Nhiều thành phố tại Mỹ tiếp tục đâm đơn kiện Hyundai, Kia vì làn sóng trộm xe
Chính quyền một số thành phố tại Mỹ đang tiếp tục đâm đơn kiện Kia Corp. và Hyundai Motor Co. vì sự gia tăng của các vụ trộm xe, làm hư hỏng tài sản của người dân và làm cạn kiệt nguồn lực của cảnh sát địa phương.
Cleveland, Seattle, St. Louis và ít nhất năm thành phố khác tại Mỹ đưa ra cáo buộc các nhà sản xuất ô tô Kia và Hyundai không cài đặt công nghệ chống trộm trên xe để cắt giảm chi phí. Các quan chức cho biết quyết định này khiến những chiếc xe dễ bị đánh cắp hơn và thành phố của họ kém an toàn hơn. Tuy nhiên, các vụ kiện không nêu rõ các thành phố muốn Kia và Hyundai bồi thường thiệt hại bao nhiêu.
“Hệ thống an ninh cho những chiếc xe này kém chất lượng đến mức một học sinh cấp hai cũng có thể khai thác nó”, nội dung một vụ kiện được đệ trình vào tháng Hai bởi Columbus, Ohio, cho biết.
Trong khi đó Kia nói các vụ kiện là chưa phản ánh đúng bản chất. Hyundai thì nói các phương tiện của họ đáp ứng các yêu cầu an toàn của liên bang và công ty “cam kết về chất lượng và tính toàn vẹn của các sản phẩm”. Hyundai, có trụ sở tại Seoul, sở hữu khoảng một phần ba Kia.
Các quan chức từ các thành phố Mỹ hiện cho rằng hai công ty ô tô này đã không làm đủ trách nhiệm để khắc phục sự cố kể từ khi các vụ trộm diễn ra, nguồn cơn bởi các video trên mạng xã hội hướng dẫn cách ăn cắp xe bằng tuốc nơ vít và bộ sạc USB. Các quan chức địa phương nhấn mạnh những tên trộm thường là thanh thiếu niên hoặc thậm chí trẻ hơn. Mặc dù các nền tảng mạng xã hội, bao gồm TikTok và YouTube, đã đã xóa những video vi phạm chính sách kiểu này nhưng vẫn không ăn thua.
Theo các công ty ô tô và Cục Quản lý An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), vấn đề này ảnh hưởng đến khoảng 4,5 triệu chiếc Kia được sản xuất từ năm 2011 đến 2021 và khoảng 3,8 triệu chiếc Hyundai từ năm 2016 đến 2021.
Trước sự bức xúc của chính quyền nhiều thành phố, hai công ty đã gửi khóa vô lăng đến các sở cảnh sát Mỹ vào năm ngoái để trao cho các tài xế Kia và Hyundai. Vào tháng Hai, các công ty bắt đầu tung ra một bản sửa lỗi phần mềm cần được cài đặt tại đại lý. Nhưng một số xe chưa đủ điều kiện để cập nhật và một số thì hoàn toàn không thể cài đặt phần mềm.
Tháng trước, tổng chưởng lý của gần hai chục bang tại Mỹ đã viết một lá thư cho cả hai nhà sản xuất ô tô, thúc giục họ đưa ra cách khắc phục nhanh hơn và cung cấp nhiều khóa vô lăng hơn cho những người không thể sớm nhận được phần mềm.
“Đã đến lúc bạn thừa nhận vai trò của công ty mình và có hành động nhanh chóng và toàn diện để khắc phục điều đó”, bức thư viết.
Theo NHTSA, đã có ít nhất 8 trường hợp tử vong và 14 vụ va chạm liên quan đến các vụ trộm kể từ tháng 2.
Tại San Diego, luật sư thành phố Mara Elliott cho biết bà đã đệ đơn kiện Kia và Hyundai vào tháng trước vì bà không tin rằng các công ty này đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.
Bà Elliott nói: “Đôi khi chúng tôi phải kiện tụng để khiến các doanh nghiệp làm điều đúng đắn. Chúng tôi cần các sĩ quan cảnh sát của mình có thể tập trung vào tội phạm hàng ngày, chứ không phải tội phạm được tạo ra bởi vì một nhà sản xuất ô tô muốn cắt giảm chi phí”.
Vụ lùm xùm chưa có hồi kết này bắt nguồn từ một nhóm thanh thiếu niên đến từ Milwaukee, Wisconsin được gọi là "Kia Boyz" đã bắt đầu một thử thách trên TikTok dạy mọi người cách khởi động ô tô chỉ bằng tuốc nơ vít và cáp sạc USB. Cảnh sát bắt đầu nhận thấy xu hướng trộm xe vào cuối năm 2020.
Kể từ khi “Thử thách Kia” bắt đầu xuất hiện trên TikTok và sau đó là YouTube vào tháng 7/2022, cảnh sát ở một số thành phố tại Mỹ đã báo cáo một số thống kê về vụ trộm xe nghiêm trọng. Theo một báo cáo của CNBC, tại St. Petersburg, Florida, Mỹ, hơn một phần ba tổng số vụ trộm xe hơi có thể liên quan đến thách thức này. Tại Chicago, con số đó lên tới 77%, tăng 767% trong các vụ trộm xe Kia và Hyundai.
Vào tháng 9/2022, một vụ kiện tập thể đã được đệ trình để chống lại các nhà sản xuất ô tô Kia và Hyundai vì một khiếm khuyết mà thách thức trên Tiktok đã “khui ra”. Vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang ở Quận Cam, California, cáo buộc rằng những chiếc Kia được chế tạo từ năm 2011 đến 2021 và những chiếc Hyundai được chế tạo từ năm 2015 đến 2021 được trang bị động cơ chìa khóa truyền thống, thay vì chìa khóa thông minh, đã được “cố tình” chế tạo mà không có “thiết bị cố định động cơ”. Thiết bị rõ ràng quan trọng, rẻ tiền và rất phổ biến này nhằm ngăn ô tô khỏi bị đánh cắp. Đơn khiếu nại nói rằng hầu như mọi nhà sản xuất ô tô trong hơn 20 năm qua đều sử dụng nó, nhưng Kia và Hyundai thì không, do đó, những kẻ trộm đã dễ dàng lấy trộm ô tô.