“Nước cờ” Tesla chia sẻ trạm sạc tới bài toán trạm sạc xe điện ở Việt Nam
Trái ngược với những tuyên bố trước đó, Tesla đã khiến thế giới ngỡ ngàng khi lần đầu tiên tuyên bố mở mạng lưới sạc cho các thương hiệu ô tô điện khác trong chương trình thử nghiệm ở Hà Lan. Nhà sản xuất ô tô này lý giải động thái bất ngờ của mình là nhằm “tìm cách đưa EV trở nên phổ biến hơn”.
Tính toán của Tesla
Là hãng xe điện hàng đầu thế giới hiện nay với mạng lưới sạc xe điện rộng khắp, Tesla chiếm lợi thế độc quyền trong hệ thống sạc các loại xe của hãng.
Elon Musk, Giám đốc điều hành của Tesla vẫn thường nói rằng nhiệm vụ của ông là khuyến khích sử dụng xe điện. Một phần của nhiệm vụ này là việc Tesla tạo ra hệ thống sạc nhanh của riêng họ, và giờ đây hãng sẽ không chỉ sử dụng độc quyền trạm sạc của mình mà sẽ chia sẻ cho các hãng xe khác. Câu hỏi được đặt ra là Tesla có đang tự đánh mất ưu thế của mình trước các đối thủ hay không?
Thực tế, nếu mở cho các hãng khác sạc chung, Tesla sẽ có một nguồn thu khác trị giá tỷ USD vì khách hàng sẽ phải trả tiền theo một mức giá mà hãng xe điện này đưa ra.
Theo ngân hàng Mỹ Goldman Sachs ước tính, lợi nhuận mà Tesla có thể thu về nếu xe điện của các thương hiệu khác đến sạc tại Supercharger lên tới 25 tỷ USD mỗi năm.
Như vậy, theo tính toán của Tesla, càng dễ tìm trạm sạc, xe điện càng dễ bán. Thị trường xe điện càng đi lên, xe của Tesla cũng theo đó đi lên. Và sự phổ quát của Tesla sẽ càng rộng hơn rất nhiều.
Không chỉ có thế, Tesla đang dự tính biến các trạm sạc thành nơi nghỉ ngơi, ăn uống cho các tài xế trong lúc chờ đợi sạc xe. Càng đông người đến sạc xe thì Tesla càng thu được nhiều tiền dịch vụ mua sắm, nhà hàng.
Không chỉ thế, nếu Tesla mở thêm các trạm sạc sử dụng năng lượng tái tạo tại Mỹ, công ty này còn có thể khai thác các khoản tài trợ của chính phủ nhờ việc sử dụng năng lượng sạch.
Như vậy, nước cờ của Tesla thực tế lại không hề có hại mà thực tế chỉ là “lùi một bước, tiến ba bước”, đồng thời giải quyết một trong những lo lắng lớn nhất của người dùng đó là độ phủ sóng của các trạm sạc xe điện.
Hãng xe cho biết giá sạc điện cho các EV thương hiệu khác sẽ bao gồm thêm chi phí để hỗ trợ nhiều loại xe và điều chỉnh thông số để phù hợp với chúng. Giá tính phí có thể được hạ xuống nếu người sử dụng đăng ký thành viên.
Hiện Tesla vận hành hơn 25.000 trạm sạc nhanh Supercharger trên toàn thế giới, trong khi các nhà sản xuất ô tô khác cũng cùng nhau thành lập liên minh hoặc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp để tạo nên mạng lưới trạm sạc khi họ tung xe điện ra thị trường.
Dịch vụ sạc siêu tốc Supercharger dành cho những chiếc xe sử dụng Hệ thống sạc kết hợp (CCS) được ưa chuộng bởi BMW, hãng sản xuất Mercedes-Benz Daimler, Ford và tập đoàn Volkswagen, bao gồm Audi và Porsche. Tesla cũng đang sử dụng tiêu chuẩn CCS ở châu Âu, cho phép nhiều loại ô tô điện khác có thể sạc tại các trạm mà không cần bộ chuyển đổi đầu nối.
Bài toán trạm sạc tại Việt Nam
Việt Nam đang là thị trường “chớm nở”, được đánh giá nhiều tiềm năng khi có sự tham gia của nhiều hãng xe trong thời gian gần đây. Với sự xuất hiện của các mẫu xe điện trong nước và từ các hãng nhập khẩu, người tiêu dùng đã quan tâm tới các dòng xe điện hóa hơn rất nhiều so với trước đây.
Đáng chú ý nhất là hãng xe Việt Nam non trẻ VinFast đã tuyên bố dừng sản xuất xe xăng để chuyển hướng hoàn toàn sang xe điện. Mẫu xe điện phổ thông đầu tiên của hãng là VF e34 đã đến tay khách hàng và được nhiều người tiêu dùng ở thị trường Việt Nam đón nhận trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn cùng linh kiện. Hãng xe cũng giới thiệu nhiều mẫu xe thuần điện khác là VF7, VF8, VF9… ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2022 có nhiều bước thay đổi của thị trường xe điện, đơn cử Thaco đã giới thiệu mẫu xe điện Kia EV6 vào năm ngoái và dự kiến đến tay khách hàng vào khoảng giữa năm nay. Hyundai cũng tham gia vào thị trường xe điện tại Việt Nam với mẫu IONIQ 5 vừa ra mắt vào cuối tháng 4 vừa qua, mặc dù mới đưa về để thăm dò phản ứng thị trường.
Trước đó, ở phân khúc xe sang, Porsche đã đưa mẫu xe thuần điện Taycan về thị trường Việt Nam từ khá sớm. Audi cũng đã giới thiệu mẫu xe điện E-tron GT.
Trong khi đó, Mercedes-Benz cũng có kế hoạch trình làng mẫu sedan chạy điện EQS chạy điện vào tháng 10 tới. Ngoài ra, các mẫu xe khác như EQE và EQB cũng có thể sớm được hãng xe Đức mang về thị trường trong nước để đón đầu xu thế.
Tuy nhiên, hiện tại tại Việt Nam chỉ có Vinfast là hãng xe phổ thông đầu tư hạ tầng trạm sạc lớn nhất tại Việt Nam. Hãng cho biết, tính đến tháng 10/2021 có khoảng 10.000 cổng sạc đã được lắp đặt và sẵn sàng đi vào hoạt động tại 62 tỉnh thành. Trong khi Porsche đã đưa mẫu xe thuần điện Taycan dù khá sớm nhưng hãng xe nãy cũng mới chỉ đầu tư xây dựng trạm chủ yếu ở hai đại lý chính hãng ở TP HCM, Hà Nội và nhà riêng của khách (sở hữu Taycan) có nhu cầu. Sau Porsche, Mercedes cũng sẽ làm tương tự.
Với bài toán trạm sạc cho xe điện, hiện VinFast là hãng lớn nhất sẽ phát triển, lắp đặt 3.000 trạm sạc với 150.000 cổng sạc điện trên cả nước. Việc này nhằm hoàn thiện hạ tầng, mạng lưới trạm sạc vốn được coi là một trong yếu tố ảnh hưởng tới việc thúc đẩy quyết định mua xe của khách hàng tại Việt Nam.
Hiện tại, chỉ người dùng xe VinFast mới được phép sạc tại trạm sạc của VinFast. Điều này đồng nghĩa với các mẫu xe điện của thương hiệu khác chỉ có thể sạc tại nhà.
Trước câu hỏi xe điện mang thương hiệu khác có được dùng chung trụ sạc với hãng xe Việt tại thị trường Việt Nam như Tesla đang làm trong thời gian tới hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
Thực tế, các trạm sạc của VinFast vẫn chưa đủ công suất để phục vụ cho các hãng xe khác nên hãng này chỉ ưu tiên cung cấp các tiện ích cho các mẫu xe của mình cũng là hợp lý. Bên cạnh đó, mục tiêu của Vinfast ở thời điểm hiện tại là giúp gia tăng doanh số bán xe chứ không phải tập trung vào kinh doanh năng lượng.
Đến một thời điểm nào đó, khi cơ sở vật chất, hạ tầng các trạm sạc công cộng đủ đáp ứng nhu cầu thì hãng xe Việt rất có thể cũng sẽ như Tesla mở cho các hãng xe khác sạc sử dụng và họ thu tiền phí, gia tăng lợi nhuận kinh tế.
Rõ ràng, thị trường Việt Nam đang là một thị trường mới còn chờ khai phá, Vinfast cần có những toan tính riêng chứ không dập khuôn theo “nước cờ” của Tesla khi cho các hãng khác sử dụng chung trạm sạc của mình.
Trong khi đó, nhận thấy nhu cầu rất lớn về bài toán trạm sạc ở Việt Nam, mới đây, Autel, một công ty nghiên cứu phát triển, cung ứng các sản phẩm phụ trợ trong ngành ô tô từ Trung Quốc, đã giới thiệu tại TP.HCM trụ sạc cho xe điện kèm mục tiêu thăm dò, tiến tới bán hàng ở thị trường Việt. Hãng này thậm chí đã tìm được nhà phân phối tại Việt Nam và nói rằng, nếu có tiềm năng rõ ràng, Autel và nhà phân phối sẽ cung cấp các trụ sạc cho khách hàng cá nhân hoặc liên kết với đối tác để xây dựng các trạm sạc công cộng.
Với bài toán phát triển xe điện, trạm sạc xe điện là một trong những yếu tố quan trọng ở cả ở khía cảnh sản xuất lẫn tiêu thụ. Lượng trạm sạc càng nhiều, phân bổ rộng ở các khu vực khác nhau sẽ giúp người dân an tâm hơn khi chuyển đổi sang loại phương tiện mới này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xây dựng một hạ tầng trạm sạc rộng và đồng bộ, cần có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành ô tô. Trong đó, tại Việt Nam, nhà nước đóng vai trò xây dựng chính sách và tìm tiếng nói chung giữa các bên, hướng đến xây dựng một mạng lưới trạm sạc liên kết với nhau. Đây cũng là cách Mỹ và các nước châu Âu đang thực hiện.
Hiện tại, để khuyến khích ô tô điện phát triển, từ tháng 3/2022 Chính phủ giảm loạt thuế, phí với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt về 3% trong 5 năm với ô tô điện dưới 9 chỗ, hay miễn phí trước bạ 3 năm. Nhưng theo các chuyên gia, ưu đãi thuế cho xe điện là chưa đủ, Việt Nam cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho trạm sạc, cũng như chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất mảng hạ tầng quan trọng này hay hỗ trợ xây dựng các nhà máy sản xuất pin để có thể giảm giá thành xe điện thấp hơn so với mức giá hiện tại.