Nợ tiêu chí vẫn được công nhận nông thôn mới cho "bằng chị, bằng em"
Một số địa phương dù được công nhận nông thôn mới song vẫn còn tình trạng nợ, hụt tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng. Tình trạng còn nặng thành tích phải đạt nông thôn mới cho "bằng chị bằng em" vẫn diễn ra...
Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Những bất cập trong tiêu chí công nhận nông thôn mới là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TIÊU CHÍ NÔNG THÔN MỚI PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ ĐỊA PHƯƠNG
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đề cập thực trạng một số địa phương khó khăn đã được công nhận nông thôn mới vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng.
Trong khi đó, báo cáo giám sát chưa đánh giá đầy đủ số liệu đến thời điểm hiện nay có bao nhiêu tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, nhất là số liệu báo cáo về số xã hụt tiêu chí theo chuẩn mới đủ điều kiện áp dụng quy định thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 18/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, xã đã đạt công nhận nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bị thu hồi quyết định công nhận khi có từ 30 – 50% số tiêu chí xã không đạt, hoặc có từ 50% tiêu chí không đạt theo bộ tiêu chí hiện hành.
Theo đại biểu, mục đích giám sát là để đánh giá thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới, tránh tình trạng chạy theo số lượng. Bởi vì, khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, những chính sách xã hội về giáo dục, y tế, an sinh xã hội bị cắt giảm do không còn là đối tượng được hưởng chính sách, trong khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, nhiều địa phương vẫn phải bố trí ngân sách để hỗ trợ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong thu hồi quyết định công nhận nông thôn mới với các địa phương được công nhận từ giai đoạn trước nhưng hụt tiêu chí, nợ tiêu chí, không đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện nay.
Cũng cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đánh giá, một số tiêu chí công nhận nông thôn mới hiện nay, như thu nhập nghèo đa chiều vẫn quy định khá cao, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các xã khó bắt kịp so với chỉ tiêu của bộ tiêu chí.
“Một số chỉ tiêu khi áp dụng thực tiễn khó triển khai như chỉ tiêu xã phải có vùng nguyên liệu tập trung để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trên thực tế, nhiều xã vùng III của các tỉnh không có vùng nguyên liệu tập trung, các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản quy mô nhỏ chủ yếu theo mùa vụ. Mặt khác, chỉ tiêu cũng quy định diện tích sân bóng đá thể thao, quy định tỷ lệ phần trăm phải hỏa táng chưa phù hợp với vùng miền dân tộc...”, đại biểu Hoàng Thị Đôi dẫn chứng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu phù hợp với thực tiễn nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.
CHỈ CÔNG NHẬN NÔNG THÔN MỚI KHI CÁC TIÊU CHÍ ĐẠT YÊU CẦU
Cũng nhấn mạnh đến việc nhiều nơi vẫn còn chạy theo thành tích để được công nhận nông thôn mới, Đại biểu Phạm Văn Hóa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, việc xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải ngân chậm; vốn đối ứng cao, gây khó khăn cho các tỉnh có thu nhập thấp.
“Xã được công nhận nông thôn mới hoặc nâng cao chưa thực sự bền vững, còn nợ tiêu chí, còn nặng thành tích cho bằng chị bằng em”, đại biểu Hòa nói.
Thực trạng trên dẫn đến các vấn đề như, nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lí được; cơ sở vật chất xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa; việc vận động xã hội hóa rất khó khăn vì người dân cho rằng nâng cấp tu sửa là việc của Nhà nước nên ít người tham gia; mô hình chuyển dịch nông nghiệp xanh, sạch còn nhiều hạn chế…
“Điều mong muốn chung của địa phương là phát triển, cuộc sống người dân khấm khá hơn theo thời gian, nhưng việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn nông thôn mới là điều cần phải tránh. Các tiêu chí phải đảm bảo khi nào đạt mới được công nhận”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm đến thiết chế văn hóa, vì các xã đều có trung tâm văn hóa cộng đồng nhưng khai thác thì rất kém hiệu quả, thiếu trang thiết bị; giải quyết rốt ráo nợ đọng xây dựng cơ bản; nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng từ đơn giá trị sang đa giá trị; khuyến khích tái đầu tư cho các doanh nghiệp vào nông nghiệp nông thôn, vì hiện nay các doanh nghiệp rất ngại đầu tư do hiệu quả thấp.
Đại biểu cũng băn khoăn về tình trạng đối với các xã khu vực II, III khi đạt chuẩn nông thôn mới thì không còn được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nên có biểu hiện chần chừ, không muốn phấn đấu đạt chuẩn.
“Đây là vấn đề cần có sự hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài của các xã này để có được sự đồng thuận cao, khắc phục dấu hiệu tự mãn của các tổ chức, cá nhân khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, dẫn đến thiếu tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, duy trì nâng cao chất lượng tiêu chí”, đại biểu Hòa nói thêm.