Nhiều tiến bộ trong can thiệp ghép giác mạc tại Việt Nam
Hiện nước ta có gần một triệu người khiếm thị do các bệnh lý khác nhau về mắt. Riêng với bệnh về giác mạc có khoảng 300.000 người. Tại Bệnh viện Mắt trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người và con số này ngày càng tăng…
Ngày 29/6, Bệnh viện Mắt TP.HCM phối hợp Liên Chi hội Nhãn khoa TP.HCM tổ chức khai mạc Hội nghị Nhãn khoa TP.HCM mở rộng lần thứ 3, năm 2024. Hội nghị thu hút gần 800 đại biểu tham dự. Hội nghị có 10 phiên chuyên đề với 80 bài báo cáo về Glaucoma, giác mạc, nhãn nhi, khúc xạ, thần kinh nhãn khoa – tạo hình – u bướu, đục thể thủy tinh – kính nội nhãn – Phaco, dịch kính võng mạc…
ThS.BSCKII Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của nhiều báo cáo viên trong nước và các chuyên gia nước ngoài đến từ Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha. Ngoài ra, với chuỗi hội thảo chuyên đề trước và sau hội nghị, các diễn giả trong nước, ngoài nước đã và sẽ giới thiệu một số kỹ thuật điều trị mới nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tiễn và đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.
Đặc biệt, tại hội nghị, bác sĩ Lâm Minh Vinh, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã đánh giá kết quả ghép giác mạc quang học tại bệnh này từ năm 2012 - 2022. Theo đó, trong vòng 10 năm, Bệnh viện Mắt TP.HCM thực hiện ghép giác mạc cho 336 ca (số ca đủ tiêu chuẩn đưa vào nghiên cứu) bằng nhiều loại kỹ thuật khác nhau.
Lượng bệnh nhân được ghép giác mạc này đến từ 33 tỉnh, thành phố (TP.HCM chiếm 36%). Trong số này có đến 90,2% là lao động phổ thông và hưu trí, tuổi trung bình là 52,8. Kết quả cho thấy tỷ lệ cải thiện thị lực từ 62 - 100%; có một số bệnh nhân bị thải ghép và gặp biến chứng hậu phẫu.
Bệnh giác mạc bọng, thất bại ghép giác mạc, loạn dưỡng giác mạc và sẹo giác mạc là những bệnh lý có chỉ định ghép giác mạc. Trong đó, sẹo giác mạc là một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu. “Do đó, ghép giác mạc là phương pháp điều trị hiệu quả. Các kỹ thuật ghép có thể thay thế toàn bộ chiều dày giác mạc, hoặc thay thế một phần của tổn thương giúp giảm biến chứng và thời gian hồi phục thị lực nhanh hơn, chất lượng thị giác tốt hơn và giảm thải ghép", bác sĩ Vinh nói.
Cũng theo bác sĩ Vinh, cần nhận diện các yếu tố nguy cơ để tư vấn và tiên lượng cho người bệnh ghép giác mạc. Thải ghép vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây thất bại mảnh ghép do đó ưu tiên các kỹ thuật giảm thải ghép. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức người bệnh về những dấu hiệu thải ghép để phát hiện sớm và điều trị tích cực.
Kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4/2007, đến nay, cả nước đã ghi nhận 963 người hiến giác mạc tại hơn 20 tỉnh, thành phố; trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình với 437 người và Nam Định có 332 người. Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng này, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống lao động, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, so với nhu cầu, lượng hiến tặng giác mạc mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ.
Theo bác sỹ Vinh, Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết đầu năm nay số lượng người chờ ghép giác mạc là 250 người, sau 6 tháng con số này tăng lên 350 người. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện chưa ghép ca giác mạc nào vì không có nguồn mô giác mạc. “Bệnh viện chưa xác định được bao lâu nữa 350 bệnh nhân đang chờ sẽ được ghép giác mạc", bác sĩ Vinh nói.
Tại TP.HCM và cả vùng phía Nam không có ngân hàng mắt nào hoạt động để tiếp nhận mô từ người hiến trong nước, nguồn mô viện trợ từ nước ngoài. Một số đơn vị ở phía Bắc đã có ngân hàng mắt, nhưng chỉ tiếp nhận hiến và ghép cho những người dân trong bán kính 200-300 km, do tính chất khó bảo quản của giác mạc nên không thể di chuyển xa.
Về lâu dài, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã xin ý kiến UBND TP.HCM và Sở Y tế để phối hợp với Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thành lập Ngân hàng Mắt, trực thuộc ngân hàng mô của trường. Trong thời gian chờ cấp phép, bệnh viện cần cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện để nhập mô giác mạc từ nước ngoài về.
Về kỹ thuật ghép giác mạc, bệnh viện đã chủ động được các kỹ thuật hiện đại như DSEAK, đang trong thời gian chuyển giao công nghệ kỹ thuật ghép DMEK. Đây là những kỹ thuật ghép giác mạc nội mô tiên tiến, giúp người bệnh phục hồi thị lực nhanh hơn. Nếu kỹ thuật cổ điển, bệnh nhân sẽ mất 6 tháng để hồi phục, với những kỹ thuật này bệnh nhân chỉ cần 1 - 2 tuần thị lực đã phục hồi. Theo thống kê, sau 3 năm ghép giác mạc tỷ lệ mắt "sống" đối với kỹ thuật ghép xuyên là 40%, ghép DSEAK là 55% và DMEK là 100% sau 18 tháng.
Trước đó, ngày 13/6, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 (Hà Nội) tổ chức lễ ra mắt Ngân hàng mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, đồng thời phát động đăng ký hiến mô, tạng, giác mạc. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định hiến giác mạc là một hành động cao cả, mang lại ánh sáng và hy vọng cho những người không may mất đi thị lực. Hiện cả nước đang có hàng ngàn người bệnh chờ đợi cơ hội được nhìn thấy ánh sáng trở lại, trong đó có không ít trẻ em.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết phẫu thuật ghép giác mạc ở nước ta đã đạt trình độ tiên tiến, nhưng số lượng hiến giác mạc chỉ đáp ứng rất nhỏ so với nhu cầu được ghép giác mạc. Trong 16 năm qua cả nước có trên 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc nói riêng, trong đó 963 người hiến giác mạc sau khi qua đời.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nguồn lực chăm sóc mắt toàn cầu còn hạn chế, hơn 1 tỷ người trên thế giới vẫn phải gánh chịu hậu quả của việc mất thị lực vì không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt cơ bản. Gánh nặng kinh tế toàn cầu mỗi năm cho vấn đề mù loà lên đến hơn 411 tỷ USD. Ước tính, nếu không có những biện pháp can thiệp hiệu quả thì đến năm 2050, số người mù loà và suy giảm thị lực trầm trọng sẽ tăng lên 1,8 tỷ.