năng thương mại hóa - để kêu gọi hợp tác, đầu tư từ 80 doanh nghiệp tham gia.
Tiêu biểu, nhóm PGS.TS. Lê Quang Huấn tại Viện Công nghệ sinh học giới thiệu sản phẩm Decholes hỗ trợ giảm xơ vữa động mạch. Decholes là thuốc chiết xuất từ thảo dược, có tác dụng loại bỏ các mảng bám và tác nhân gây mảng bám trong mạch máu. Thuốc đã thử nghiệm trên chuột và đạt hiệu quả tương đương atorvastatin - thuốc điều trị xơ vữa động mạch phổ biến hiện nay, và có thể sản xuất với giá thành rẻ hơn.
Hiện nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm hợp tác từ phía doanh nghiệp để tiếp tục các thử nghiệm sâu hơn, phát triển thành sản phẩm hỗ trợ sức khỏe hoặc thuốc.
PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng Triển khai Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhấn mạnh rằng cách tiếp cận này giống như một startup công nghệ trình bày sản phẩm của mình để kêu gọi sự hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp. "Hình thức trên sẽ góp phần hình thành các sản phẩm nghiên cứu khoa học gắn với thực tế, tạo động lực để các nhà khoa học tìm tòi, sáng tạo nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của xã hội," PGS.TS Phan Tiến Dũng chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, các diễn giả tại hội thảo đều cho rằng nghiên cứu khoa học cần sát với nhu cầu thực tế, phục vụ xã hội. Một số ý kiến cho rằng quá trình nghiên cứu khoa học thường theo đơn đặt hàng của Nhà nước hay một tổ chức nào đó, nhưng sau khi nghiệm thu thường rơi vào tình trạng "đút ngăn kéo". Để khắc phục vấn đề này, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hóa công nghệ cần được tổ chức thường xuyên hơn, nhằm góp phần hình thành các sản phẩm nghiên cứu khoa học gắn với thực tế.
Theo các chuyên gia, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hóa công nghệ sẽ góp phần hình thành các sản phẩm nghiên cứu khoa học gắn với thực tế, tạo động lực để các nhà khoa học tìm tòi, sáng tạo, theo đuổi sản phẩm đến cùng.
Theo đó, các doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học, tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu thực tế, giải pháp phát triển; đồng thời, đặt hàng cho các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu giải quyết các nhu cầu thực tiễn của mình. Đây cũng là bước đệm tạo nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nơi mà nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp “cộng sinh” để chia sẻ và bổ sung cho nhau.