Những “siêu phẩm” của ngành điều Việt Nam
Trong toàn ngành điều tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 3 sản phẩm được xếp hạng OCOP 5 sao cấp quốc gia. Cả 3 sản phẩm này đều thuộc về Công ty Cổ phần Hà Mỵ (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước)…
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp trung ương năm 2024, đã tổ chức cuộc họp đánh giá cuối cùng vào sáng 25/6. Là phóng viên, tôi có mặt tại nơi diễn ra cuộc họp từ đầu giờ sáng, cùng hàng chục doanh nhân và chủ thể OCOP chờ ở khu vực đại sảnh.
Cuộc họp diễn ra tới hơn 3 tiếng đồng hồ, mãi đến 12 giờ trưa, Hội đồng mới mở cửa, mời các doanh nhân, chủ thể OCOP và phóng viên vào nghe công bố kết quả. Nhờ 3 giờ đồng hồ chờ ở đại sảnh của phòng họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi được gặp và trò chuyện với nhiều doanh nhân, trong đó, có bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ đến từ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
NHỮNG SẢN PHẨM OCOP 5 SAO
Ở kỳ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao năm 2024, Công ty Hà Mỵ gửi hồ sơ 2 sản phẩm điều: Hạt điều rang quế và Hạt điều rang vị ca cao. Tuy nhiên đáng tiếc, kết quả 2 sản phẩm này chỉ vì thiếu 0,37 điểm nên chưa được OCOP 5 sao. Cụ thể: Hạt điều rang quế được 89,63 điểm và Hạt điều rang vị ca cao Aztecs đạt 88 điểm.
Trước đó, năm 2023, Công ty Hà Mỵ đã có 3 sản phẩm điều khác được công nhận OCOP 5 sao, bao gồm: hạt điều nhân trắng, hạt điều rang muối và hạt điều không rang muối. Cả 3 sản phẩm này là những sản phẩm đầu tiên và duy nhất của toàn ngành điều đã được xếp hạng OCOP 5 sao tính đến thời điểm hiện tại. Đây cũng là 3 sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bình Phước đã đạt OCOP 5 sao. Như vậy, có thể nói 3 sản phẩm điều OCOP 5 sao, cùng với 2 sản phẩm “suýt được” 5 sao (đều của Công ty Cổ phần Hà Mỵ) là những “siêu phẩm” của ngành điều Việt Nam.
Các sản phẩm điều OCOP 5 sao và OCOP 4 sao của Công ty Hà Mỵ được xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada và là nhãn hàng riêng cho hệ thống siêu thị Co.op Mart.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, tỉnh này được coi là “thủ phủ” của ngành điều Việt Nam. Bình Phước đã hình thành ngành công nghiệp chế biến hạt điều với 1.416 cơ sở, chiếm số lượng cơ sở chế biến hạt điều nhiều nhất cả nước với 33 doanh nghiệp quy mô vừa, 115 doanh nghiệp nhỏ, 1.254 doanh nghiệp siêu nhỏ.
Diện tích trồng điều tại Bình Phước chiếm 50% tổng diện tích cây điều của các nước. Năm 2018, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ có Quyết định số 673/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều. Công ty Cổ phần Hà Mỵ là doanh nghiệp đầu tiên được UBND tỉnh Bình Phước cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.
Đến thời điểm này, mới chỉ có hơn 10 doanh nghiệp được sử dụng chỉ dẫn địa lý này, và phải đáp ứng yêu cầu sử dụng 100% nguyên liêu là hạt điều trồng và thu hoạch tại tỉnh Bình Phước. Bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hà Mỵ cho biết cả 3 sản phẩm điều OCOP 5 sao và 2 sản phẩm gần đạt 5 sao đều có mã số truy xuất nguồn gốc và được thu mua trực tiếp từ các vùng trồng điều tại xã Bom Bo và Phước Sơn của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU BÀI BẢN
Công ty Hà Mỵ xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt và áp dụng kiểm tra chất lượng trong toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến hạt điều. Bà Nguyễn Thị Mỵ cho hay Công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu rất bài bản, bằng việc ký kết bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã trồng điều trong tỉnh Bình Phước. Nhờ vậy, không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh mà còn giúp kiểm soát chất lượng, giữ vững thương hiệu trên thương trường.
"Liên kết với nông dân trồng điều, cái hay là doanh nghiệp không chỉ kiểm soát được khối lượng, chất lượng hạt điều mà qua liên kết bao tiêu sản phẩm còn giúp nông dân bán được nông sản với giá ổn định, hình thành tư duy làm nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp xanh. Bởi tất cả hộ tham gia hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đều sản xuất theo một quy trình, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật và tất cả đều là giống điều truyền thống. Nhờ vậy, hạt điều chất lượng thơm ngon là không lẫn vào đâu được".
Ở công đoạn chế biến, Công ty Hà Mỵ đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại từ nhà xưởng, kho bãi, dây chuyền chế biến, phân loại sản phẩm, thanh trùng, đóng gói... theo tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC). Công ty Hà Mỵ đang xây dựng chiến lược đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm organic (hữu cơ), đặc biệt là sữa từ các loại hạt, trọng tâm là hạt điều Bình Phước.
"Trước khi có sản phẩm đạt chất lượng OCOP 5 sao, chúng tôi đã có nhiều sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu của khu vực và quốc gia. Toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến của nhà máy đều theo tuân thủ các quy định của quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt các tiêu chuẩn ISO, HACCP, BRC...”, bà Mỵ chia sẻ.
Tại kỳ họp năm 2024 (ngày 26/6), Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trung ương đã công nhận mới 4 sản phẩm OCOP 5 sao, gồm: Bánh đậu xanh rồng vàng hoàng gia của Công ty Cổ phần Hoàng Gia (Hải Dương); vải thiều lục ngạn của HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Bắc Giang); sầu riêng cấp đông của Công ty Chánh Thu (Bến Tre); gia vị hoàn chỉnh của Công ty TNHH sản xuất và thương mại YesHue (Thừa Thiên - Huế).
Như vậy, tính đến thời điểm này, cả nước đã có 46 sản phẩm được xếp hạng OCOP 5 sao quốc gia; có khoảng 13.000 sản phẩm đã được các địa phương xếp hạng OCOP 3 sao và 4 sao.