Niềm vui trở lại, nhiều doanh nghiệp "đảo chiều" lãi ngoạn mục trong tháng 10
Tháng 10 là mảnh ghép đầu tiên của quý cuối cùng trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh tích cực, hứa hẹn một quý "bội thu" sau những năm tháng lao đao vì Covid-19...
Tháng 10 là thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội trên toàn quốc được thực hiện, đặc biệt là tại các thành phố, trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tháng 10 cũng là mảnh ghép đầu tiên của quý cuối cùng trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh tích cực, hứa hẹn một quý "bội thu" sau những năm tháng khó khăn vì Covid-19.
Sự phục hồi ấn tượng nhất phải nhắc đến Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Sau 3 tháng lỗ liên tiếp, quý 3/2021 lỗ 159,5 tỷ đồng do đóng cửa hàng loạt cửa hàng thì đến tháng 10 vừa qua, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.080 tỷ, tăng 13,8% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 120 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ tháng 9 trước đó nhưng dù vậy vẫn giảm 31% so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.594 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 697 tỷ đồng, giảm 14,6%. Với kết qủa trên, PNJ đã thực hiện được 69,5% mục tiêu doanh thu và 56,7% mục tiêu lãi sau thuế 2021.
Cơ cấu doanh thu, 10 tháng qua, kênh lẻ của PNJ vẫn duy trì được doanh thu tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng về hoạt động kinh doanh từ cuối Q2 và xuyên suốt Q3/21. Doanh thu sỉ giảm 5,5% so với cùng kỳ. Doanh thu vàng miếng tăng trưởng 15,7%.
Tổng chi phí hoạt động trong tháng 10 tăng 23,4% so với cùng kỳ 2020. Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp đạt 64,6%. Biên lãi gộp tháng 10 của PNJ cũng giảm xuống còn 17,8%, cùng kỳ đạt 21,8%. Lũy kế 10 tháng, tỷ lệ lợi nhuận gộp đạt 18,4% so với mức 19,7% cùng kỳ 2020. Lũy kế 10 tháng, PNJ đã mở mới 18 cửa hàng PNJ Gold, đóng 18 cửa hàng PNJ Silver, 1 cửa hàng CAO, nhãn hàng Pandora đã đạt mốc 10 cửa hàng đầu tiên ở các thành phố lớn.
Quý 3/2021 vừa qua cũng là thời điểm kinh doanh kinh hoàng nhất của Dệt may Thành Công (TCM) với khoản lỗ sau nhiều năm mới xuất hiện, âm 2,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may mặt không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, chi phí xét nghiệm cho công nhân 2 lần/tuần dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và lợi nhuận sau thuế bị lỗ.
Tuy nhiên, bước sang tháng 10, tình hình kinh doanh của TCM đã khởi sắc hơn. Theo đó, doanh thu đạt 260,7 tỷ đồng, tăng 19% so với tháng 10/2020 và tăng 46% so với tháng 9/2021 trong đó sản phẩm may chiếm 76%, vải chiếm
12% và sợi chiếm 11% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế tháng 10 đạt gần 1,8 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho hay, mặc dù từ đầu tháng 10, Công ty đã dần bỏ hình thức làm việc “3 tại chỗ”, doanh thu được cải thiện nhưng chi phí sản xuất và quản lý vẫn còn cao so với cùng kỳ do các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 10 được sản xuất từ tháng 9 là lúc Công ty vẫn còn làm việc theo phương thức 3 tại chỗ, cộng với số công nhân quay lại làm việc trong 2 tuần đầu tháng 10 chỉ đạt khoảng 86% nên năng suất chưa hồi phục so với trước đại dịch, dẫn tới biên lợi nhuận của mảng sản phẩm may chưa đạt kỳ vọng.
Doanh thu lũy kế 10 tháng đạt 2.849 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 và tương ứng với việc hoàn thành 70% kế hoạch năm 2021. Lợi nhuận lũy kế sau thuế đạt 111 tỷ đồng, tương ứng với việc hoàn thành 40,2% kế hoạch năm 2021.
TCM xuất khẩu hàng dệt may đi nhiều nước lớn trên thế giới, trong đó, xuất khẩu 10 tháng 2021, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất 29,16% % tổng lượng hàng xuất khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm 28,54 %, Nhật chiếm 15,31% và Trung Quốc khoảng 10%.
Công ty đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và Quý 2/2022. Hiện Công ty đang đẩy mạnh xây dựng. nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 dự kiến đi vào hoạt động vào đầu tháng 3/2022 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022 và mang lại doanh thu, lợi nhuận cho Công ty trong thời gian tới. TCM đã vừa hoàn tất việc đánh giá nhà máy và ký kết hợp đồng với một đối tác của Mỹ - là thương hiệu thời trang lớn, kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại đơn hàng lớn cho TCM trong thời gian tới.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực dệt may, doanh thu tháng 10 của Đầu tư và Thương mại TNG đạt 462 tỷ đồng, tăng 100 tỷ tương ứng tăng 27,6% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng cũng tăng tương ứng, do đó công ty đạt lợi nhuận gộp 67 tỷ đồng. Sau hạch toán chi phí TNG lãi sau thuế 24,2 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 10 tháng năm 2021, doanh thu của TNG đạt 4.542 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của TNG đạt 193 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ - tương ứng vượt kế hoạch lãi cả năm là 175 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận tăng mạnh, EPS của TNG sau 10 tháng tăng lên 2.427 đồng.
Mới đây, Korea Investment Securities Co.,Ltd vừa báo cáo đã mua 6,8 triệu cổ phiếu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) vào ngày 15/11. Sau giao dịch, tổ chức này nắm hơn 7 triệu cổ phiếu TNG, tương đương sở hữu 7,65% vốn. Như vậy, tổ chức này chính thức là cổ đông lớn tại TNG sau thương vụ giao dịch. Tạm tính theo thị giá TNG vào thời điểm đó, Korea Investment Securities Co.,Ltd có thể phải chi khoảng 224 tỷ đồng để mua thành công số cổ phiếu đã đăng ký.
Sau 2 tháng 8 và 9 giảm liên tiếp, Thuỷ sản Vĩnh Hoàn (VHC) mới đây cũng thông báo doanh thu xuất khẩu tháng 10 đạt 780 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19% so với tháng trước. Thị trường Mỹ tiếp tục ghi nhận phục hồi ấn tượng khi tăng 95% so với cùng kỳ năm trước và tăng 37% so với tháng trước đạt 473 tỷ đồng. Doanh thu tại Trung Quốc giảm 53% so với cùng kỳ năm trước, châu Âu giảm 15% và các thị trường khác giảm 30%.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG-HOSE) vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 10/2021 với sự hồi phục ấn tượng của chuỗi TGDĐ/ĐMX sau khi được mở cửa bán hàng trở lại. Cụ thể, riêng tháng 10, MWG ghi nhận doanh thu đạt 12.186 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 568 tỷ đồng, tăng lần lượt là 39% và 86% so với cùng kỳ.
MWG cho biết đây là tháng có doanh thu cao thứ hai và lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động của MWG. So với tháng 9, doanh thu tháng này tăng 46% và lợi nhuận sau thuế tăng 71% nhờ sự hồi phục ấn tượng của chuỗi TGDĐ/ĐMX sau khi được mở cửa bán hàng trở lại.
Lũy kế 10 tháng năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 99.006 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 3.906 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ). Doanh thu online đóng góp 11.037 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ). Như vậy, công ty đã hoàn thành 79% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.