Nữ đầu bếp Việt trở thành Á quân Master Chef Italia là ai?
Sau 12 vòng thi, Huế xuất sắc lọt vào vòng chung kết của Masterchef Italia, đất nước có nền ẩm thực nổi tiếng. Cô đã vượt qua các đối thủ nặng ký để trở thành một trong top 4 “bộ tứ toàn năng” và cuối cùng trở thành Á quân của Masterchef Italia mùa 12…
Trải qua 24 tập phát sóng, vượt qua nhiều thí sinh tiềm năng, Đinh Thị Huế nói rằng danh hiệu Á quân đã vượt cả kỳ vọng ban đầu của cô. “Mình tham gia cuộc thi đơn giản vì mình mong có thể thực hiện được mơ ước giới thiệu các món ăn Việt Nam quê hương mình đến với bạn bè thế giới. Mọi người cũng biết rằng, một món ăn không chỉ để ăn, mà còn có thể kể chuyện, còn chứa đựng những giá trị to lớn”, Á quân Masterchef Italia 2023 cho biết.
Đinh Thị Huế, cô gái Việt 27 tuổi, đang ấp ủ một “dự án lớn”: vinh danh nghề Đầu bếp ở Việt Nam. Sinh ra ở vùng ngoại thành Hà Nội, Huế đến thành phố Salerno (Italia) vào năm 2016 để theo học hệ Thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế. Trong quá trình học tập và làm việc, Huế đã sống ở nhiều thành phố của Ý bao gồm Bolzano, Genoa, Venice và Florence; hiện tại cô đang là Trợ lý dự án cho một công ty hợp tác phát triển giữa các công ty Ý và Việt Nam. Huế cho biết trong suốt quá trình tham gia cuộc thi, cô luôn cố gắng nấu các món ăn lấy cảm hứng từ ẩm thực Việt, với sự pha trộn hài hòa giữa văn hóa ẩm thực Việt - Ý, mang đậm dấu ấn cá nhân của mình.
Trong vòng đầu tiên Live Cooking, với món ăn có tên "Học, Hành, Hy vọng và Mơ ước", Huế đã nhận được chiếc tạp dề màu trắng có tên mình, đứng vào hàng ngũ Masterclass. Đó là chiếc bánh xếp trắng và trong, hình nửa vầng trăng được Huế làm bằng bột gạo, nhân thịt heo, ướp hành, sả và một thứ gia vị Việt Nam không thể thiếu là nước mắm. Những đầu lưỡi tinh tế nhận ngay ra nước mắm Việt Nam thật khác nước mắm Ý colatura di alici. Một chiếc bánh nhỏ bộc bạch hai tâm hồn: một của nguồn cội, quá khứ và văn hóa nơi sinh ra, và một của sự hội nhập vào một nền văn hóa mới cùng với lòng đam mê ẩm thực và khát khao học hỏi.
Ngay từ đầu cuộc thi, cô đã nhận được sự đánh giá cao từ ban giám khảo, là những đầu bếp đã đạt được nhiều sao Michelin. Trong phần 8 của chương trình được chiếu vào tháng 2/2023, khi được yêu cầu trình bày một món có nguồn gốc thực vật đơn giản, Đinh Thị Huế đã làm món ăn cơm nắm muối vừng, với nước cơm chắt và đậu phụ tẩm sốt. Cô chia sẻ, món ăn này từng được bà nội cô nấu cho cha cô rồi cha nấu cho cô ăn thời thơ ấu khi gia đình còn nghèo khó.
Đinh Thị Huế hào hứng chia sẻ: ''Tôi là một người Việt Nam xa xứ đã lâu, có chút đam mê chuyện bếp núc, thích thử những món ngon, mới lạ của mỗi vùng đất mình đặt chân qua. Tôi tự tay chăm sóc một vườn rau gia vị để nấu các món ăn hoài niệm. Đó là những món quen thuộc khi còn dưới mái nhà xưa của mẹ cha, những món có trong bếp gia đình của những người thân quen, được truyền qua nhiều thế hệ, gắn liền với tuổi thơ mà màu sắc, hương vị không hề phai nhạt, trái lại, còn đánh thức mọi giác quan và làm hân hoan cái bao tử".
Trên trang web của cuộc thi, ban tổ chức cho biết thí sinh Việt Nam ngay lập tức chinh phục tất cả mọi người - trên hết là đầu bếp Antonino Cannavacciuolo, nhờ sự ngọt ngào và câu chuyện đời thường. Tuy nhiên, cô gái cũng được biết đến là một nhân vật khóc nhiều giữa các món ăn. Trong buổi họp báo sau tập chung kết, cô tiết lộ: “Tôi đã thể hiện chân thực bản thân mình. Tôi đã khóc rất nhiều vì tôi quan tâm đến hành trình này và tôi biết khả năng của mình còn hạn chế. Tôi đã từng nghĩ rằng chỉ cần can đảm và kiên trì thì có thể đạt được bất cứ điều gì, nhưng thực tế không phải lúc nào những điều này cũng là đủ”.
Trong phần thi Chiếc hộp bí ẩn, Huế đã chế biến món “Một khoảnh khắc đẹp” - món nộm ngó sen ngâm và hoa dâm bụt với nhiều vị khác nhau. Còn trong phần thi Sáng chế với sự xuất hiện của giám khảo khách mời Jeong Kwan – vị nữ tu Phật giáo và là đầu bếp nổi tiếng người Hàn Quốc, Huế đã giới thiệu món "Mùa hè", một món ăn với bí xanh và đậu hũ chiên vàng trong dầu mè. Trong phấn Bài kiểm tra Áp lực cuối cùng và cũng là phần quan trọng nhất, cô đã thể hiện hết sức mình với món “Le Polpette Mie” gồm thịt ếch viên với kem và cơm scamorza với khoai tây chiên nướng. Món ăn kết hợp giữa ẩm thực Việt Nam và Ý một cách tinh tế này đã giúp cô “giật” chiếc vé vào chung kết.
Ít ai biết, trước khi sang Ý du học, ở nhà Huế là người không biết nấu ăn. “Hồi ở Việt Nam, mình không biết nấu ăn, ẩm thực với mình là con số 0 tròn trĩnh. Đó là lý do mà khi biết mình tham gia cuộc thi về nấu ăn này, gia đình ở Việt Nam đã rất bất ngờ, bạn bè cũng không tin được mình có kết quả như hôm nay", Huế cười và nói. Với tình yêu quê hương và gia đình sâu sắc, sau cuộc thi, cô gái Hà Nội mong muốn vinh danh nghề đầu bếp ở Việt Nam, chuyển ngữ các sách dạy nấu ăn của các đầu bếp đẳng cấp sang tiếng Việt.
Trước đó, vào năm 2018, cô gái gốc Việt sống ở Ba Lan Ola Nguyễn cũng đã giành ngôi vị quán quân Masterchef Ba Lan. Trong đó, hai món ở chặng cuối của cuộc thi giúp Ola giành chiến thắng là lưỡi lợn và cá hun khói. Với món lưỡi lợn, cô cho vào nồi áp suất ninh cho mềm, thêm gừng, dấm, khi bày lên có thêm dứa, rau răm, rau húng, phồng tôm và bánh đa nem. "Tôi muốn cho mọi người thấy sự khác biệt rõ của ẩm thực Á và Âu qua hai món ăn này. Nếu như cá hun khói là thuần đồ Âu thì món lưỡi lợn hội tụ các đặc trưng của món ăn Việt, hơi dai và dậy mùi nhờ các loại rau thơm", Ola miêu tả.
Trước đó nữa, năm 2012, cô gái người Mỹ gốc Việt Christine Hà, khi đó 33 tuổi, đã trở thành thí sinh khiếm thị duy nhất đến nay dự thi chương trình Vua đầu bếp của đầu bếp nổi tiếng khó tính Gordon Ramsay. Với phần trình bày món cá kho tộ truyền thống của Việt Nam, hay cách cô dùng dao thái chanh đầy mạo hiểm nhưng cũng rất khéo léo, Christine Hà đã vượt qua mọi nghịch cảnh để giành lấy ngôi vị Quán quân MasterChef Mỹ mùa 3 và trở thành một trong những đầu bếp hàng đầu ở thời điểm hiện tại.