Những cập nhật quan trọng về biến thể Omicron sau một tháng lây lan toàn cầu

Hoài Thu
Chia sẻ

Hơn một tháng trước, biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở Nam Phi gây chấn động thị trường toàn cầu, kích hoạt hàng loạt lệnh cấm đi lại và đặt các nhà sản xuất vaccine vào tình trạng cảnh giác...

Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tại Nam Phi vào cuối tháng 11 - Ảnh: AP
Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tại Nam Phi vào cuối tháng 11 - Ảnh: AP

Những dấu hiệu đến nay cho thấy Omicron dễ lây lan nhưng có vẻ ít có khả năng khiến bệnh nhân trở nặng và phải nhập viện hơn so với các biến thể Covid-19 trước đây. Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang chạy đua để tìm hiểu về loại biến thể có số lượng đột biến cao này và cảnh báo rằng không nên chủ quan.

Hiện tại, Omicron đang tiếp tục lan ra toàn cầu. Gần đây, các quốc gia châu Á từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho tới Singapore, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ đều đã phát hiện các ca nhiễm Omicron trong nước. Dù hầu hết các nước phát hiện ca nhiễm Omicron là người nước ngoài nhập cảnh, hồi giữa tháng này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định “Omicron có thể đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia dù chưa được phát hiện”.

Dưới đây là các cập nhật quan trọng về biến thể Covid-19 mới này.

VÌ SAO OMICRON GÂY LO NGẠI?

Biến thể Omicron – ban đầu có tên khoa học là B.1.1.529 – được Nam Phi báo cáo lần đầu tiên cho WHO vào ngày 24/11. Các mẫu bệnh phẩm Omicron đầu tiên được lấy vào ngày 9/11 và đến nay chưa biết được nguồn gốc của biến thể này.

Vài ngày sau đó, WHO gắn nhãn Omicron là “biến thể đáng lo ngại”. Đây là biến thể thứ 5 được gắn nhãn này – liên quan tới khả năng lây nhiễm hoặc độc lực cao hơn, hoặc làm giảm hiệu quả của vaccine hoặc các biện pháp phòng ngừa. Với biến thể Delta trước đó, thời gian từ khi phát hiện tới khi được WHO gắn nhãn “biến thể đáng lo ngại” là 7 tháng.

Các chuyên gia cảnh báo rằng số lượng đột biến nhiều bất thường của Omicron có thể khiến biến thể này lây lan nhanh hơn và “né” được hàng rào bảo vệ từ các loại vaccine Covid-19 hiện tại. Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai - thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể, và là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Đây cũng là thành phần mà các loại vaccine công nghệ mRNA – như Pfizer/BioNTech và Moderna – “huấn luyện” cho hệ miễn dịch nhận biết để tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể

CÁC NGHIÊN CỨU MỚI NHẤT VỀ OMICRON

Các nghiên cứu mới nhất cho thấy dường như biến thể này lây lan nhanh hơn nhiều so với các biến thể Covid-19 trước đó, nhưng gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, hầu hết đánh giá của giới khoa học đi kèm với các cảnh báo.

Nhân viên y tế di chuyển một máy thở khỏi một khu vực được xây dựng để điều trị bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron ở Ahmedabad, Ấn Độ,  ngày 6/12/2021 - Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế di chuyển một máy thở khỏi một khu vực được xây dựng để điều trị bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron ở Ahmedabad, Ấn Độ,  ngày 6/12/2021 - Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế cấp cao nhất của Nhà Trắng, cho biết: “Một điều mà tất cả chúng tôi đều đồng tình là biến thể Omicron vô cùng dễ lây lan".

“Omicron vượt xa cả những biến thể dễ lây lan nhất trước đây như Delta. Không có bất kỳ tranh luận nào về đặc tính này. Omicron đã nhanh chóng trở thành chủng virus Covid-19 chủ đạo tại Mỹ - nơi số các ca mắc mới hàng ngày đã tăng trở lại hàng trăm nghìn”, ông Fauci phát biểu trên một kênh truyền hình ngày 26/12.

Tuy nhiên, tin vui là theo một nghiên cứu được Chính phủ Anh công bố ngay trước lễ Giáng sinh, người bệnh nhiễm Omicron “có nguy cơ nhập viện thấp hơn 50-70%” so với biến thể Delta.

Các nghiên cứu khác tại Anh, Nam Phi và một số quốc gia khác cũng cho thấy rủi ro bệnh nặng và phải nhập viện ở người bệnh nhiễm Omicron thấp hơn so với các biến thể trước đây. Tuy nhiên, Cơ quan anh ninh y tế Anh (UKHSA) nhấn mạnh rằng đây chỉ là các số liệu “sơ bộ và chưa chắc chắn” do mới chỉ có một số lượng nhỏ các bệnh nhân nhiễm Omicron nhập viện và đến nay chủ yếu ảnh hưởng tới nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương.

Theo UKHSA, điều đáng lo ngại là tình trạng nhiễm Omicron ở những người từng mắc các biến thể trước đó tăng đáng kể. Theo khảo sát của UKHSA, 9,5% trong số các ca nhiễm Omicron được khảo sát là những người từng mắc Covid-19 trước đó. Kết quả này tương đồng với một nghiên cứu ban đầu tại Nam Phi, trong đó phát hiện Omicron có khả năng làm giảm hiệu quả bảo vệ nhờ miễn dịch có được từ lần nhiễm virus trước đó.

Về hiệu quả của vaccine, UKHSA tìm được các bằng chứng cho thấy “khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus có triệu chứng giảm đi sau mũi tiêm thứ hai (theo liệu trình của vaccine tiêm hai mũi) và tăng lên nếu tiêm mũi tăng cường (thứ ba). Tuy nhiên, khả năng bảo vệ này được cho là giảm đi nhanh hơn – giảm khoảng 15-25% từ tuần thứ 10 sau mũi tăng cường.

Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, Maria Van Kerkhove, ngày 22/12 nhấn mạnh rằng hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra các kết luận về mức độ nghiêm trọng của Omicron bởi dữ liệu chưa đầy đủ và lộn xộn.

CÁC HÃNG SẢN XUẤT VACCINE NÓI GÌ?

Các nhà sản xuất vaccine nhìn chung cho biết việc tiêm mũi tăng cường sẽ giúp tăng hiệu quả chống lại biến thể Omicron.

Đầu tháng 12, hãng dược Pfizer cho biết mũi tiêm thứ ba vaccie của hãng tạo ra lượng kháng thể trung hòa chống lại Omicron tương đương như mức quan sát được sau khi tiêm mũi thứ hai chống lại các biến thể trước đây.

Còn hãng dược Moderna cho biết mũi tăng cường vaccine Covid-19 của hãng cũng có thể chống lại Omicron trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Tiêm vaccine Sinovac trên xe tải lưu động tại Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: Reuters
Tiêm vaccine Sinovac trên xe tải lưu động tại Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: Reuters

Ông Stephane Bancel, Giám đốc điều hành (CEO) của Moderna từng gây chú ý khi khẳng định rằng “không thể có chuyện các loại vaccine hiện tại mang lại hiệu quả bảo vệ trước Omicron tương tự như với biến thể Delta”. Moderna đang phát triển một loại vaccine riêng chống lại Omicron và dùng để tiêm mũi tăng cường, dự kiến sẵn sàng xin cấp phép vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, hãng này cho biết “hàng rào bảo vệ đầu tiên” chống lại Omicron ở thời điểm này là tiêm mũi tăng cường với các loại vaccine hiện có.

Tương tự, hãng công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc nói rằng mũi tiêm thứ ba với vaccine của hãng có hiệu quả chống lại Omicron lên tới 94%. Tuy nhiên, một nghiên cứu của một số đại học ở Hồng Kông đặt nghi vấn về tuyên bố này, làm dấy lên quan ngại về vaccine của Sinovac – loại đã được tiêm tại nhiều quốc gia châu Á.

Hiện tại, thông điệp của WHO là tiếp nhận mọi thông tin với sự thận trọng.

“Đến nay, dữ liệu vẫn còn hạn chế và bằng chứng từ các nghiên cứu về hiệu quả của vaccine chống lại Omicron vẫn chưa được bình duyệt”, tổ chức này cho biết ngày 23/12.

CÁC CHÍNH PHỦ ĐANG LÀM GÌ?

Khi phát hiện biến thể Omicron, nhiều quốc gia đã lập tức ban hành lệnh cấm nhập cảnh với người từ Nam Phi và một số quốc gia lân cận. WHO cho rằng động thái này không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan toàn cầu của biến thể này, mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Việc này cũng có thể khiến các quốc gia dè dặt trong việc báo cáo ca nhiễm Omicron.

 

"Chúng tôi lo rằng mọi người đang xem nhẹ Omicron. Kể cả khi Omicron gây ra triệu chứng bệnh ít nghiêm trọng hơn, số lượng ca bệnh vẫn có thể tăng trở lại và gây quá tải cho hệ thống y tế nếu không có sự phòng bị".

Tedros Adhanom, Tổng giám đốc WHO

Tuy nhiên, cách ứng phó với biến thể mới được đánh giá là có sự thay đổi đáng kể so với trước đây. Các nước như Malaysia, Singapore và Mỹ đã nhanh chóng gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với khu vực miền nam châu Phi.

Tại Nhật – nơi lập tức áp lệnh hạn chế nhập cảnh tới tất cả người nước ngoài nhưng sau đó vẫn phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng ở nhiều thành phố lớn, chính phủ vẫn đang trong trạng thái “chờ đợi để xem tình hình”. Với số ca nhiễm ở mức thấp, nhà chức trách Nhật Bản vẫn duy trì các biện pháp hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt nhưng đã ngừng tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Singapore và Malaysia đã tạm dừng việc đặt chỗ để nhập cảnh miễn cách ly, còn Thái Lan cũng tạm dừng chương trình miễn cách ly nhằm phục hồi ngành du lịch.

Australia, một trong những quốc gia đóng cửa lâu nhất trong phần lớn thời gian diễn ra đại dịch, ban đầu cũng tạm hoãn kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế do biến thể Omicron. Tuy nhiên, vào giữa tháng 12, nước này quyết định mở cửa đón lao động và sinh viên nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ. Chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison và các nhà chức trách Australia đang cố gắng duy trì sự cân bằng khi số ca nhiễm tăng cao kỷ lục do biến thể mới. 

Trong khi đó, nhiều quốc gia đang đẩy nhanh chương trình tiêm mũi tăng cường. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung tuần trước nói rằng: “Chúng ta cần coi liệu trình tiêm chủng Covid-19 cơ bản là tiêm ba mũi và các chính sách cần hướng tới điều này”.

Còn tại Israel, nhà chức trách từng dự kiến không chỉ tiêm mũi thứ ba mà còn cả mũi thứ tư cho người trên 60 tuổi theo khuyến nghị của một hội đồng cố vấn chính phủ. Truyền thông địa phương cho biết Bộ Y tế nước này đã tạm dừng kế hoạch này do các nghiên cứu cho thấy những ca nhiễm mới có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, một bệnh viện vẫn tiến hành tiêm mũi thứ tư cho nhân viên trong một cuộc thử nghiệm.

Theo các nhà khoa học, dù Omicron có vẻ ít nghiêm trọng, nhưng không thể chủ quan và lơ là các biện pháp phòng dịch.

“Chúng tôi lo rằng mọi người đang xem nhẹ Omicron. Kể cả khi Omicron gây ra triệu chứng bệnh ít nghiêm trọng hơn, số lượng ca bệnh vẫn có thể tăng trở lại và gây quá tải cho hệ thống y tế nếu không có sự phòng bị”, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus nói.

Theo ông, chỉ riêng vaccine không đủ để giúp một quốc gia thoát khỏi cuộc khủng hoảng này mà còn cần các biện pháp khác để kiểm soát sự lây lan trong cộng đồng.

Tại các bang đông dân nhất của Australia gồm New South Wales và Victoria, các biện phóa phòng, chống dịch, gồm đeo khẩu trang bắt buộc, được tái áp dụng 2 ngày trước lễ Giáng sinh. Tại Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy, một số nơi cũng tái áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở không gian công cộng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con