Nội ngoại cùng xả, số mã giảm gấp đôi số tăng, VN-Index “tuột” khỏi đỉnh
Thị trường đột ngột xuất hiện áp lực bán hạ giá tăng vọt trong phiên sáng nay, ngay cả nhóm cổ phiếu đầu cơ mạnh hôm qua cũng đảo chiều cả loạt. Mặc dù thanh khoản khớp lệnh HoSE chỉ tăng nhẹ chưa tới 3% so với sáng hôm qua nhưng số mã giảm giá lại nhiều gấp đôi số tăng, cho thấy lực cầu đang suy yếu...
Thị trường đột ngột xuất hiện áp lực bán hạ giá tăng vọt trong phiên sáng nay, ngay cả nhóm cổ phiếu đầu cơ mạnh hôm qua cũng đảo chiều cả loạt. Mặc dù thanh khoản khớp lệnh HoSE chỉ tăng nhẹ chưa tới 3% so với sáng hôm qua nhưng số mã giảm giá lại nhiều gấp đôi số tăng, cho thấy lực cầu đang suy yếu.
VN-Index đạt mức cao nhất sáng nay ở 1.296,41 điểm (tăng 5,74 điểm), vẫn chưa vượt qua được mức cao nhất của phiên ngày hôm qua và chốt phiên giảm 5,75 điểm (-0,45%) so với tham chiếu. Thị trường lao dốc rất sớm khoảng 9h50 VN-Index đã đỏ, độ rộng cân bằng với 174 mã tăng/178 mã giảm. Tuy nhiên áp lực bán hạ giá tăng nhanh sau đó, chốt phiên chỉ số còn 138 mã tăng/281 mã giảm.
Giao dịch không đột biến về thanh khoản, HoSE khớp đạt gần 10.731 tỷ đồng, tăng 2,9% so với sáng hôm qua. Nếu tính cả HNX, thanh khoản chỉ tăng 1,1%. Dù vậy với độ rộng rất hẹp, đà giảm giá xuất hiện sớm, thanh khoản không nhiều đồng nghĩa với lực cầu yếu. Những nỗ lực đột phá của VN-Index một lần nữa thất bại.
Dĩ nhiên nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn là “tội đồ” chính. Chỉ số VN30-Index giảm 0,4% với 7 mã tăng/23 mã giảm. GAS tăng 0,25%, TCB tăng 1,12%, VPB tăng 0,83% là các trụ duy nhất còn xanh. Nhóm blue-chips suy yếu trước với biên độ đảo chiều khá lớn. Thống kê cho thấy nhóm này có tới 21/30 mã đã trượt giảm quá 1% so với mức đỉnh đầu ngày. Một số trụ lớn giảm rất nhiều như VIC giảm 1,84%, VHM giảm 1,29%, VNM giảm 1,04%.
Tuy nhiên điều gây bất ngờ là trạng thái yếu ớt của các cổ phiếu trụ không phải là mới, các phiên trước cũng như vậy, nhưng nhóm vốn hóa nhỏ, hàng đầu cơ vẫn tăng giá tốt. Sáng nay dòng tiền đầu cơ cũng suy yếu nhanh, chỉ số VNSmallcap đang giảm 0,33% với 49 mã tăng/100 mã giảm. Một nửa số này (52 mã) giảm trên 1% so với tham chiếu. IJC, APH, TV2, KSB, IDI, VSC, HHS, DPG, BAF, ORS… đều quay đầu mạnh dù các phiên trước rất hứng khởi. Thanh khoản của rổ Smallcap chỉ còn chiếm khoảng 14% tổng khớp sàn HoSE, một tỷ trọng khá nhỏ so với mức gần 19% hôm qua. Điều này cũng cho thấy dòng tiền nóng đã chững lại.
Khả năng nâng đỡ đang co cụm ở số ít cổ phiếu. Toàn sàn HoSE còn 41 mã tăng hơn 1%, nhóm blue-chips đóng góp 4 mã là POW, PLX, VIB, TCB. Nếu loại giao dịch của 4 blue-chips này thì thanh khoản ở các mã tăng khỏe nhất chỉ chiếm 9,3% tổng giá trị khớp của sàn. LHG, SMC, TVS, CNG, TLH, CSV, SKG, HAH là các cổ phiếu tăng giá khá nhất nhưng đều có thanh khoản hạn chế.
Diễn biến thị trường sáng nay chưa phải là xấu, VN-Index mới giảm gần 6 điểm. Tuy nhiên sự thay đổi đang xuất hiện và tín hiệu là kém tích cực khi quá nhiều phiên thị trường luẩn quẩn mãi không đột phá thành công và sự suy yếu ở nhóm dẫn dắt ảnh hưởng rõ nét lên các hoạt động đầu cơ. Thị trường không đón nhận thông tin nào có ảnh hưởng rõ ràng, nên giá vận động thuần túy là do dòng tiền. Các cổ phiếu đầu cơ vừa rồi đem lại cơ hội rất tốt và thu hút được sự chú ý, thanh khoản lên rất cao. Nếu nhóm này quay đầu, thị trường gần như cạn kiệt cơ hội ngắn hạn.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang gia tăng áp lực trở lại, sáng nay rút ròng tiếp tới gần 791 tỷ đồng trên sàn HoSE tăng gấp đôi sáng hôm qua và cao nhất 8 phiên. Hôm qua riêng cổ phiếu sàn này đã bị bán ròng 1.076 tỷ đồng và hôm nay hứa hẹn sẽ lại là một phiên rút ròng ngàn tỷ nữa. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng 561 tỷ đồng, tâm điểm vẫn là FPT -111 tỷ, VHM -104,1 tỷ, HPG -98,4 tỷ, TCB -62,5 tỷ, VNM -45,6 tỷ, MWG -38,5 tỷ, VRE -38,5 tỷ. Bên mua có PLX +28,2 tỷ, POW +27,1 tỷ, MBB +21,5 tỷ. HAH, CSV cũng nằm trong số mua ròng và giá tăng.