Những điều cần biết về khủng hoảng bất động sản Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang khiến nền kinh tế nước này lảo đảo và thế giới mất đi một đầu tàu tăng trưởng...
Một loạt doanh nghiệp địa ốc khổng lồ của Trung Quốc đang chênh vênh bên bờ vực sụp đổ vì thua lỗ trầm trọng và gánh “núi” nợ khổng lồ, với những khoản nợ đáo hạn chưa thể thanh toán.
Thời kỳ phát triển bùng nổ kéo dài của ngành bất động sản Trung Quốc - một động lực quan trọng phía sau tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suốt nhiều năm qua - đã rơi vào ngưng trệ, đe doạ công ăn việc làm và số tiền tiết kiệm của hàng triệu hộ gia đình.
Dưới đây là những điều cơ bản cần biết về "cuộc khủng hoảng" này do tờ báo New York Times điểm lại:
ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA VỚI NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN VÀ NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC?
Trong suốt nhiều thập kỷ, ngành bất động sản với tốc độ tăng trưởng như vũ bão đã giữ vai trò đầu tàu của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Không chỉ tạo công ăn việc làm, bất động sản còn là nơi cất giữ và tăng trưởng tài sản của tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Chính quyền các địa phương Trung Quốc cũng có mức độ phụ thuộc lớn vào thu ngân sách từ cấp quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, dân số Trung Quốc hiện nay không còn tăng trưởng mạnh như trước đây, và đại dịch Covid-19 là một cú sốc đối với người tiêu dùng nước này. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát đối với những hoạt động có mức độ rủi ro cao trong ngành bất động sản, đặc biệt là việc các công ty phát triển địa ốc vay nợ tràn lan để đầu tư. Sự kết hợp của tất cả những yếu tố này đặt các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc vào tình thế đối mặt với khối nợ chồng chất bên cạnh nguồn cung nhà lớn hơn nhu cầu mua.
Giá nhà ở Trung Quốc vì thế đã sụt giảm, kéo theo là giá trị tài sản của các hộ gia đình và niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Cuộc khủng hoảng này xảy ra đúng vào lúc Bắc Kinh cố gắng dịch chuyển nền kinh tế theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào các dự án đầu tư của nhà nước và hoạt động xuất khẩu sang dựa nhiều hơn vào tiêu dùng.
KHỦNG HOẢNG BẤT ĐỘNG SẢN TRUNG QUỐC NGHIÊM TRỌNG TỚI MỨC NÀO?
Theo một ước tính của công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Research, số nợ chưa trả được của các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc hiện là 390 tỷ USD - một mối đe doạ lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Gần đây, giới chuyên gia kinh tế đã đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, trong đó có nhiều vị cho rằng nền kinh tế này sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5% mà Chính phủ đề ra.
Cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều lao dốc trong những tháng gần đây. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong quý 2 năm nay giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 2 năm - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Chỉ số Hang Seng Index của thị trường chứng khoán Hồng Kông, nơi có nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đại lục niêm yết cổ phiếu, tuần trước đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), giảm hơn 20% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 1.
Country Garden, một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc, dự kiến thua lỗ 7,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Giá cổ phiếu của Country Garden đã “bốc hơi” gần 74% từ đầu năm đến nay, và cổ phiếu này đang có khả năng bị loại khỏi chỉ số Hang Seng. Công ty này cũng đang trễ hạn thanh toán nợ trái phiếu quốc tế và đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh vỡ nợ.
China Evergrande, một “gã khổng lồ” địa ốc Trung Quốc khác, mới đây đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ, trong quá trình tái cơ cấu nợ sau vụ vỡ nợ gây chấn động hồi năm 2021.
Mớ bòng bong của lĩnh vực bất động sản cũng đang bắt đầu “lây” sang các công ty uỷ thác tài chính của Trung Quốc - những doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đầu tư với tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm và thường dùng tiền huy động được của khách hàng để rót vào các dự án bất động sản.
Zhongrong International Trust, công ty quản lý 85 tỷ USD tài sản, gần đây đã trễ hạn thanh toán cho nhà đầu tư. Một số video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều nhà đầu tư tới các văn phòng của Zhongrong ở Bắc Kinh để đòi tiền.
CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC ĐANG LÀM GÌ ĐỂ XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG BẤT ĐỘNG SẢN?
Bắc Kinh bắt đầu siết chặt kiểm soát đối với hoạt động vay nợ của doanh nghiệp bất động sản vào năm 2020, nhằm buộc các công ty phải trả bớt nợ cũ trước khi vay thêm nợ mới. Quy định mới này dẫn tới rắc rối ở những công ty địa ốc nợ đầm đìa như Evergrande hay Country Garden. Hơn 50 doanh nghiệp bất động sản ở Trung Quốc đã trễ hạn thanh toán nợ trong 3 năm qua, trong đó có nhiều công ty vỡ nợ - theo dữ liệu từ Standard & Poor’s.
Gần đây, Chính phủ Trung Quốc công bố một số chương trình nhằm thúc đẩy chi tiêu và đầu tư, nhưng chi tiết không rõ ràng và quy mô không lớn. Đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm - loại lãi suất áp dụng cho phần lớn các khoản vay của doanh nghiệp, nhưng giữ nguyên lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm - loại lãi suất áp dụng cho các khoản vay thế chấp nhà. Trước đó, giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng Bắc Kinh có những biện pháp quyết liệt hơn, nên các biện pháp mà Bắc Kinh công bố tính đến thời điểm này đã khiến họ thất vọng.
KHỦNG HOẢNG BẤT ĐỘNG SẢN TRUNG QUỐC ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU?
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đóng góp hơn 40% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, so với 22% của Mỹ và 9% của khu vực Eurozone - theo công ty nghiên cứu BCA Research.
Việc người tiêu dùng Trung Quốc thắt chặt hầu bao ảnh hưởng bất lợi đến kết quả kinh doanh của các công ty nước ngoài hoạt động tại thị trường Trung Quốc, từ các công ty công nghệ của Mỹ cho tới các hãng đồ hiệu châu Âu. Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu cũng đồng nghĩa nhu cầu giảm đối với nhiều hàng hoá, từ dầu thô, khoáng sản cho tới vật liệu xây dựng. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nhập khẩu hàng tỷ USD hàng nông sản và máy móc của Mỹ mỗi năm.
Dù vậy, đến thời điểm này, giới đầu tư toàn cầu chưa có nhiều phản ứng với bức tranh ảm đạm của kinh tế Trung Quốc. Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã có 3 tuần giảm liên tiếp nhưng vẫn tăng từ đầu năm đến nay, với trụ cột là xu hướng tăng của các cổ phiếu công nghệ. vốn hoá lớn. Các nhà đầu tư ở Mỹ và châu Âu hiện tại quan tâm nhiều hơn tới việc ngân hàng trung ương của họ sẽ có động thái lãi suất tiếp theo như thế nào, thay vì cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc.